Trang

24 tháng 7, 2014

Lò đốt rác ông Kiên: Địa phương phá, nước ngoài... hưởng ngọc thay

Ông Phan Bội Trân – hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu đã nhận xét về trường hợp của ông Bùi Khắc Kiên làm lò đốt rác tại Thái Bình
Xung quanh vấn đề ông Bùi Khắc Kiên (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) sáng chế ra chiếc lò đốt rác ở nhiệt độ cao, có khả năng phát điện, nhưng từ năm 2011 đến nay bị Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình cấm đoán không cho tiếp tục, nghiên cứu chế tạo. Dù cho sáng chế đó rất được các doanh nghiệp tư nhân tin tưởng và cho thấy hiệu quả thực tế.
Chia sẻ về cách làm của Sở KHCN Thái Bình, ông Phan Bội Trân – hậu duệ của nhà cách mạng lừng lẫy Phan Bội Châu, chủ nhân của sáng chế tàu ngầm mini Yết Kiêu đã có những nhận định rất chân thực.
PV: - Ông nghĩ thế nào về sáng chế của ông Bùi Khắc Kiên?
Ông Phan Bội Trân: - Tôi mới biết thông tin sơ qua về sáng chế này, và cũng không phải lĩnh vực sở trường của tôi, vì thế không thể nắm rõ ưu nhược điểm của sản phẩm ấy. Tuy nhiên, có một thông tin cần chú ý, nếu như doanh nghiệp của nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản và châu Âu đã để mắt tới, thì chắc chắn họ đã nhìn ra một lợi ích nào trong đó. Vì thế tôi tin sáng chế ấy hoàn toàn có khả năng ứng dụng và nhân rộng hiệu quả.
Một phần của chiếc lò đốt rác bị tháo dỡ và để trên mái nhà
Một phần của chiếc lò đốt rác bị tháo dỡ và để trên mái nhà
Nếu như nước ngoài để mắt tới sản phẩm của Việt Nam, mà Việt Nam thì thờ ơ, bản thân sáng chế của tôi cũng đã gặp trường hợp tương tự, và ông Bùi Khắc Kiên sẽ không phải trường hợp cuối cùng của Việt Nam. Thực tế, các cấp quản lý địa phương đã làm lỡ mất rất nhiều báu vật. Và trong bối cảnh cả đất nước đang hội nhập như vậy, báu vật đó rất sẽ rơi vào tay nước ngoài.
Tôi ví dụ như sáng chế của ông Kiên mới chỉ là một viên ngọc thô, chúng ta yếu kém không nhìn thấy giá trị của nó. Nhưng nước ngoài họ tinh mắt lắm, họ nẫng tay trên của ta và về gọt giũa đi thành viên ngọc sáng. Biết đâu vài năm sau chính ta sẽ phải đi mua lại sáng chế của mình. Lúc đó chắc người nước ngoài họ rất hỉ hả.
PV: -  Ông Bùi Khắc Kiên ngay lập tức bị Sở KHCN Thái Bình cấm đoán không cho nghiên cứu sản xuất vì hai lý do: vi phạm vệ sinh môi trường và sử dụng nồi hơi. Trong khi đó, Bộ KHCN cử cán bộ về và nhìn thấy điểm mạnh của sáng chế này, đã giúp đỡ đăng ký sở hữu trí tuệ. Ông đánh giá thế nào về cách xử lý vấn đề của Sở KHCN tỉnh Thái Bình?
Ông Phan Bội Trân: - Câu chuyện này làm tôi nhớ đến một điều rất thú vị ở Pháp, hồi thế kỷ 18, có một người dân vô tình tìm tòi nghiên cứu ra cái chân vịt cho tàu thuyền. Ông ta mang đi đăng ký bằng sáng chế nhưng việc đầu tiên mà cơ quan chính quyền đó làm là bắt ông này lại, cho rằng ông ấy bị điên.
Nhưng một người Anh đã lọ mọ vào tận nhà tù và gạ ông ấy bán lại cho cái sáng chế đó. Và một thời gian sau, khi hai nước Anh – Pháp xảy ra hải chiến, người Pháp thất bại hoàn toàn, còn người Anh trở thành một cường quốc hải quân, cũng chỉ vì người Pháp không biết trân trọng sáng chế của người dân nước họ.
Ông Bùi Khắc Kiên thử nghiệm biểu diễn sáng chế của mình ở chợ Sặt (Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình) và thành công vào năm 2011
Ông Bùi Khắc Kiên thử nghiệm biểu diễn sáng chế của mình ở chợ Sặt (Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình) và thành công vào năm 2011
Thực ra, đất nước ta ra đời chưa lâu, thực tế sau 1954 nên bộ máy còn nhiều điều luộm thuộm. Bản thân các nước phát triển hiện nay cũng đã từng trải qua thời kỳ như chúng ta, và tôi hiểu nhà nước đang rút kinh nghiệm dần dần.
Việc với Sở KHCN Thái Bình có lẽ do họ chưa biết cách xử lý, và có lẽ cũng do họ không có kiến thức, vì thế áp dụng luật lệ một cách máy móc, cứ thấy vi phạm là cấm. Thà cấm cho an toàn còn hơn để đến lúc xảy ra sự cố lại tạo điều kiện cho những người khác vin vào tranh ghế tranh chức của mình.
Doanh nghiệp Việt ca ngợi, muốn hợp tác làm lò đốt rác ông Kiên
PV: - Thực tế tại Việt Nam, trường hợp của ông nông dân Bùi Khắc Kiên không phải là đầu tiên, đã có rất nhiều tiền lệ. Theo ông, vì sao Việt Nam vẫn có những tình trạng như vậy mặc dù nhà nước đang ra sức kêu gọi nhân dân tham gia sáng tạo khoa học?
Ông Phan Bội Trân: - Muốn trả lời câu hỏi ấy thì trước hết phải trả lời được câu hỏi: Bản thân những người nắm quyền trong tay, như SỞ KHCN Thải Bình liệu họ cố thực sự mong muốn đóng góp cho đất nước hay không? Phải biết rằng những người có bằng cấp, thậm chí nhiều bằng cấp, học hàm học vị cao thì mới vào trong cơ quan nhà nước làm được.
Nếu như gặp một ông có bằng cấp khác đưa ra sáng chế thì họ sẽ có sự nể nang, còn nông dân, lập tức họ có thành kiến, coi thường. Họ nghĩ rằng ông ấy sẽ không thể làm được gì cả, thậm chí còn chưa tìm hiểu kỹ với người ta. Họ bác xong họ dìm luôn. Đến lúc sự việc vỡ lở ra, báo chí lên tiếng, nếu họ quay trở lại công nhận thì đồng nghĩa với việc thừa nhận mình có lỗi?
Để khoa học phát triển được, thì bản thân những người làm công tác quản lý phải thực sự tâm huyết, đam mê và phải có kiến thức.
Xin chân thành cám ơn ông!
Minh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét