Trang

20 tháng 7, 2014

Ống nước vỡ 9 lần, lỗi của “những cô gái quan họ”?



BTTD: Phải bắt ngay “những cô gái quan họ” để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và công bằng xã hội.

(GDVN) - "Không tìm được những “lỗi lớn” của Vinaconex và quan chức Hà Nội, có lẽ phải quy lỗi cho tác giả “Những cô gái quan họ”, ai bảo vẽ đường cho hươu chạy..."

Chuyện vỡ đường ống dẫn sông Đà nước khiến hàng vạn người dân Hà Nội điêu đứng vừa qua chẳng có gì liên quan đến nhạc sĩ Phó Đức Phương, chỉ có điều người viết có một liên tưởng ngồ ngộ nên phải xin lỗi nhạc sĩ trước. 
Giữa bom rơi đạn nổ thời chiến tranh chống Mỹ vào khoảng những năm 1966 – 1967 người ta nghe thấy trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam bài hát “Những cô gái quan họ”. Bài hát này từng được cô giáo - ca sĩ Diệu Thúy trình bày, sau này thành bài tủ của nhiều ca sĩ như Hồng Liên, Trọng Tấn… 
Lời bài hát có câu: “Việc nước việc nhà vẹn toàn, nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên” vừa là ca ngợi những người con gái quan họ, cũng là ca ngợi người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang.
Các công nhân khắc phục sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà.
Không biết có phải vì “khởi nghiệp” từ quê hương quan họ nên vị lãnh đạo TP. Hà Nội mới thấm nhuần sâu sắc chân lý “việc nước việc nhà vẹn toàn”? Chỉ có điều “việc nước” ở đây không phải là chuyện quốc gia đại sự mà lại là cái chuyện cỏn con “nước sinh hoạt” của người dân thủ đô ngàn năm văn hiến, còn “việc nhà” thì vẫn là cái chuyện “vinh thân phì gia” nghìn năm qua không có gì thay đổi.
Ngày 16/7/2014 Văn phòng UBND TP Hà Nội công bố ý kiến kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo tại cuộc họp chiều 15/7 liên quan sự cố vỡ đường ống nước sông Đà và đầu tư tuyến ống số 2. Theo đó, ông Thảo thống nhất với đề nghị của Bộ Xây dựng đồng ý để Tổng công ty Vinaconex đầu tư xây dựng tuyến đường ống truyền dẫn số 2 (từ quốc lộ 21 về đường vành đai 3 Hà Nội). Vinaconex sẽ khởi công trước tháng 9 và cam kết hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định cho nhân dân trong mùa hè năm 2015.
(GDVN) - Ông Nguyễn Hữu Kiên – Đại biểu HĐND quận Bắc Từ Liêm gửi tới ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch Hà Nội 6 vấn đề nóng đang gây bức xúc trong dư luận.
Chuyện vỡ ống dẫn nước sinh hoạt cho cư dân Hà Nội đến lần thứ 9 Vinaconex mới xin lỗi, Hà Nội mới “hết kiên nhẫn” thì cái câu “quá tam ba bận” không còn ý nghĩa răn dạy đối với hai chủ thể này. Với họ bây giờ thực sự đã là “quá mù ra mưa” rồi. Nói đến Vinaconex ai chẳng nhớ đến chuyện nhân sự hy hữu ở đơn vị này mấy năm trước - khoản lỗ 757 tỷ 6 tháng đầu năm 2012, khoản nợ lên đến 6.484 tỷ đồng cuối năm 2013 mà nhiều báo đã nêu. Người Việt có câu “quá tam ba bận”, cái gì cũng vậy cùng lắm là làm đến lần thứ ba, quá lần thứ ba là phải xem xét không thể tiếp tục. 
Nghĩa bóng của thành ngữ “quá mù ra mưa” là chỉ những sự việc quá đáng, bị người đời mỉa mai, lên án nhưng đương sự không thèm để ý, cứ tiếp tục theo ý cá nhân mình. Về nghĩa đen, chữ “mù” trong câu thành ngữ trên là sương mù, sương mù dầy đặc đọng lại thành giọt nên mới “ra mưa”. Trong câu chuyện giữa Vinaconex và UBND TP. Hà Nội chữ “mù” vừa phải hiểu theo nghĩa đen, cũng lại phải hiểu theo nghĩa bóng. 
Theo nghĩa đen, bây giờ đã “mù” rồi nên sắp “ra mưa” bà con dân phố Hà Nội hãy chuẩn bị can, thùng, chậu…  để mà hứng nước mưa, để mấy chị có cháu nhỏ khỏi phải sơ tán sang nhờ bà nội, bà ngoại. Theo nghĩa bóng, đã chót “mù” rồi nên ai có nói gì cũng mặc, quyền ta ta cứ vung, tiền dân ta cứ xài, việc “nước” dù không vẹn nhưng việc nhà được “toàn” là yên tâm rồi, vài (hay một) năm nữa hạ cánh, sang tây du ngoạn khỏi phải phải nghe, xem đài báo tiếng Việt, nhức đầu!
Người dân không thể không đặt câu hỏi, vì sao Bộ Xây dựng phải can thiệp với UBND TP. Hà Nội cho Vinaconex tiếp tục xây tuyến ống thứ 2? Vì sao Hà Nội rùm beng họp nọ, họp kia về chuyện “hết kiên nhẫn với Vinaconex” rồi cuối cùng lại như pháo tịt ngòi.
Chuyện đi đêm, chuyện lợi ích nhóm xin không bàn ở đây, vấn đề là từ chỗ định xây tuyến ồng thứ 2 trong vòng 60 ngày, nay Hà Nội đồng ý để Vinaconex xây trong một năm (đến hè 2015), gấp 6 lần thời gian Hà Nội dự kiến. Điều này có nghĩa là lãnh đạo TP. Hà Nội không cần nghe ý kiến truyền thông và các nhà khoa học, không cần biết người dân đã và sẽ khổ sở như thế nào vì đường ống dẫn nước đã và sẽ bị vỡ, chỉ cần Bộ Xây dựng và Vinaconex hài lòng là được. 
Người bàng quan chép miệng bảo, ngành Xây dựng Việt Nam hàng nghìn năm qua vẫn thế, có gì mà phải bức xúc. An Dương Vương xây thành Cổ Loa, xây xong là đổ, xây đi xây lại mãi không xong, sau phải nhờ thần Kim Quy giúp đỡ mới hoàn thành. Ngày nay dẫu có cầu khẩn cũng chẳng hy vọng thần Kim Quy tái xuất, vì đã có thần “Kim Tiền” ngự trị khắp nơi rồi. 
Thiết bị, kỹ thuật nhập từ Trung Quốc, ai chẳng biết đó là cái lò xuất khẩu “rác thải” như xi măng lò đứng, ô tô vận tải, thiết bị điện tử… chỉ có Vinaconex và Hà Nội là không biết. Mà có biết thì cũng đã sao, miễn là có khai trương, có khánh thành và quan trọng nhất là có nghiệm thu kỹ thuật, sau này có sự cố thì sẽ “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, còn chuyện “nghiêm túc rút… tiền túi ra đền” thì Hà Nội hình như còn phải đi tìm “tiền lệ”?
(GDVN) - Ông Nguyễn Thế Thảo đã ra tối hậu thư cho thuộc cấp, nhưng cho tới nay đã 4 tháng trôi qua mà dự án vẫn cứ... ì ạch.
Sáng 15/7, trong buổi làm việc với ngành Tòa án, tờ Tiền phong dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Tôi thấy một điều rất buồn là trong lúc GDP tăng trưởng khó khăn thì bậc tham nhũng của ta được đánh giá không giảm, mà lại có xu hướng tăng lên, đây là điều rất đáng xấu hổ”.
Chuyện tiếp tục giao cho Vinaconex làm đường ống dân nước thứ hai chỉ là một trong muôn vàn dẫn chứng minh họa cho ý kiến “bậc tham nhũng không giảm mà có xu hướng tăng”. Những người nông dân chất phác nhất cũng chẳng dại gì tiếp tục đi thuê những kẻ đã làm hỏng công trình nhà mình một lần. Ấy vậy mà những “đầy tớ nhân dân” của Thủ đô lại làm điều mà không một bác nông dân nào làm, thế mới biết Hà Nội không chỉ có đường cong, ống vỡ mà còn khối thứ rất đáng “đồng tiền bát gạo” mà người dân có mơ cũng không hình dung ra được. 
Không biết thực hư thế nào, dân quán nước vỉa hè truyền nhau câu nói của một vị được cho là “đầy tớ lớn” ở Hà Nội: “Muốn trụ được ở Thủ đô, cần phải có một tí quyền, cũng cần phải có một tí tiền”. Thực ra các “đầy tớ có râu” dù bé hay nhớn ai mà chẳng thích “hai tí” như ông đầy tớ nọ. Có “hai tí” ấy, các vị tha hồ mà có “hai tí” khác, điều này báo chí đã nói quá nhiều nên cũng chẳng cần phải dẫn chứng làm gì.
Có điều, để có được “hai tí” đầu tiên không phải là chuyện đơn giản, có thời rộ nên chuyện ông N. nguyên lãnh đạo UBND Hà Nội, trong năm đầu tiên nhận chức đã nộp vào công quỹ gần tỷ tiền biếu, những năm sau có lẽ những người biếu ông sợ nên không thấy ông nộp thêm đồng nào vào công quỹ!
Có phải những lỗi mà ông Tổng Giám đốc Vinaconex Vũ Qúy Hà đã nhận trước nhân dân Thủ đô không tìm thấy trong khung hình phạt nên không thể đưa ra xét xử? Tờ Thanh tra ngày 18/7/2014 dẫn lời ông Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng: “Cần thiết phải tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án này. Nếu Bộ (Bộ Xây dựng) không thực hiện thì Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản yêu cầu. Trong trường hợp khi có yêu cầu mà bộ không làm thì Thanh tra Chính phủ sẽ vào cuộc”. 
Không xử Vinaconex, lại tiếp tục cho cái đơn vị vừa thua lỗ, vừa nợ hàng nghìn tỷ tiếp tục làm đường ống thứ hai, chuyện “quá mù” bây giờ thành “tái mù”, nếu ai không tin, hãy đợi đấy, “dân bảo như thần bảo” mà!
Không tìm được những “lỗi lớn” của Vinaconex và quan chức Hà Nội, có lẽ phải quy lỗi cho tác giả “Những cô gái quan họ”, ai bảo vẽ đường cho hươu chạy, bảo người ta “việc nước việc nhà” phải vẹn toàn chứ có bảo việc “nước (sinh hoạt)” phải cao hơn việc “nhà” đâu. 
Ấy là mạn phép nói thế, nếu nhạc sĩ Phó Đức Phương thấy phiền lòng xin cứ gửi comment tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, người viết xin công khai nhận lỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét