Trang

26 tháng 10, 2014

Không tăng lương: Căn nguyên từ bệnh “thích hoành tráng”

Không có nguồn cho tăng lương: Căn nguyên từ bệnh “thích hoành tráng”

Nếu chúng ta cắt bớt được những khoản đầu tư lãng phí thì còn có tiền tăng lương theo lộ trình...

Đầu tư dàn trải khiến tình trạng lãng phí xảy ra ở nhiều nơi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không cân đối được nguồn cho tăng lương trong 2 năm 2014 và 2015.
Theo ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Nếu chúng ta cắt bớt được những khoản đầu tư lãng phí thì còn có tiền đầu tư vào những cái khác bức bách hơn như giảm tải y tế, đầu tư cho đồng bào nghèo hoặc tăng lương theo lộ trình của Chính phủ. Nay cứ như thế này thì đến năm 2015 cũng chưa tăng lương được dù đã đề xuất hai năm nay rồi”.
Dẫn chứng cho quan điểm này, ông Lê Như Tiến cho rằng, không chỉ có trụ sở mà công trình công cũng rất nhiều. Sân vận động, bảo tàng, trung tâm văn hóa hàng nghìn tỷ nhưng để hoang hóa, xuống cấp, cho thuê dịch vụ sai mục đích và phi văn hóa. Có công trình vừa khai sinh đã khai tử, vừa làm xong đã hỏng.
“Đó là tiền thuế của dân nên phải được sử dụng có mục đích còn nếu chúng ta sử dụng không có hiệu quả không đúng mục đích thì sẽ là có lỗi với dân” – ông Lê Như Tiến nói.
Cũng theo ông Lê Như Tiến, đây chính là bệnh thích hoành tráng, con gà tức nhau tiếng gáy. Địa phương này, huyện này có sân vận động lớn thì địa phương kia cũng phải có mặc dù chưa tính toán lượng người được hưởng thụ công trình đó như thế nào.
Trong những năm qua, Chính phủ thực hiện cắt giảm đầu tư công và chi tiêu Chính phủ. Tuy nhiên, việc hạn chế đầu tư các khu vực công, công trình công của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là vẫn còn yếu. “Chúng ta chỉ được 31/100 điểm” – ông Lê Như Tiến dẫn chứng.
Dẫn chứng cụ thể về trường hợp của Hải Dương, mới đây, tỉnh này đã đề xuất xây dựng khu hành chính tập trung hơn 2.000 tỷ đồng. Đề xuất này của Hải Dương lập tức vấp phải sự phản ứng của dư luận. Bởi trong lúc đất nước khó khăn, nhiều công trình cần thiết còn phải tạm dừng thì tỉnh này lại đưa ra một đề xuất “kiểu nhà giàu”.
Theo đại biểu Ngô Văn Minh, đề xuất của tỉnh Hải Dương là không thể được vào thời điểm này. Nhưng dù sau này đất nước khá giả lên rồi thì cũng không thể chấp nhận được, nhất là khi có Luật Đầu tư công.
Đó là chúng ta chưa nói đến chuyện đầu tư dàn trải trong thời gian qua ở một số lĩnh vực, như chuyện các trường nghề đầu tư mấy chục tỷ đồng ở một số tỉnh. Cái này, Bộ LĐ-TB-XH phải xem lại, vì không có học sinh, không có đủ giáo viên, học sinh được đào tạo ra không xin được việc làm thì đào tạo để làm gì?
Trong tình hình hiện nay, theo ông Ngô Văn Minh, những dự án “trên giời” phải dừng lại để tập trung ưu tiên sản xuất, kinh doanh, đầu tư những dự án đem lại hiệu quả kinh tế nhanh, nâng cao đời sống cho người dân.
Đại biểu Ngô Văn Minh cũng nhắc đến một “bi kịch” trong đầu tư công, đó là việc dự án trình ở một qui mô chấp nhận được nhưng khi đi vào thực hiện vốn đội lên gấp đôi, gấp rưỡi.
Cùng quan điểm phải căn cơ, tiết kiệm, đầu tư những công trình thực sự cần thiết, cắt giảm chi tiêu cho lễ hội, đi nước ngoài… để dành tiền cho việc bố trí tăng lương, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) khẳng định: “Nếu chúng ta “chắt chiu”, tiết giảm các khoản chi không cần thiết, như chi cho khánh tiết, chi tổ chức lễ hội, chi tiếp khách…. thì có thể tiết kiệm và khoản này sẽ dành cho chi trả lương”.
Với những trường hợp duyệt dự án, đầu tư dự án một cách lãng phí, không hiệu quả, theo ông Lê Như Tiến, đối với những dự án đã làm rồi cũng phải kiểm điểm rõ trách nhiệm. Những công trình đang làm phải kiểm tra rà soát lại xem công năng thế nào, dân số bao nhiêu, quy mô có quá lãng phí không khi người thụ hưởng không như dự toán. “Hiện có nhiều cơ quan để rà soát. Khi sử dụng ngân sách nhà nước thì Bộ Tài chính và các bộ hữu quan phải rà soát, tại địa phương thì các cơ quan liên quan phải rà soát” – ông Tiến nói.
Hiện tại, về chi thường xuyên, theo ông Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu), chúng ta nợ chế độ, chính sách đã ban hành tương đối nhiều. Chi đầu tư mấy năm nay bố trí trong ngân sách Nhà nước thấp hơn bội chi. Theo Luật Ngân sách Nhà nước thì toàn bộ bội chi ngân sách, tiền vay trong và ngoài nước, chỉ sử dụng để đầu tư. 
Nhưng tài khóa 2015, bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ, nhưng bố trí cho đầu tư chỉ được 195.000 tỷ đồng, thấp hơn mức đi vay, chưa nói tới gần 40.000 tỷ thu cấp quyền sử dụng đất theo qui định là chỉ sử dụng để đầu tư. Nếu cộng thêm số này với 226.000 tỷ thì chi đầu tư phải lớn hơn nhiều. Trong bối cảnh cân đối như vậy, chi đầu tư thấp hai năm 2014-2015 đều thấp dưới mức bội chi.
Cũng nói về lương, theo ông Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng), hiện nay, đời sống một bộ phận người lao động gặp khó khăn nên nhu cầu cấp thiết là nâng cao đời sống người lao động, đảm bảo tái sản xuất sức lao động và có nguồn kinh phí hợp lý tích lũy sau lao động; đảm bảo cho giáo dục trẻ em và chăm sóc sức khỏe trẻ em là điều mà nhà nước phải xử lý.
Một thời kỳ chúng ta triển khai đầu tư theo chiều dọc, tận dụng nguồn tài nguyên cấp một, lao động giá rẻ. Nay, chỉ với 2 điều kiện đó ta không có khả năng cạnh tranh với DN khác ngay trên thị trường Việt Nam, ví dụ như Samsung. 

Khi samsung vào ta cần tỷ lệ nội địa hóa cao hơn nữa nhưng nay chỉ có 4 DN đáp ứng được điều kiện của Samsung. Do đó cần nâng cao tích lũy để có công nghệ mới, đào tạo lao động tay nghề cao. Nếu chúng ta không làm được thì sẽ mất thị trường với Samsung.

>>>Tăng lương tối thiểu, người lao động thờ ơ

Theo Vũ Hạnh
VOV Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét