Trang

14 tháng 4, 2014

Điều gì sắp xảy ra với Ukraine?


Cập nhật: 16:03 GMT - thứ hai, 14 tháng 4, 2014
Một 'quân nhân' thân Nga chuẩn bị đối mặt với đội đặc nhiệm của Ukraine ở Slavyansk hôm 13/04
Khủng hoảng Ukraine đang bước vào giai đoạn mới và nguy hiểm. Việc những người biểu tình thân Nga chiếm đóng trụ sở cảnh sát và công quyền ở miền Đông làm dấy lên lo ngại rằng chính phủ Kiev sẽ đáp trả cứng rắn.
Nhưng điều này có thể sẽ giúp chính quyền Nga có được cái cớ mà họ đang cần để đưa lực lượng quân đội từ biên giới Ukraine tiến sâu hơn về phía Tây.
Hoặc có thể tất cả chỉ là màn kịch chính trị, một nỗ lực nhằm cho thấy rõ cái giá phải trả; đưa ra để đe dọa chính quyền lâm thời của Ukraine và có lẽ cũng muốn đánh úp cuộc đàm phán bốn bên – giữa Nga, Ukraine, Hoa Kỳ và châu Âu – vốn được lên kế hoạch một cách hời hợt cho tuần này.
Hoặc Moscow chỉ đơn giản muốn kiểm soát tình hình trước khi diễn ra bất kỳ đàm phán nào. Dù với mục đích gì đi nữa, căng thẳng vẫn leo thang và giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Vậy thông tin từ các nguồn của Nato và phương Tây khẳng định rằng Nga đã bắt đầu có những hoạt động quân sự ngầm ở phía đông Ukraine có ý nghĩa gì?
Chứng cứ từ mạng xã hội cho thấy các nhóm người mặc đồng phục và được vũ trang cẩn thận đã tham gia nhiều vụ chiếm đóng các tòa nhà ở các thành phố miền Đông Ukraine.

Không có chống đối

Ông Roger Mcdermott, nghiên cứu viên cao cấp ngành Á-Âu học của Quỹ Jamestown, và là nhà quan sát quân sự Nga từ nhiều năm nay.
Ông đánh giá rằng sự đồng bộ về vũ khí và trang phục cho thấy họ là những “‘quân nhân’ được tổ chức tốt, mang đặc điểm của lực lượng đặc nhiệm Nga, hay nói chính xác hơn là lực lượng tình báo quân sự đặc biệt, còn gọi là Spetsnaz.”
Ông McDermott cảnh báo, đây chỉ là một phần của chiến dịch mà Nga từng thực hiện ở Crimea.
“Ở Crimea,” ông nhấn mạnh, “lực lượng của Nga đã tăng cường chiến dịch chiếm giữ các địa điểm trọng yếu mà không gặp phải phản kháng và khai thác được điểm yếu của chính quyền lâm thời ở Kiev.”
Quân ủng hộ Nga có vẻ bất chấp hạn chót rút quân do Ukraine đưa ra
Tình hình miền đông Ukraine sẽ khác, ông McDermott khẳng định.
“Lực lượng đặc biệt với sự trợ giúp từ lực lượng địa phương giành kiểm soát được các tòa nhà chiến lược và những tuyến đường chính, nhưng nếu lực lượng an ninh và phòng vệ của Ukraine ra tay sẽ khiến tình hình leo thang, dẫn đến việc Nga sử dụng lực lượng quân sự truyền thống hơn, gồm cả không quân và bộ binh,” ông nói.
Ông Keir Giles, một chuyên gia phân tích lâu năm về quân sự Nga của Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Toàn cầu (CSRC) nói rằng ông “lo lắng nhưng không ngạc nhiên” về các sự kiện căng thẳng leo thang gần đây.
Khi được hỏi liệu ông có tin đây là màn dạo đầu cho việc Nga can thiệp quân sự, ông nói khả năng này là hoàn toàn có thể.
“Điều này không chỉ phù hợp với kịch bản lâu dài về việc bảo đảm quyền và sự sống của công dân Nga ở nước ngoài, mà còn nhằm phục vụ giáo lý bắt buộc về đảm bảo an ninh và ổn định ở các vùng xung quanh biên giới Nga,” ông Giles nói.

‘Cú sốc chiến lược’

Cả hai nhà phân tích trên đều cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã bước sang giai đoạn mới và có lẽ là giai đoạn trọng yếu. Tôi hỏi ông McDermott nếu mục tiêu của Nga trong mọi việc đã rõ ràng, thì chắc chắn là Moscow đang đặt cược khá lớn?
Quân nhân đứng gác trước lá cờ được gọi là của nước Cộng hòa Donetsk
“Rủi ro là quân đội và lực lượng của Ukraine sẽ chống đối mạnh mẽ hơn so với dự tính của Moscow, và mọi việc sẽ trở nên rắc rối, kéo dài và lộn xộn,” ông trả lời.
Tuy nhiên, “nếu quân đội của Kiev thất bại hoặc phản ứng không đủ nhanh, Moscow cũng sẽ có một món hàng mặc cả lớn đặt trên bàn đàm phán và đảm bảo mục tiêu đặt ra trong cuộc khủng hoảng: hoặc phương Tây công nhận một Ukraine bị chia rẽ, hoặc quảng bá ý tưởng về việc nhượng bộ gồm có lập hiến pháp mới và sẽ xuất hiện một chính thể liên bang Ukraine dễ bị điện Kremlin kiểm soát hơn trong tương lai.”
Theo quan điểm của ông McDermott, những yêu sách chính của Moscow là rõ ràng: Nga muốn liên bang hóa Ukraine và được đảm bảo pháp lý rằng quốc gia này sẽ không bao giờ gia nhập Nato.
“Điện Kremlin đang đánh cược rất lớn và tin họ sẽ dành phần thắng,” Ông McDermott nói.
Ngược lại, Nato và phương Tây dường như có ít lựa chọn để thay đổi tình hình. Ông McDermott cho rằng phương Tây đang phải trải qua “cú sốc chiến lược.”
Ông tranh luận rằng cuộc khủng hoảng đã phơi bày “nhiều yếu điểm trong đánh giá tình báo về Nga và những hiểm họa Moscow có thể gây ra với Đông Âu.
“Cả các nhà phân tích và chính quyền phương Tây đều thua khi không tìm ra được phương pháp ngăn chặn Nga đạt được mục tiêu chiến lược ở Ukraine,” ông nói.
“Thay vì tư duy chắc chắn, chúng ta chỉ thấy ở họ nỗi hoảng sợ và sự lúng túng.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét