Trang

28 tháng 10, 2014

Chống ngập TP.HCM từ 11.531 tỷ đội vốn lên 67.600 tỷ


Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng được phê duyệt 6 năm nhưng hầu hết dự án chưa thực hiện, nên số vốn dự kiến ban đầu khoảng 11.531 tỷ đến nay đã đội lên tới 67.655 tỷ.

Thi công dự án thoát nước làm bít cửa xả
Sáng 28-10, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo tổng kết đánh giá quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP (quy hoạch 1547) đã được phê duyệt 6 năm nhưng hầu hết các dự án vẫn chưa thực hiện. Vì vậy, số vốn dự kiến ban đầu khoảng 11.531 tỷ đồng đến nay đã đội vốn lên tới 67.655 tỷ đồng (tính theo vật giá năm 2013).
Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước mưa đã lỗi thời do thay đổi bất thường của khí hậu.
Do đó, các công trình đầu tư tiếp theo cần được điều chỉnh linh hoạt, thích ứng biến đổi khí hậu.
Một số công trình cần phải xem xét lại cao trình thiết kế như bờ kè dọc theo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Các chuyên gia cũng đề nghị nên cập nhật chương trình quản lý rủi ro ngập nước vào quy hoạch đô thị...
* Sáng cùng ngày, ông Lê Hoàng Minh, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế các điểm thu hẹp dòng chảy thuộc dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Đoàn kiểm tra đã phát hiện quá trình thi công đường, bờ kè khu vực cầu Hậu Giang, P.11, Q.6 đơn vị thi công đã làm bít cửa xả thoát ra kênh.
Việc bít cửa xả không trực tiếp gây ngập đường Hậu Giang nhưng sẽ gây ngập nặng thêm những khu vực khác”, ông Minh nhận định.
Tại các khu vực khác như khu vực thi công cầu ông Buông 2, cầu Tân Hóa… dù đơn vị thi công đã mở rộng các điểm bị thu hẹp dòng chảy trước đó nhưng vẫn chưa đáp ứng khả năng thoát nước triệt để, đặc biệt tình trạng bồi lắng bùn đất khu vực thi công khá nhiều cũng làm giảm khả năng thoát nước về hướng hạ lưu.
Ông Minh đề nghị Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP chỉ đạo nhà thầu phải túc trực máy bơm tại các điểm thi công để hỗ trợ bơm nước khi có mưa lớn, tiếp tục mở rộng, đào sâu thêm những vị trí bị thu hẹp dòng chảy. Đồng thời khẩn trương nạo vét lòng kênh, khu vực bồi lắng để tăng khả năng chứa và thoát nước cho tuyến kênh này, khai thông cửa xả bị lấp.
Theo Q.Khải - Đ.Phú
Báo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét