Trang

23 tháng 7, 2014

Dân mắc bệnh 'bỏ quên tiền' ở nhà cán bộ?

BTTD: Chẳng lẽ BTTD lâu nay nói dân VN nghèo là sai? Nghèo sao thừa tiền bỏ quên ở nhà cán bộ.
(Tin tức thời sự) - Xã hội cảm thấy vô cùng lo lắng khi phát hiện ra bệnh mới của người dân, đó là bệnh...bỏ quên tiền ở nhà cán bộ
a
Người dân mắc bệnh bỏ quên tiền ở....nhà cán bộ? (Ảnh minh họa)
Sau 6 tháng đầu năm triển khai công tác phòng chống tham nhũng, toàn TPHCM có 6 vụ nộp lại tiền tổng trị giá 8.050.000 đồng. Rất nhiều trường hợp được giải thích là do dân…bỏ quên.
Đọc bản tin về việc có 6 trường hợp nộp lại tiền, quà tặng của dân ở TP HCM, chắc nhiều người cảm thấy như tôi, rất lấy làm vui mừng vì đã có 6 cán bộ công khai làm người gương mẫu. Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy vô cùng lo lắng khi phát hiện ra bệnh mới của người dân, đó là bệnh bỏ quên tiền.
Nguyên văn bản tin như sau: “UBND TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, toàn TP có 6 trường hợp nộp lại quà tặng đều ở quận Phú Nhuận, TPHCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghiêm Xuân Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo quận ủy Phú Nhuận xác minh theo thông tin cập nhật mới nhất, quận Phú Nhuận có 6 cán bộ nộp lại quà tặng và tiền của người dân bỏ quên với tổng giá trị 8.050.000 đồng.
Cụ thể, tại phường 14, quận Phú Nhuận có 3 trường hợp gồm Chủ tịch UBND phường Trần Ngọc Phú (nộp lại 5 triệu đồng và 1 áo sơ mi của cơ sở trong phường tặng); Chị Trần Nguyễn Minh Trang - cán bộ hội phụ nữ phường (nộp lại 400.000 đồng), ông Bùi Văn Phúc- cán bộ phường (nộp 350.000 đồng) đều là tiền của người dân bỏ quên.
Chị Trương Thị Mỹ Lai - Hiệu trưởng Trường Độc Lập - nộp lại 2 triệu đồng do phụ huynh tặng. Ngoài ra, có 2 chiến sĩ cảnh sát giao thông là Phan Trung Kiên (nộp lại 200.000 đồng), Phạm Khắc Kiệt (nộp lại 100.000 đồng).
Theo ông Hoàng - đây là những trường hợp lần đầu tiên nộp lại quà tặng ở quận. Sắp tới, quận sẽ có kế hoạch tuyên dương và nhân rộng những hành động đẹp này”.
6 trường hợp cho cả một thành phố có đến 8 triệu dân như TP HCM chưa phải là nhiều, nhưng điều đáng ngại là rất nhiều trong số đó đều là tiền của dân “bỏ quên” ở nhà cán bộ. Có cả trường hợp dân “bỏ quên” đến cả 5 triệu đồng.
Đọc đến đây thì bạn đọc có cảm thấy lo lắng giống như tôi không nhỉ? Ông bà ta có câu “đồng tiền liền khúc ruột”, thế mà có nhiều người lại đãng trí đến như thế, “bỏ quên” cả 5 triệu đồng, bằng một tháng lương của công chức bậc trung có khoảng trên chục năm thâm niên công tác. Quả là quá đáng lo.
Mà 6 trường hợp nộp lại tiền bỏ quên này dù sao cũng chưa phải con số lớn, chắc chắn còn nhiều những vụ bỏ quên khác với khối lượng khổng lồ hơn thì sao đây. Những người mắc bệnh bỏ quên tiền ấy đâu cả rồi, họ đang ở đâu, phải mau chóng tập hợp về mà đi điều trị tâm lý đi chứ. Quên gì chứ ai lại quên tiền.   
Một người bạn tôi đọc xong bản tin liền bình luận: “Dân thì bỏ quên còn quan thì phải giúp dân cất giữ đồ bỏ quên. Báo đăng nguyên từ “bỏ quên” mà thấy yêu nước mình thật, hồn nhiên như… cô tiên”.
Đúng là sống ở Việt Nam, nếu không chọn một thái độ sống hồn nhiên thì làm sao mà sống vui được. Tôi xin dẫn ra một trường hợp rất “hồn nhiên” khác, ấy là Bộ Công thương. Bộ này mới đây công bố như sau:
“Riêng kết quả qua kiểm tra nội bộ về việc "cấm sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị gây thất thoát, lãng phí; cấm tặng quà, nhận quà không đúng quy định" trong dịp Tết Nguyên đán Giáp ngọ -2014 cho thấy, chưa phát hiện vụ việc tham nhũng”.
a
Sao thế nhỉ?
Còn theo báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2014 do Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương công bố, với trên 1.500 cuộc tự kiểm tra theo kế hoạch mới chỉ phát hiện được 1 vụ vi phạm. Cụ thể, đó là một vụ trộm cắp than tại Công ty Than Hạ Long.
Một tỷ lệ thật tuyệt vời, trên 1.500 cuộc kiểm tra tham nhũng chỉ phát hiện ra 1 vụ trộm cắp than, còn lại tuyệt nhiên không có dấu hiệu của tham nhũng. Vậy cán bộ cứ trong sạch thanh liêm thế, dân ta có phúc quá rồi còn gì. Từ nay những ai kêu ca phải chi tiền bôi trơn cho cán bộ để giải quyết công việc nên ngồi mà tự kiểm điểm bản thân đi nhé, “đổ điêu” cho người tốt thế sao.
Cuộc khảo sát 95 quốc gia trên thế giới của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về nạn tham nhũng năm 2013 cho biết, 30% dân Việt Nam đã phải đút lót nhân viên công quyền. 55% số người được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên.
Mặc dù năm 2013, Việt Nam xếp thứ 116 trên tổng số 177 nước trong bảng đánh giá hàng năm về tham nhũng trong khu vực công của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nhưng chỉ cần lấy một bộ như Bộ Công thương ra làm ví dụ cho sự tự kiểm tra thì 1.500 cuộc kiểm tra, làm gì tìm thấy vụ tham nhũng nào ngoài 1 vụ trộm.
Đất nước mình đáng yêu thế đấy. Cán bộ chỉ nhìn thấy điểm tốt ở bản thân và đồng nghiệp, tuyệt nhiên không có dấu hiệu tham nhũng. Dân thì chán tiền đến độ mắc căn bệnh tự tìm đến cơ quan, nhà riêng của cán bộ mà bỏ quên tiền.
Càng ngày tôi càng tin Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất nhì thế giới.
  • Mi An

1 nhận xét:

  1. Về cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập”:
    DANH KHÔNG CHÍNH, NÓI KHÔNG THUẬN, LÀM BẤT MINH
    Như phân tích ở bài trước, “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” thực chất chỉ là một thứ “con hoang”, chẳng ra đời một cách đàng hoàng cũng chẳng được công khai đăng ký và được luật pháp công nhận. Những thành viên “đẻ” ra cái tổ chức kỳ quái này hẳn “tưởng bở” rằng với “đứa con hoang” mang những thứ tên “vang như chuông, rền như khánh” ấy sẽ nhanh chóng “nổi đình nổi đám” trong cũng như ngoài nước song sự thật còn ê chề hơn nhiều lần họ tưởng tượng…
    https://www.facebook.com/vuhop.lam?fref=ts

    Trả lờiXóa