(Tin tức thời sự) - "Hiện tượng này đã tồn tại trong thực trạng xây dựng của ngành GTVT từ trước đến nay, chứ không phải đến thời điểm này mới có".
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế QH thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình.
Lún, nứt đường là câu chuyện không mới
PV:- Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014, đã có hơn chục tuyến đường cao tốc vừa thông xe đã lún nứt, tiêu biểu là tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây... Ông bình luận như thế nào về thực tế này?
Theo thông tin ông được biết, các nước láng giềng có điều kiện địa chất tương tự Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc có phải đối mặt với tình trạng này không?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Có thể thấy rằng xảy ra sự cố phá vỡ kết cấu lớp mặt của các đường giao thông thì là điều không ai mong muốn.
Thế nhưng, còn tùy từng vấn đề sẽ thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu chúng ta nhìn lại vấn đề lún, hằn vệt bánh xe, thì sẽ thấy câu chuyện này không mới ở VN mà bản chất nó đã xuất hiện từ rất lâu rồi.
Nhìn vào QL5 chúng ta có thể thấy đây là quốc lộ đầu tiên xảy ra hiện tượng này. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy chiều bị lún, nứt là chiều từ HP-HN, còn đường từ HN-HP lại vô cùng tốt, đi chất lượng tốt hơn.
Từ đó, sẽ thấy ngay rằng ở đây không phải vấn đề chất lượng thi công công trình mà là do tải trọng xe. Chúng ta nhìn con đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cách đây hơn 10 năm khi đưa vào khai thác có 1 số điểm lần đầu tiên được đưa khái niệm đường chờ lún vào sử dụng.
Vì thế, nên hiện tượng này đã tồn tại trong thực trạng xây dựng của ngành GTVT từ trước đến nay, chứ không phải đến thời điểm này mới có.
Nhưng ở mỗi một vị trí, một công trình, nguyên nhân có nét khác nhau. Dư luận đang quan tâm rất nhiều đến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chỉ rõ điểm gây ra trượt, rách áo đường trên tuyến này, tất cả các sai sót này đều được các nhà thầu, tư vấn thiết kế dự báo trên cung đường.
Còn theo tôi được biết, thì ta phải thấy được rằng, kết cấu nền đường của chúng ta hoàn toàn khác so với các nước, dù có ở cạnh nhau. Đơn giản, ví dụ, như trong TPHCM tuyến Sài Gòn- Trung Lương có kết cấu khác, nhưng Nội Bài- Lào Cai cũng có kết cấu khác, mỗi vùng trong nước có đặc điểm riêng, nói gì đến các nước.
Ngay trong 1 tuyến Nội Bài- Lào Cai, cũng có sự khác biệt giữa hai bên đường, đoạn đường đi có đường sắt chạy thì sụt, trượt rất lớn, còn đi bên này đường phía sông Hồng thì nó không là vấn đề lớn. Cùng một vùng mà kết cấu địa chất khác nhau, không thống nhất.
Vì thế, rất khó có thể so sánh, một điểm chung, là phải xem lại về nguyên nhân xảy ra hiện tượng, xem tiến độ thi công, chất lượng thi công có phù hợp với nhau không, từ đó mới phát hiện ra được.
PV:- Trong khi, tất cả các tuyến đường nói trên đều có mức đầu tư rất lớn, giá thành làm đường cao tốc rất cao (theo Bộ trưởng Bộ KHĐT là gấp 3 lần Mỹ). Theo ông, nguyên nhân vì sao mà đồng tiền không đi liền chất lượng như vậy? Để xảy ra thực tế này, trách nhiệm của bộ chủ quản ra sao?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Thiết nghĩ ở đây chúng ta phải nói tách nhau ra, một trong những nguyên nhân đẩy giá thành đường của chúng ta lên cao là gì; nguyên nhân tại sao xảy ra lún, trượt là gì?
Như ngay tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai biểu hiện cụ thể là sụt, trượt, còn một số tuyến đường cao tốc khác lại là hằn, lún vệt bánh xe. Từ đó có thể thấy rằng mỗi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân khác nhau, nên không thể nào nói chung vào một câu "đường của VN đắt gấp 3 lần Mỹ" mà chất lượng không đảm bảo, nói như vậy là không đúng.
Ở đây, chúng ta nhìn nhận, đánh giá thì phải nói theo Luật, không nên nói theo cảm tính, cụ thể vấn đề theo Luật là ai chủ đầu tư, ai là đại diện chủ đầu tư, sai ở đoạn nào sẽ quy trách nhiệm đoạn đấy.
Tuyến đường hình thành lên bị sụt trượt ở những chỗ chúng ta đắp nền đất cao, thế thì về mặt kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thẩm tra phải tìm hiểu nguyên nhân, tại sao ở đoạn đó phải đắp nền đất cao lên như thế. Giả thiết có phải để tăng tải trọng, nên mới sinh ra trượt trên 1 nền đất cơ lý đang yếu, có những túi bùn, túi biến động, đột biến về mặt địa chất.
Đường bị lún, nứt là câu chuyện không mới ở Việt Nam
|
Nên tất yếu trách nhiệm quy ra lỗi ở khâu nào thì khâu đó chịu trách nhiệm, nói chung về mặt quản lý nhà nước thì ai là quản lý thì người đó cũng phải chịu trách nhiệm.
Có thể thi công theo kiểu phá đá làm đường
PV:- Không thể phủ nhận nỗ lực của bộ GTVT trong việc điều tra nguyên nhân đường lún nứt, xử lý nhà thầu làm đường kém chất lượng. Thậm chí, việc điều tra chỉ đem lại kết quả là tất cả đều minh bạch, không có rút ruột công trình, lỗi tại bê tông hay thời tiết... Vì vậy, việc quy trách nhiệm không thể thực hiện được. Ông có đề xuất giải pháp gì cho vấn đề này không, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Thứ nhất, để tìm ra nguyên nhân thì phải phân tích dựa trên các yếu tố khoa học do các nhà nghiên cứu giao thông tìm hiểu.
Thứ hai, tại sao tìm ra nguyên nhân là vật liệu, tôi thấy đây cũng là nguyên nhân rất quan trọng, vật liệu là yếu tố quan trọng nhưng nó không làm sụt, trượt, nó chỉ làm biến dạng lớp áo đường , khi có tải trọng lên. Nên nếu có thì vẫn phải xử lý nhưng nó không phù hợp khi lấy làm nguyên nhân của đường lún, nứt.
Phải nói hằn vệt lún bánh xe do tải trọng cũng là một nguyên nhân, ở đây phải nhận định rằng Bộ GTVT đã tìm ra một trong số những nguyên nhân cho sự cố trên các tuyến đường quốc lộ.
Chính vì phát hiện được nên Bộ đẩy mạnh công tác tải trọng xe, ở đây phải nhìn nhận cơ quan quản lý nhà nước đã có thành tích phát hiện ra một trong các nguyên nhân gây đến đường xuống cấp.
Nên không hiểu tại sao chỉ nói mỗi nguyên nhân là quản lý từ Bộ GTVT, chứ không nói đến các phương tiện vận tải, là một trong những tác nhân rất lớn gây ra hậu quả phá đường như vậy.
PV:- Theo ông, liệu Bộ GTVT có vướng vào những vấn đề kiểu như "lợi ích nhóm"... mà không được thể hiện năng lực như mong muốn hay không? Nếu vậy, với vai trò là ĐBQH, ông sẽ đề xuất gì để gỡ khó cho Bộ GTVT?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Tôi thấy, không có gì là lợi ích nhóm ở đây, có thể những tiêu cực này sẽ xảy ra ở khâu đấu thầu, khâu tuyển nhà thầu, chứ khi có kết quả thì lợi ích ở đâu, hơn nữa đây lại là vấn đề kỹ thuật.
Còn tiêu cực rút ruột công trình thì tính đến giờ phút này chưa ai báo cáo, nhưng phải nói rằng, chúng ta cũng đã nhiều lần thuê tư vấn giám sát là nước ngoài, cụ thể là Cu Ba.
Họ tiến hành công tác giám sát ngay trên tuyến đường TP HCM, tại sao vẫn có sụt trượt? Có những trường hợp bất khả kháng thì phải chấp nhận, phải có biện pháp tổ chức thi công, bởi chúng ta phụ thuộc năng lực thiết bị, đội ngũ công nhân viên , chi phí làm đường, tất cả quyết định rất nhiều.
Thế nên, trách nhiệm của Bộ GTVT là phải làm tốt vai trò của mình, còn nếu thấy kh�� khăn quá không xử lý được thì làm văn bản trình lên QH, bên quản lý sẽ có chế độ tài chính cụ thể.
Nếu thuộc thẩm quyền Bộ thì giữa Bộ GTVT và Bộ xây dựng phải bàn bạc với nhau, tìm ra các giải pháp cho vấn đề này.
PV:- Sắp tới, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Ông có kỳ vọng, báo cáo sẽ có những đột phá trong việc tiếp cận nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho vấn nạn này hay không và vì sao?
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Đừng nói đây là vấn nạn, mà nó là vấn đề xảy ra trong quá trình thi công, nó đã có từ lâu, chẳng qua do chúng ta không nhìn thấy.
Đây cũng là điều tất yếu trong quá trình thi công bao giờ cũng phòng ngừa có các rủi ro về những sự cố ngoài ý muốn như kỹ thuật. Nói ngay đến việc đơn giản là đổ bê tông với tốc độ nhanh quá thì bị nứt, chậm thì bị phân tầng.
Riêng đối với lĩnh vực giao thông, khi đầu tư vào nó khác các hoạt động bình thường phụ thuộc thời tiết rất nhiều.
Hiện nay trong ngành GTVT tồn tại mấy vấn đề: Một là, hằn lún vệt bánh xe; Hai là, sụt trượt tại tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nó cũng vẫn hay xảy ra đối với các tuyến đường làm mới, dĩ nhiên sẽ phải có giải pháp.
Có thể thực hiện thi công theo kiểu phá đá mở đường, vì hằn lún, phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thi công công trình và tải tọng xe đi theo từng chiều.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!
- Gia Khánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét