TTO - Chính quyền ở đâu khi để nạn ăn xin tồn tại, thậm chí là để nạn chăn dắt ăn xin, ăn xin kiểu lừa đảo tồn tại? Có giải pháp nào giải quyết triệt để không?
Một người bò lê trên đường để xin tiền ở Hải Phòng - Ảnh: TTO |
Đó là những câu hỏi bạn đọc đặt ra, phản hồi cho hai bài viết Có nên tiếp tục cho tiền người ăn xin? và "Tôi không cho tiền người ăn xin từ lâu rồi".
TTO xin trích đăng:
- Ta cần có các trung tâm bảo trợ, có tổ chức các lực lượng chuyên gom những người ăn xin về một nơi để phân loại nhằm nắm rõ hoàn cảnh cụ thể của người đi ăn xin, từ đó có hướng giúp đỡ từng người thật cụ thể. Khi ta gom về địa điểm phân loại thì ăn xin giả sẽ lộ mặt, nạn ăn xin ngoài đường sẽ không còn!
- Trách nhiệm này thuộc về Nhà nước. Nếu các địa phương có nạn ăn xin, chăn dắt thì lãnh đạo địa phương đó hãy từ chức hoặc bị bãi chức thì chắc chắn sẽ không còn vấn nạn này nữa.
- Tôi đã từng bị lừa khi cho người ăn xin. Họ lê chân đau đớn đi trên đường, nhưng khi nhận được tiền thì rảo chân bước qua đường không còn cảm giác đau đớn gì cả. Qua báo chí, tình trạng chăn dắt, ép buộc trẻ con và người già ăn xin vẫn chưa chấm dứt.
Tệ nạn này tại sao không chấm dứt, các cơ quan chức năng dẹp không được hay sự thờ ơ?
Tại Đà Nẵng có số điện thoại đường dây nóng "Ai phát hiện ăn xin gọi về số máy... được thưởng 200.000 đồng", nhờ đó hiện tượng ăn xin, vé số không còn.
Tại sao các địa phương khác không học tập làm theo cách này? Mong các vị lãnh đạo suy ngẫm và học tập.
- Tôi sẽ cho đúng người khổ hạnh và mong muốn chính quyền các địa phương phải có biện pháp xử lý các trường hợp lợi dụng lòng nhân đạo chiếm đoạt tiền của người khác.
- Theo tôi, nên có sự góp sức từ nhiều phía. Xã hội phải tạo điều kiện việc làm cho những người xin ăn, nếu già cả, bệnh tật thì Nhà nước phải có trách nhiệm lo an sinh xã hội. Riêng chúng ta nên bỏ cách cho tiền, hãy cho họ việc làm, cho sự tự do, bài trừ nạn "chăn người".
- Đây rõ ràng là một tệ nạn xã hội, đề nghị Chính phủ ra lệnh cho chính quyền địa phương sớm vào cuộc để rà soát tất cả những người ăn xin trên địa bàn.
Nếu họ thật sự mất sức lao động, chính quyền phải có trách nhiệm đưa họ vào trung tâm để nuôi họ.
Ngược lại nếu họ không mất sức lao động, chính quyền phải giáo dục họ hoặc dạy nghề cho họ, hoặc nếu nặng có thể phạt vì tội lừa đảo.
Không thể để tình trạng này xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đất nước được.
- Tôi thấy người ăn xin đa số là giả tạo, lười biếng, sống bằng suy nghĩ lợi dụng lòng thương hại của người khác...
Tất nhiên cũng có một số người có hoàn cảnh bi đát, đáng thương thật. Khi Nhà nước chưa đủ điều kiện chăm lo cho họ thì sự giúp sức của cộng đồng mà cụ thể là cho vài đồng tiền lẻ nghĩ cũng cần thiết.
Thi thoảng tôi cũng cho tiền người ăn xin nhưng dứt khoát phải có một trong hai "tiêu chí" đó là người già và tật nguyền.
Với trẻ con, tôi không hề cho vì hầu hết chúng bị lợi dụng từ bọn chăn dắt, thậm chí từ chính cha mẹ chúng.
Biết rằng "vàng thau lẫn lộn" nhưng việc cho tiền người ăn xin gần như là cách làm từ thiện gọn gàng, nhanh chóng nhất, việc còn lại là phải có sự thẩm định rõ ràng.
Quơ đũa cả nắm thì tội cho người có hoàn cảnh cơ hàn thật sự. Nhất là đừng đánh đồng sự gian dối mà đánh mất đi tình người, lòng bao dung, lá lành đùm lá rách truyền thống của dân tộc ta.
Nói về hai đối tượng người già và người tàn tật thì Nhà nước cũng như một số tổ chức, cá nhân đã có cơ sở chăm lo, nhưng dường như tính hiệu quả chưa cao. Tôi biết một vài người già đã từ bỏ trung tâm nuôi dưỡng để sống đời ăn xin mà theo họ là... thoải mái và đầy đủ hơn. Vậy có lẽ để giải quyết vấn đề, chúng ta cần xem lại cơ chế, chính sách này.
Bên cạnh đó báo chí cần đưa tin những cơ sở chăm lo tốt cho người già, người tàn tật để mọi người biết mà chung tay đóng góp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét