(Doanh nghiệp) - Được vay vốn ODA 49 triệu nhân dân tệ nhưng Công ty CP Nhựa Việt Nam bị 'tố' mua máy móc, thiết bị Trung Quốc kém chất lượng.
ODA mua máy móc made in China về "trùm mền?
Ngày 24/7, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Hồng Phong, Chánh Văn phòng Công ty Nhựa Tân Phú, nguyên Chánh Văn phòng Công ty CP Nhựa Việt Nam (Vinaplast) cho biết, cách đây gần 10 năm Vinaplast được ưu tiên vay vốn ODA của Trung Quốc số tiền 49 triệu nhân dân tệ với lãi suất thấp (3,4%/năm), được ân hạn không trả lãi 2 năm đầu. Tuy nhiên, công ty này lại sử dụng nguồn vốn vay trên mua máy móc, thiết bị kém chất lượng, không thể sản xuất được, phải "trùm mền" từ khi mua đến nay.
Tòa nhà ở 39A Ngô Quyền, Hà Nội được Vinaplast cho thuê |
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2010 và những năm tiếp theo, Vinaplast được Bộ Công nghiệp (năm 2007 sáp nhập với Bộ Thương mại thành Bộ Công thương-PV) phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất khuôn mẫu và trục in.
Công ty này đã tổ chức đấu thầu và đã chọn Tập đoàn kinh tế kỹ thuật đối ngoại Thượng Hải, Trung Quốc (SFECO) làm nhà thầu cung cấp thiết bị cho dự án.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất khuôn mẫu và trục in có tổng giá trị thiết bị từ nguồn vốn ODA là 49 triệu nhân dân tệ, trong đó giá trị thiết bị dây chuyền dệt bao PP là 8,5 triệu nhân dân tệ. Vinaplast đã tiếp nhận và hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các máy móc, thiết bị của dự án từ năm 2007.
Ông Trần Hồng Phong cho hay: "Trung Quốc cho vay vốn ODA nên buộc Vinaplast phải chọn nhà thầu cũng như thiết bị của họ. Nhưng máy móc nghiệm thu xong lại không sản xuất được. Máy mới nhưng không đồng bộ, chất lượng kém, công suất không đảm bảo nên khi vận hành đã hỏng hóc ngay, phải "trùm mền", càng sản xuất càng lỗ".
Trong quá trình triển khai dự án, Vinaplast đã đề nghị các công ty thành viên đăng ký nhu cầu thiết bị để đầu tư đáp ứng cho hoạt động sản xuất của mình. Trước thời điểm năm 2007, Công ty Nhựa Tân Phú là thành viên của Vinaplast. Ông Phong thở phào bởi khi ấy Nhựa Tân Phú chỉ sử dụng 2 dây chuyền thiết bị do Vinaplast nhập từ Trung Quốc về, chứ không "ôm cả đống" như các công ty con khác của Vinaplast.
"Số thiết bị Nhựa Tân Phú nhận về cũng sản xuất không hiệu quả, dây chuyền dệt bao PP phải "trùm mền". Tuy nhiên chúng tôi cũng không trả máy móc lại cho Vinaplast mà cứ để đó bởi nó có hoạt động đâu mà trả".
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2011 của Vinaplast, ông Trần Hồng Phong dẫn chứng hơn 50% số thiết bị được đầu tư từ nguồn vốn ODA vẫn không hoạt động, như dây chuyền bao dệt PP tại Bắc Giang, cơ khí chế tạo khuôn mẫu tại Tiên Sơn, dây chuyền PE tại Việt Phước.
Vì máy móc chất lượng kém, vừa vận hành đã hỏng nên xảy ra tình trạng đùn đẩy máy móc giữa các công ty con của Vinaplast. Ông Phong cho biết, dây chuyền bao dệt PP Vinaplast chuyển cho Nhựa Bắc Giang nhưng công ty không nhận, lại chuyển tiếp cho Nhựa Thăng Long họ cũng không nhận. Còn dây chuyền PE của Việt Phước phải chuyển sang làm sản phẩm khác.
Đồng quan điểm với ông Trần Hồng Phong, ông Vũ Viết Hoán, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty nhựa Bắc Giang nói thêm, công ty ông nhận máy móc từ năm 2007 nhưng số máy móc này chất lượng kém, không xứng đáng với số tiền 23 tỷ đồng đã bỏ ra nhập về.
"Khi chúng tôi chạy thử, một số máy móc hỏng ngay, công suất chỉ đạt 30-40% công suất lý thuyết, phải sửa chữa liên tục trong khi các thiết bị phụ trợ không có. Nhựa Bắc Giang phải tự bỏ mấy trăm triệu để sửa chữa, mua thiết bị phụ trợ. Chính vì thế, tại đại hội cổ đông Nhựa Bắc Giang đã đề nghị trả lại máy cho Vinaplast".
Ông Hoán thẳng thắn: "Chúng tôi là công ty cổ phần, khi mua sắm cái gì ở nước ngoài đều phải có khảo giá và đưa ra đại hội cổ đông, phải thẩm định qua ban kiểm soát. Nhưng Vinaplast không làm thế".
Theo ông Trần Hồng Phong, trong số máy móc thiết bị Vinaplast mua từ nguồn vốn ODA Trung Quốc, chỉ có duy nhất một máy in 8 màu do Đức sản xuất là chạy tốt.
"Vinaplast ôm đống máy móc kia như ôm một đống sắt vụn trong khi hàng năm vẫn phải trả cả gốc lẫn lãi cho Trung Quốc. Phải dùng vốn của Nhà nước để trả vốn ODA thôi, không còn cách nào khác", ông Phong nói.
Chỉ là rủi ro trong đầu tư?
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2011 của Vinaplast, trả lời ý kiến của nhiều cổ đông về chất lượng máy móc thiết bị nhập từ Trung Quốc kém chất lượng, ông Nguyễn Khắc Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaplast, cho rằng: "Đối với dây chuyền dệt bao PP, Công ty đã mời công ty kiểm định quốc tế kiểm tra chất lượng thực tế của dây chuyền này và đã có kết luận không phải là dây chuyền kém chất lượng như phản ánh".
Theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), Vinaplast được cổ phần xuất thân từ Văn phòng Tổng Công ty Nhựa Việt Nam chỉ làm công tác quản lý, vốn tập trung ở các công ty con. Hiệu quả hoạt động của công ty chủ yếu từ hoạt động của các công ty thành viên.
Đối với Dự án khuôn mẫu mà dự án nằm trong quy hoạch ngành nhựa đã được thông qua từ Tổng Công ty Nhựa Việt Nam. Về các ý kiến liên quan đến dây chuyện bao dệt PP, Bộ Công thương đã kiểm tra, xác minh và đã có văn bản kết luận. Về cơ bản dự án có nhiều hợp phần có hiệu quả những cũng có hợp phần tính toán chưa đầy đủ nên hiệu quả chưa cao, khi nói đến dự án không thể chỉ đề cập đến phần chưa hiệu quả, đây là rủi ro trong đầu tư.
'Quả đắng' Đạm Ninh Bình: Công nghệ châu Âu, nhà thầu TQ? |
Thành Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét