Nhà thầu Trung Quốc muốn đặt một chân vào dự án để tạo ràng buộc về mặt pháp lý sau đó mới quay ra ép ngược lại chủ đầu tư.
- Vì sao Tổng Công ty Đường sắt bị tước dự án ODA?
- Có thể khởi kiện nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công
- Hai nhà thầu Trung Quốc đột ngột bỏ thi công thủy điện
- Tất cả các dự án giao thông do Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc thi công tại Việt Nam đều chậm tiến độ
- Không cả nể nhưng cho nhà thầu Trung Quốc... sửa đổi
Xin rút vì không ép được chủ đầu tư
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh, Hà Nội được khởi công xây dựng từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Đây là gói thầu chính, quan trọng nhất của Dự án đường 5 kéo dài, tổng mức đầu tư của dự án hơn 6.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Đây là dự án do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) làm nhà thầu chính. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thanh Bình, giám đốc ban điều hành cầu Đông Trù, kết cấu phần trên gói thầu 13 cầu Đông Trù có dạng kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông là công nghệ mới có tính chất kỹ thuật phức tạp.
Với lý do nhà thầu trong nước chưa có đủ điều kiện, năng lực thi công phần vòm ống thép nhồi bê tông, tháng 11/2009, Ban quản lý dự án đã phê duyệt quyết định chỉ định thầu thực hiện thi công xây dựng gói thầu số 13, trong đó Cienco 1 là nhà thầu chính và nhà thầu phụ là Tổng công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thi công kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông.
Tại thời điểm thiết kế năm 2005, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật này nên tháng 7/2007, TP Hà Nội có quyết định phê duyệt nhà thầu tư vấn Công ty TNHH tư vấn công trình đường bộ Tứ Xuyên (Trung Quốc) là nhà thầu chuyển giao công nghệ thiết kế, quản lý và khai thác. Sau đó, một đơn vị khác của Trung Quốc là Tổng công ty cầu đường Trung Quốc (CRBC) đã được ký hợp đồng làm tư vấn giám sát và thẩm tra thiết kế kỹ thuật kết cấu phần trên gói thầu số 13.
Giải thích lý do lựa chọn nhà thầu Trung Quốc, ông Đỗ Thanh Bình nói rằng, vào thời điểm đó, công nghệ cầu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, chưa có doanh nghiệp Việt nào thi công công trình tương tự. Trong khi đó, Trung Quốc có các công trình cầu vòm ống thép nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, tới tháng 6/2012, nhà thầu Quảng Tây chủ động xin rút khỏi dự án với lý do khác biệt về thể chế, đơn giá định mức đầu tư giữa hai bên...
"Nhà thầu Trung Quốc đưa ra dự toán chi phí quá cao so với dự toán đã được phê duyệt. Giải pháp công nghệ của nhà thầu Trung Quốc là dùng hệ thống dây tiên tiến, sử dụng nhiều kết cấu vạn năng dùng đi dùng lại nhiều lần và có sẵn ở Trung Quốc. Khi họ sang Việt Nam thì sẽ phải đưa toàn bộ dây chuyền thiết bị đó sang. Riêng về nhân công, theo hợp đồng ban đầu, nhà thầu Trung Quốc chỉ được đưa công nhân kỹ thuật cao sang, còn lao động làm công việc bình thường thì không được đưa sang", ông Bình cho biết.
Giám đốc Ban điều hành cầu Đông Trù vẫn nhớ công trình đã bị ngừng trệ suốt 2 năm, không thể thi công tiếp khi nhà thầu Trung Quốc rút khỏi gói thầu.
"Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Tả Ngạn và UBND TP Hà Nội đã phải đau đầu tìm kiếm nhà thầu thay thế, tuy nhiên nếu tìm được có lẽ họ vẫn chọn nhà thầu Trung Quốc bởi yếu tố giá rẻ, trong khi nếu chọn đối tác Nhật Bản hay Hàn Quốc thì giá rất cao. Các nhà thầu Trung Quốc lại có mối liên kết với nhau rất chặt chẽ, việc nhà thầu này tham gia hay rút khỏi dự án nhà thầu khác đều nắm được. Bản chất của nhà thầu Trung Quốc rất giống nhau. Họ cứ đặt một chân vào dự án để tạo ràng buộc về mặt pháp lý sau đó mới quay lại ép ngược chủ đầu tư để nâng giá", ông Bình nói.
Theo ông Bình, Trung Quốc quá am hiểu Việt Nam nên chọn cách làm như thế. Việt Nam mới sửa Luật đấu thầu chứ trước đây cứ tiêu chí giá rẻ là được, vậy nên Việt Nam thua ngay trên sân nhà.
"Nhà thầu Trung Quốc cậy vào lợi thế việc thiết kế, thi công kết vòm thép phụ thuộc vào công nghệ, tư vấn và thi công của họ. Tuy nhiên, trong gói thầu này họ biết rõ không thể nào ép được chủ đầu tư theo cách đó nên buộc lòng phải tự xin rút mà không được nhận bất cứ kinh phí nào".
Điều đáng nói, chính Tổng công ty cầu đường Quảng Tây cũng từng tham gia dự án cầu Rồng (Đà Nẵng) với tư cách liên danh với Cienco 1. Ông Bình cho biết, ban đầu tỉ lệ phân chia công việc là 50/50 nhưng sau đó nhà thầu này có văn bản xin giảm tỉ lệ thực hiện trong liên danh xuống chỉ còn 3% với công việc là đo đạc, còn 97% do Cienco 1 đảm nhận.
Thầu chính "bao" thầu phụ
Theo ông Đỗ Thanh Bình, khi ký hợp đồng thực hiện dự án cầu Đông Trù, nhà thầu Trung Quốc không ký với tư cách liên danh hay nhà thầu chính mà với tư cách nhà thầu phụ đặc biệt. Bởi công trình cầu Đông Trù có tính chất kỹ thuật đặc biệt, công nghệ mới nên được phép dùng nhà thầu phụ đặc biệt kết hợp với chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam.
Bởi thế, khi nhà thầu Trung Quốc rút lui khỏi dự án rất khó có thể phạt được họ, trái lại Cienco 1 mới dễ bị phạt bởi doanh nghiệp này là nhà thầu chính, phải chịu trách nhiệm về công trình.
Vào thời điểm đó, Cienco 1 đang thi công cầu Châu Giang (Hà Nam) và cầu Rồng (Đà Nẵng) có dạng kết cấu tương tự. Sau khi có ý kiến của Bộ GTVT và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, tháng 3/2013 UBND TP Hà Nội đã giao cho Cienco 1 đảm nhiệm tiếp phần dang dở của nhà thầu Quảng Tây cho công trình cầu Đông Trù và giao tiến độ hoàn thành công trình đúng dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô vào 10/10.
Để lắp được vòm thép nhồi bê tông, công ty đã phải sử dụng hệ thống kích nâng đa hành trình để nâng vòm tới độ cao 42m. Trong quá trình lắp đặt, sườn vòm thép được kê trên trụ đỡ tạm trên nền móng cọc đóng và cọc khoan nhồi, giải pháp này phải phụ thuộc vào một số điều kiện về khí tượng, thủy văn, lưu tốc dòng chảy sông Đuống.
Đáng nói hơn, quá trình lắp vòm thép này, mỗi lần chỉ được thực hiện trong khoảng 5 giờ vì phía Cục Đường thủy chỉ cho phép phong tỏa giao thông trên sông Đuống để phục vụ thi công chừng đó thời gian.
"Đến thời điểm này dự án cầu Đông Trù đã hoàn thành được 92% khối lượng công việc. Phần thi công sẽ kết thúc trước 30/9”, ông Bình nói.
So với dự toán chi phí mà nhà thầu Trung Quốc đưa ra, ông Bình cho biết, chi phí theo tính toán của Cienco 1 hợp lý và thấp hơn. Đồng thời, phương pháp lắp vòm thép được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và các cơ quan liên quan đánh giá vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của toàn dự án cầu Đông Trù.
Theo Thành Luân
Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét