Không dám động đến lâm tặc
Gỗ lậu được xẻ theo quy cách 40cm2, dài 2,5m. Ảnh: K.D
Nhìn từng đoàn, từng đoàn người ùn ùn gầm rú xe máy chở những súc gỗ xẻ qua trước mũi trạm bảo vệ nơi cửa rừng của Cty TNHH nông nghiệp Khang Cường ở Đạ Nha, tôi không thể không tự hỏi về năng lực bảo vệ rừng của đơn vị này...
Trong một văn bản, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Kim Minh Đạt (công ty mẹ của Khang Cường) phải “tăng cường lực lượng đủ mạnh, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan có liên quan trong quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích được thuê; nếu công ty tiếp tục để rừng bị phá, khai thác trái phép thì phải bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị mất...”.
Trạm Quản lý bảo vệ rừng của Công ty Khang Cường nằm ngay nơi cửa rừng Đạ Nha. Ở đây chỉ có 4 người làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ những gần 900ha rừng của công ty.
Vô vàn khó khăn, nguy hiểm
Thấy tôi giương máy ảnh, một nhân viên tên là Luân lại nhắc: “Anh chụp kheo khéo thôi. Chụp công khai, tụi nó trả thù đấy. Tụi em đặt trạm ở đây, chốt ở đây nhưng ban ngày ban mặt mà người làm gỗ lậu cứ ùn ùn đi ngang qua mặt, tụi em không hề dám động đến họ thì anh biết họ như thế nào rồi đấy”. Tôi không đếm xuể trong vòng nửa tiếng đồng hồ có cả thảy bao nhiêu xe Honda chở gỗ đi ngang qua trạm. Khánh nói: “Tất cả gỗ đều được xẻ đúng theo quy cách chiều ngang 40cm2, chiều dài 2,5m. Họ đi thành từng đoàn, ít thì 5, 7 người; nhiều thì lên đến hơn chục người. Ở đây, chúng em hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ gì cả, gần như là tay không; trong khi lâm tặc thì dao rựa, giáo mác cứ lừ lừ, lườm lườm thế kia. Hễ động đến họ là cái chốt này cùng với cả tính mạng của các nhân viên không yên đâu. Họ cũng từng đập phá chốt của tụi em rồi chứ phải không đâu”.
Trong một văn bản của Công ty Khang Cường gửi Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Đạ Tẻh hồi cuối năm 2014 có đoạn: “Sự việc trên cho thấy sự hoành hành của lâm tặc tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng là ngày càng gia tăng và bất chấp luật pháp, xem thường cả các cơ quan chức năng. Do đó, Công ty Khang Cường vô cùng lo ngại cho sự an toàn của cán bộ nhân viên tại khu vực dự án, vì trong thời gian qua, cán bộ nhân viên của công ty đã nhiều lần bị lâm tặc đe dọa...”. Cụ thể, ngày 5.1.2014, một nhóm lâm tặc đã mang theo hung khí đến chốt bảo vệ của công ty đập phá bảng hiệu và hủy hoại một số tài sản của công ty. Ngày 23.10.2014, ông Lăng Văn Ray - đội trưởng đội bảo vệ của công ty đã nhận được điện thoại của một số đối tượng lâm tặc đe dọa “thịt” nếu như chặn gỗ qua chốt cửa rừng. Không chỉ đe, lâm tặc làm thật: 14.12.2014, một nhóm lâm tặc mang hung khí kéo đến trạm đập phá và làm bị thương ông Ray khiến ông Ray phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (trên Bảo Lộc), một nhân viên khác cũng bị thương, phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh là anh Nguyễn Trường Giang.
Gần đây, trong một văn bản gửi đích danh ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, Tổng giám đốc Công ty Khang Cường- ông Đoàn Minh Trường - cho rằng: “Rõ ràng, Công ty Khang Cường cũng như các cán bộ nhân viên của công ty đang bị đặt vào tình thế hết sức khó khăn và nguy hiểm. Nếu nhắm mắt làm ngơ cho lâm tặc khai thác rừng thì Công ty Khang Cường sẽ phải chi trả tiền phạt cho Nhà nước khi lực lượng chức năng kiểm tra; nhưng nếu báo cáo và phối hợp với cơ quan nhà nước để ngăn chặn lâm tặc thì lại bị trả thù, phá hoại tài sản và thậm chí đe dọa an toàn tính mạng của cán bộ nhân viên...”. Công văn này còn thừa nhận: “Cho dù lực lượng bảo vệ của công ty có nhiều đến mấy cũng không thể “mắc võng” nằm canh cây được. Trong khi các nhóm lâm tặc chỉ cần 5 phút là có thể cưa xong một cây to. Từ khi nghe tiếng cưa máy đến khi đến được nơi khai thác, anh em bảo vệ cũng mất hơn nửa tiếng trèo đèo lội suối...”.
Xem lại năng lực doanh nghiệp
Rõ ràng là năng lực của doanh nghiệp Khang Cường, nhất là năng lực bảo vệ rừng đang có vấn đề. Ông Đỗ Phú Quới - Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh - nhận định: “Không chỉ riêng Khang Cường mà hầu hết 22 doanh nghiệp có thuê đất trên địa bàn huyện Đạ Tẻh này đều thế cả. Hầu hết các doanh nghiệp thuê đất để trồng rừng, trồng cây caosu, kết hợp với chăn nuôi gia súc và canh tác nông nghiệp. Hiện cây caosu đang chững lại vì giá xuống thấp, các doanh nghiệp không mở rộng thêm. Nhưng đó chỉ mới là một nhẽ; thực chất, năng lực tài chính của doanh nghiệp không mạnh như đánh giá ban đầu. Còn về năng lực quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn lâm tặc khai thác gỗ trên diện tích đất rừng đã thuê, Khang Cường cũng như 21 doanh nghiệp còn lại đều yếu”.
Cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp của Khang Cường - anh Nguyễn Văn Dương - nói: “Khang Cường không đặt ra vấn đề khai thác gỗ tận thu mà đặt nặng vấn đề canh tác nông nghiệp sạch, ngoài việc trồng rừng và trồng cây caosu. Hiện cây caosu đang gặp khó nên tạm dừng ở diện tích trên dưới 30ha đã trồng trước đây để chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ sạch và trồng chuối. Về nông nghiệp công nghệ sạch thì gần đây đã có một vài công ty của nước ngoài đến tham quan và đặt vấn đề với Khang Cường. Còn về trồng chuối, hiện Khang Cường đang hợp tác với Hợp tác xã Hiệp Nhất (đứng chân trên địa bàn thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) đầu tư xây dựng một phòng lab để nuôi cấy mô (do EU tài trợ) tạo cây giống và trồng thử nghiệm khoảng 30ha. Cùng đó, Khang Cường cũng đã trồng được một ít diện tích cây sầu riêng trong vùng rừng được thuê từ một, hai năm nay rồi”.
Về cây caosu, khi tôi đi tham quan rừng cùng với Khánh, nhìn những cánh rừng caosu năm, bảy năm tuổi (có những khu sắp cho thu hoạch mủ) bị bỏ mặc cho nắng mưa mà xót! Suốt một năm qua, hơn 30ha caosu này không được chăm bón gì cả. Khánh nói: “Cây caosu không còn hấp dẫn nữa rồi. Với lại, người dân địa phương ở đây bị lâm tặc thuê hết rồi. Đi làm thuê cho công ty mỗi ngày cao lắm là 200.000 đồng, còn đi chở gỗ cho các đầu nậu - cứ mỗi súc gỗ như vậy khi về đến trung tâm xã được trả 300.000 đồng, với lại chở gỗ chỉ mất hơn một buổi”. Dương chen vào: “Công ty cũng muốn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương bằng cách thu hút vào nghề rừng và canh tác nông nghiệp, nhưng cái giá của đầu nậu gỗ vẫn luôn cao hơn giá của công ty nên không mấy ai màng đến việc làm việc cho Khang Cường cả”.
Đem vấn đề quản lý bảo vệ rừng ở Công ty Khang Cường trao đổi với ông Nguyễn Bá Khai - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh, thông tin cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Ông Khai nói: “Rừng bây giờ Khang Cường thuê rồi. Để mất rừng, trách nhiệm chính thuộc về họ. Trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, rừng của Nhà nước trước đây được giao cho chúng tôi tương đối liền khoảnh, nay thì khoảnh này giao cho công ty này, khoảnh kia giao cho công ty khác nên trở nên rừng “da báo”. Do đó, lúc này, việc bảo vệ diện tích rừng còn lại của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh khó khăn hơn trước”.
Để rừng không tiếp tục mất, lâm tặc không còn “múa gậy như chốn không người”, đã đến lúc UBND tỉnh Lâm Đồng cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc năng lực tài chính, năng lực bảo vệ rừng của các doanh nghiệp thuê rừng trên địa bàn, cũng như chủ trương cho doanh nghiệp thuê rừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét