Trang

23 tháng 8, 2014

Nghĩa vụ quân sự: Nhà nghèo chen chân, nhà giàu trốn tránh

BTTD: Tình trạng thất nghiệp, khó kiếm việc làm, nhà nghèo...khiến nhiều thanh niên muốn đi NVQS như là có việc để làm.
Phường Đồng Phú (Đồng Hới, Quảng Bình) có 5 chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự nhưng đến 8 người viết đơn tình nguyện, nên phường phải ưu tiên gia đình nghèo để duyệt nhập ngũ.
So với nhiều đợt tuyển quân trước, đợt tháng 8 này có rất nhiều công dân tình nguyện nhập ngũ. Đinh Tiến Đạt (sinh năm 1995), con trai duy nhất của một gia đình ở tiểu khu 1, phường Đồng Phú (TP Đồng Hới, Quảng Bình) là trường hợp như thế. Sau hai lần thi sĩ quan thông tin không đậu, Đạt xung phong nhập ngũ. "Em cảm thấy khá hồi hộp vì đây là lần đầu xa gia đình, nhưng em muốn rèn tính tự lập và mong phục vụ lâu dài trong quân đội”, Đạt chia sẻ.
Giải thích về việc số thanh niên địa phương viết đơn tình nguyện nhập ngũ ngày càng tăng, ông Trần Ngọc Ánh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường Đồng Phú nói: “Thanh niên nhập ngũ thì bố mẹ được cấp bảo hiểm y tế, hỗ trợ học nghề khi xuất ngũ và nhiều ưu tiên khác nên ngày càng đông gia đình động viên con em tình nguyện nhập ngũ. Nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học, chưa có việc làm ổn định đã nộp đơn xin đi nghĩa vụ quân sự”.
Chuẩn bị cho đợt giao quân sắp tới, phường Đồng Phú gọi khám sức khỏe 23 thanh niên, trong đó 8 người viết đơn tình nguyện. “Do phường Đồng Phú có 5 chỉ tiêu nên phải xét thứ tự ưu tiên gia đình hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thanh niên chưa có việc làm ổn định. 5 công dân nhập ngũ của phường đều viết đơn tình nguyện”, ông Ánh thông tin.
Thanh Hóa và Nghệ An là hai địa phương có số công dân tình nguyện nhập ngũ khá cao. Tại Nghệ An, mấy mùa tuyển quân gần đây số công dân tình nguyện luôn chiếm gần 50% chỉ tiêu ngập ngũ. Trung tá Nguyễn Đình Minh, Ban Quân lực thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho hay, huyện Con Cuông thậm chí có 100% quân số là tình nguyện.
Trừ Hà Nội (28,8% công dân tình nguyện), đa số thanh niên xung phong nhập ngũ xuất thân từ gia đình nghèo. "Con em gia đình có điều kiện kinh tế thường học hành và đỗ đạt vào các trường cao đẳng, đại học hoặc trường nghề nên được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Con nhà nghèo thiệt thòi hơn", ông Nguyễn Minh Phương, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) nói và dẫn chứng, đợt tuyển quân đầu năm 2014, phường Trường Thi có 3 tân binh thì 2 trường hợp con hộ nghèo xung phong nhập ngũ.
nhap-ngu-2-4126-1408507190.jpg
Đầu tháng 9, những tân binh vừa được tuyển chọn sẽ nhập ngũ. Ảnh: Nguyên Anh.
Trình độ thanh niên nhập ngũ đã cao hơn, nhưng còn thấp so với yêu cầu. Đợt tuyển quân lần một năm 2014, Nghệ An có 1.350 chỉ tiêu thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT chiếm 66%, THCS 33% và chỉ 0,8% (12 người) đạt trình độ cao đẳng, đại học. Hai đợt tuyển quân 2013, toàn tỉnh có 16/3.300 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học.
Hà Nội là địa phương ít ỏi có tỷ lệ tân binh đạt trình độ cao. Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, Trưởng phòng Quân lực Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội cho biết, thành phố ưu tiên tuyển chọn những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đợt đầu năm 2014, Hà Nội đạt hơn 36% trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Đợt tuyển quân thứ hai, "các quận, huyện, thị xã đã thống nhất danh sách, chốt quân số và phát lệnh nhập ngũ ban đầu hơn 2.000 công dân. Trong số này, trình độ CĐ, ĐH chiếm 41,5%, cán bộ công nhân viên chức 2,45%. Con cán bộ đảng viên 6,7%", đại tá Toàn cho hay.
Ngoài vấn đề chất lượng tân binh, công tác tuyển quân nhiều địa phương gặp khó do bệnh tật và sự trốn tránh. Con em những gia đình có điều kiện thường không muốn làm nghĩa vụ, thay vào đó, họ cho con đi làm ăn kinh tế, đi nước ngoài. Các thủ thuật né tránh thường được áp dụng là làm hạ huyết áp, xăm trổ lên cơ thể, dùng thuốc kích thích hoặc tìm cớ trễ tàu xe.
Hà Nội dân số đông, lượng thanh niên đến tuổi nhập ngũ cũng rất lớn. Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, tỷ lệ công dân mắc tật khúc xạ như cận thị, viễn thị rất cao và theo chỉ đạo những người này không được tuyển. Cụ thể, tỷ lệ mắc tật khúc xạ qua sơ tuyển ở quận Hai Bà Trưng là 76,7%, Long Biên 72%, Hoàng Mai 68%. 
Với luật hiện hành, số công dân thuộc diện miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ của Hà Nội chiếm 66,6% số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ. Vì vậy, đại diện Bộ Tư lệnh thủ đô đồng tình với dự thảo luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi, thu hẹp đối tượng miễn, tạm hoãn nhập ngũ.
"Chỉ cần tạm hoãn cho học sinh, sinh viên đại học chính quy là được. Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đại học mọc lên rất nhiều, phải tiếp thị tuyển sinh thì cần thu hẹp đối tượng nhập ngũ mới đảm bảo công bằng. Sinh viên học xong, ra trường cũng phải nhập ngũ. Những người này có 2 năm học đại cương nên khi vào quân đội những kiến thức lý luận sẽ được rút gọn, có nhiều thời gian học chuyên môn", đại tá Toàn góp ý.
Ông Toàn cũng cho rằng, Việt Nam cần học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới: bất cứ ai tốt nghiệp đại học xong cũng phải đi bộ đội, chưa có thẻ quân nhân tại ngũ thì không đơn vị nào được tiếp nhận làm việc.
Theo kế hoạch, đầu tháng 9 những công dân đã được tuyển chọn sẽ lên đường nhập ngũ.
Nhóm phóng viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét