(Tin tức 24h) - Mỹ liên tục cáo buộc phe ly khai là thủ phạm bắn hạ máy bay MH17. Còn Nga lại cho rằng Ukraine ngụy tạo băng ghi âm đổ lỗi cho Nga.
Tên lửa bắn hạ MH17 có nguồn gốc từ Nga
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 20/7 khẳng định bằng chứng trong vụ bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia chỉ rõ quân ly khai ở Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa được chuyển tới từ Nga.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Kerry nói: "Rõ ràng đây là một hệ thống được chuyển giao từ Nga sang tay các phần tử ly khai."
Ông Kerry cũng lên án thực trạng "phi lý" tại hiện trường vụ máy bay MH17 gặp nạn vì cho rằng phiến quân ở Ukraine đang cản trở công việc điều tra và việc di chuyển thi thể của 298 nạn nhân.
Bên cạnh đó, tờ Washington Post ra ngày 19/7, Mỹ tin rằng Nga đã cung cấp cho quân ly khai Ukraine các bệ phóng tên lửa từng bắn hạ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia và sau đó chuyển trở lại lãnh thổ Nga sau khi phi cơ này bị bắn hạ.
Báo trên dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết các cơ quan tình báo "đã bắt đầu thu thập các dấu hiệu... nhiều hơn một chút so với tuần trước" về việc 3 bệ phóng của Nga đã được di chuyển tới Ukraine.
Cùng ngày 19/7, tờ The Times của Anh dẫn một nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng có thể lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine đã bắn nhầm vào máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines vì lỗi radar.
Lực lượng ly khai tại Ukraine phong tỏa hiện trường vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines |
Theo nguồn tin này thì lực lượng ly khai định nhắm bắn một máy bay vận tải của quân đội Ukraine được cho là cũng bay ở vùng trời nói trên vào thời điểm MH17 đi ngang qua, song đã bắn nhầm vào máy bay dân sự.
Đơn vị thuộc phe ly khai nói trên được cho là đã vận hành hệ thống tên lửa do Nga chế tạo mà không có radar để xác định máy bay là dân sự hay quân sự.
Theo nguồn tin thì để vận hành giàn tên lửa BUK, NATO gọi là SA-11, thì cần tới hai hệ thống radar, một radar chiến trường để nhắm bắn mục tiêu, và một radar để nhận dạng loại máy bay trên bầu trời.
"Họ chỉ có radar chiến trường mà không có radar nhận dạng máy bay trên không trung," nguồn tin nói với tờ Times. "Do vậy họ đã xác định nhầm mục tiêu."
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/7 đã dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không từ khu vực do phe ly khai ở miền Đông Ukraine kiểm soát.
“Có bằng chứng chỉ ra rằng máy bay đã bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không được bắn đi từ khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Ukraine,” ông Obama nói.
Ukraine công bố băng ghi âm ngụy tạo vụ bắn hạ MH17
Trong khi đó, ngày 20/7, hãng tin Itar-Tass dẫn tuyên bố của đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu khẳng định đoạn ghi âm mà tình báo Ukraine tung lên mạng với cáo buộc chiến binh phe ly khai thông báo về việc bắn tên lửa vào máy bay MH17 của Malaysia là sản phẩm ngụy tạo.
Theo Itar-Tass, các chuyên gia của công ty Công nghệ mục tiêu Aimtech đã nghiên cứu kỹ đoạn ghi âm kể trên và đi đến kết luận rằng, nó là sản phẩm được cắt ghép từ nhiều cuộc hội thoại không liên quan đến nhau.
“Đoạn ghi âm này không phải là một file nguyên dạng, nó đã được đã được lắp ghép từ một số đoạn khác nhau,” – ông Nikolai Popov, một trong những chuyên gia uy tín nhất trong lĩnh vực phân tích lời nói và âm thanh, làm việc tại công ty Aimtech, cho biết.
Ông Popov nói rằng, trong 3 đoạn ghép này cần phải đặc biệt lưu ý tới đoạn đầu tiên, vốn được cho là giọng nói của ông Igor Bezlev – tư lệnh đơn vị dân quân Gorlovka, nói về một chiếc máy bay bị bắn hạ, tuy nhiên, ông này không nói gì về chủng loại máy bay. Và có thể nghe thấy tên của thành phố Enakievo.
Quân ly khai gác bên cạnh các thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ rơi máy bay MH17. |
Đoạn thứ hai gồm 3 phần nhỏ, người ta giới thiệu đó là một văn bản lời nói thống nhất. Tuy nhiên, theo lời ông Popov, qua phân tích quang phổ và vạch dấu thời gian đã chỉ ra rằng, đoạn hội thoại đã bị cắt xén và lắp ghép.
Thời điểm có tính đặc trưng nhất là những quãng ngắt giọng ngắn: file vẫn giữ vạch dấu thời gian và mốc vô tuyến mà người ta thường nói về việc lắp ghép đoạn hội thoại này từ những tình tiết khác.
Ngoài ra, chuyên gia Popov nhấn mạnh, các phân tích ngôn ngữ cũng chỉ ra rằng những người tạo ra đoạn ghi âm này đã không có đủ dữ liệu và thời gian. Bởi vậy, ý nghĩa các lời đối đáp rất khó trùng khớp với nhau, có khác biệt cả về bối cảnh vở kịch tư liệu ghi âm.
Nhưng, theo ông Popov, bằng chứng rõ ràng nhất là khi xem qua các đặc tính của đoạn ghi âm người ta thấy rõ rằng, file này được tạo ra một ngày trước khi thảm họa xảy ra.
Bên cạnh đó, phó Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Andrei Purgin ngày 20/7 cho biết các tay súng ly khai sẽ đảm bảo an toàn cho nhân viên quốc tế giám sát hiện trường vụ tai nạn máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia nếu Kiev đồng ý một lệnh ngừng bắn.
Trong một tuyên bố, ông Purgin nhấn mạnh: "Chúng tôi tuyên bố sẽ đảm bảo an toàn cho các chuyên gia quốc tế tại hiện trường (vụ tai nạn) ngay khi Kiev ký một thỏa thuận ngừng bắn."
Trước đó, ngày 19/7, phản ứng về cáo buộc của chính phủ Ukraine cho rằng lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine đang tìm cách tiêu hủy bằng chứng và di chuyển 38 thi thể khỏi hiện trường của chiếc máy bay mang số hiệu MH17 thuộc Malaysia Airlines, Phó Thủ tướng nước cộng hòa tự xưng Donetsk nói họ đang phải vật lộn với cái nóng hơn 30 độ và mùi xác chết, trong khi các nhà điều tra Ukraine chỉ biết ngồi ở Kiev và phán.
“Trong hai ngày qua các nhà điều tra Ukraine chưa hề đến hiện trường tai nạn máy bay. Ngay từ khi xảy ra thảm họa chúng tôi đã tuyên bố không ngăn cản các chuyên gia đến vị trí máy bay rơi,” ông Andrey Purgin nói.
Theo lời ông này, từ sáng sớm 18/7, 15 chuyên gia pháp y và 30 nhà điều tra hình sự của nước cộng hòa tự xưng Donetsk đã đến hiện trường, trong khi các chiến sỹ dân quân dã đưa đến hiện trường bốn toa xe ướp lạnh. Nhưng Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu không vừa ý với các chuyên gia thuộc phe ly khai, trong khi đó, các chuyên gia quốc tế và của Ukraine cho đến lúc này vẫn chưa tới hiện trường.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia dẫn đầu một phái đoàn sang Ukraine
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman và một phái đoàn của Bộ này sẽ khởi hành đi Ukraine vào tối 20/7.
Trong một tuyên bố được thư ký báo chí Datin Nirvana Jalil Ghani của Bộ trưởng Ngoại giao đưa ra cho biết: "Bộ trưởng Anifah sẽ có cuộc gặp với Tổng thống, Phó Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine vào ngày 21/7 liên quan đến vụ MH17."
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman. ( |
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cũng đã lên đường sang Kiev từ tối 19/7.
Trong ngày 19/7, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định Malaysia, nước sở hữu máy bay mang số hiệu MH17, đảm bảo rằng các hộp đen của máy bay sẽ không nằm dưới quyền kiểm soát của bất cứ bên không liên quan nào.
Ông trích dẫn luật pháp quốc tế trong đó nói rằng chủ sở hữu chiếc máy bay có mọi quyền đối với các hộp đen.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp các gia đình nạn nhân của MH17 tại Putrajaya ngày 19/7, Thủ tướng Najib nói rằng: "Chúng tôi phải tuân theo luật pháp quốc tế. Những người không có quyền gì không thể giữ hoặc kiểm soát các hộp đen."
Ông cũng cho biết Chính phủ Malaysia đang nỗ lực hết sức mình để mang hài cốt của công dân Malaysia về nước.
Quốc tế tức giận, “chỉa mũi dùi” vào Nga
Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo rằng Nga sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm nếu các điều tra cho thấy chính lực lượng ly khai thân Nga đã bắn hạ MH17.
Trong bài viết đăng trên The Sunday Times, ông David Cameron ghi rõ: “Nếu sự việc đúng là lực lượng ly khai làm, chúng ta phải làm rõ: Đây có phải là kết quả trực tiếp của việc Nga cố tình gây bất ổn một nước có chủ quyền, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, ủng hộ lực lượng dân quân côn đồ, huấn luyện và vũ trang cho chúng”.
Trong khi đó, chính quyền Hà Lan, đất nước có nhiều công dân trên chuyến bay MH17, nói rằng họ cảm thấy rất tức giận, sốc khi trông thấy thi thể, hành lý người dân nước họ rải rác trên cánh đồng nơimáy bay rơi xuống. Nước này đề nghị Tổng thống Ukraine giúp mang “người của họ” về nhà.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng: “Tôi đã bị sốc khi nhìn những bức ảnh cho thấy sự thiếu tôn trọng với thi thể nạn nhân tại nơi xảy ra thảm kịch. Đó là sự ghê tởm”. Ông Mark Rutte ám chỉ cáo buộc thi thể nạn nhân bị kéo lê trên đồng và để mặc cho phân hủy. Thủ tướng Hà Lan kêu gọi ông Putin phải hành động giúp những người có trách nhiệm tiếp cận hiện trường, đưa thi thể nạn nhân về quê hương.
“Ông Putin có cơ hội cuối cùng để chứng tỏ bằng hành động rằng ông muốn giúp đỡ. Hà Lan và thế giới theo dõi liệu ông ấy có làm việc cần làm hay không” - Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với báo giới sau một cuộc thảo luận căng thẳng với Tổng thống Nga.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cho biết trên báo chí: “Nga có cơ hội cuối cùng để cho thấy rằng họ nghiêm túc quan tâm đến việc tìm giải pháp cho tình hình bạo lực leo thang ở Ukraine. Đây là lúc mọi người phải dừng lại và suy nghĩ những gì xảy ra cho chính mình nếu không ngăn chặn bạo lực leo thang.
Lan Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét