BTTD: Muốn thế luật phải đúng, công bằng, bảo đảm quyền lợi của Tổ quốc và công dân.
(Dân trí) - Một đất nước muốn phát triển, điều đầu tiên là việc thưởng phạt phải phân minh. Ai có công phải được tặng thưởng xứng đáng. Ai có tội phải bị trừng trị nghiêm khắc. Luật pháp là con đường thẳng băng, không có chỗ cho những “đường cong mềm mại”, phải không các bạn?
>> Vụ nộp hơn 1 tỷ đồng “chống trượt” Cao học: Cơ quan An ninh điều tra sẽ triệu tập 3 cán bộ
>> Cuộc thi “thoảng mùi o bế cháu con”?!
>> Cuộc thi “thoảng mùi o bế cháu con”?!
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Vụ thi công chức của Cục Quản lý thị trường và “quỹ chống trượt” tại Thanh Hóa đã và đang nói lên một thực trạng đáng buồn trong việc thi cử hiện nay. Song, càng đáng buồn hơn là biểu hiện xu hướng dân sự hóa tội danh hình sự.
Trong hầu hết các cuộc thi tuyển dạng này, có lẽ câu đầu tiên người ta hỏi nhau: “Chạy” hết bao nhiêu tiền?.
“Chạy” ở đây thực chất là đưa và nhận hối lộ. Nó là một tội được qui định trong Luật hình sự có khung hình phạt cao nhất là chung thân và tử hình.
Thế nhưng tiếc thay, khi vụ việc bị phát hiện thì cách hành xử thường lại là “giơ cao, đánh khẽ”. Dù những lời tuyên bố như một điệp khúc “xử lý nghiêm” đã trở nên quen thuộc.
Đối với vụ việc tại Cục Quản lý Thị trường, mặc dù Bộ Công thương cam kết “xử lý nghiêm” nhưng kết quả cuối cùng lại chưa phải như vậy bởi phài nhìn nhận vụ lộ đề thi là sự việc nghiêm trọng.
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ĐB. Nguyễn Sỹ Cương đây là tội lộ bí mật nhà nước, cần truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố vụ án.
Một nhận định chính xác của vị chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật bởi đề thi là một trong những tài liệu được coi là bí mật nhà nước.
Như vậy, câu hỏi phải làm rõ ai là người làm lộ bí mật nhà nước? Mục đích làm lộ ở đây là gì? Có hay không cái gọi là “công chức trăm triệu”?
Nếu như có việc “chạy” thì câu chuyện không còn dừng ở lộ bí mật nhà nước mà sẽ phát sinh hai tội danh mới: Đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Thế nhưng theo quyết định của bộ Công thương thì hình thức kỷ luật đối với các cá nhân rất… “nhẹ nhàng, tình cảm”. Đó là hạ bậc lương đối với ông Nguyễn Đăng Khoa – Trưởng phòng Pháp chế; cảnh cáo ông Nguyễn Đức Lê – Phó phòng Pháp chế; khiển trách đối với ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục QLTT. Phê bình nghiêm khắc và huỷ hết các danh hiệu thi đua khen thưởng năm 2013 đã được quyết định đối với ông Trương Quang Hoài Nam – Nguyên Cục trưởng Cục QLTT, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển (hiện ông Nam là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ).
Trong khi đó cách đây 3 năm (3/2011), TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ lộ đề thi đối với bị cáo Lê Đình Phương (30 tuổi, nguyên giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hà Nội) về tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" với mức án 2 năm tù cho hưởng án treo.
Cũng cần nói thêm trước khi có quyết định hủy toàn bộ kết quả cuộc thi của Bộ Công thương, Cục Quản lý Thị trường đã chủ trương chỉ loại 03 thí sinh trúng tuyển, 7 thí sinh còn lại sẽ được ký hợp đồng làm việc từ 1/8.
Tương tự đối với vụ việc “chống trượt” ở Thanh Hóa, thực chất đây là vụ hối lộ tập thể với số tiền rất lớn, hơn 1 tỉ đồng. Kết quả không thành là ngoài ý muốn của cả hai bên và sự việc đưa và nhận hối lộ đã hoàn tất.
Thế nhưng cũng tương tự như Bộ Công thương, ông Vương Văn Việt - phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hơn một lần tuyên bố sẽ xử lý nghiêm khắc.
Song cuối cùng, hình thức xử lý nghiêm khắc chỉ là cách chức hai ông: Bùi Sỹ Hồng (trưởng Phòng quản lý đào tạo), Lê Trọng Sơn (phó trưởng phòng) và cảnh cáo đối với Bà Lê Thị Liên (cán bộ Phòng quản lý đào tạo của trung tâm này) với “khuyết điểm” vi phạm đạo đức nhà giáo và các quy định của viên chức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của trung tâm và ngành GD- ĐT Thanh Hóa.
Một đất nước hay một cơ quan cũng thế, muốn phát triển, điều đầu tiên là việc thưởng phạt phải phân minh. Ai có công phải được tặng thưởng xứng đáng. Ai có tội phải bị trừng trị nghiêm khắc.
Thế nhưng từ hai vụ việc trên cho thấy hình như thay thế cho xu hướng hình sự hóa các vụ án dân sự trong kinh tế trước kia thì giờ đây, lại đang có biểu hiện dân sự hóa những tội hình sự.
Luật pháp là con đường thẳng băng, không có chỗ cho những “đường cong mềm mại”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét