Cập nhật: 10:39 GMT - thứ sáu, 18 tháng 4, 2014
Media Player
Luật sư Lê Thị Công Nhân cho rằng ông Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên) đã bị 'xúc phạm nhân phẩm' và 'bị khủng bố tình thần' khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn vừa còng tay, vừa xích chân khi áp giải ở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông và một số bị cáo khác ở Ngân hàng ACB hôm 16/4/2014.
Trao đổi với BBC hôm thứ Năm từ Hà Nội, luật sư nhân quyền cho rằng dù ông Kiên và luật sư của ông có quyền khiếu nại với các cơ quan công quyền chấm dứt hình thức áp giải này.
Luật sư giải thích:
"Việc này gây sự phẫn nội và làm xúc phạm đến hình ảnh và quyền con người của ông, bởi vì ông không phải là một tên khủng bố, không phải là một tên tội phạm côn đồ, giết người, có tính chất manh động về bạo lực, cho nên cách áp dụng như vậy theo tôi hoàn toàn vừa là thiếu nhân đạo, vừa là vô lý..."
'Khủng bố, đe dọa'
"Khi mà người ta đã bị còng, bị xích như vậy, và theo tôi chỉ có trường hợp duy nhất thôi, đó là để khủng bố tinh thần, đe dọa ông ấy và đặc biệt về mặt nhân đạo, về mặt phẩm giá con người, tức là để cho đương sự cảm thấy rằng mình bị sỉ nhục, mình bị hạ thấp và bị mất hoàn toàn tất cả những hình ảnh và phẩm giá của mình"
LS Lê Thị Công Nhân
Nữ luật sư nói thêm: "Biện pháp xích chân này là một hình thức nói thật là vô cùng khủng khiếp đối với tinh thần của những người bị xích chân, bởi vì người ta cảm thấy bản thân như là một con vật, không đi nổi, tức là phải lê từng bước và toàn cơ thể hoàn toàn có thể mất thăng bằng và ngã bất kỳ lúc nào..."
"Và với trường hợp áp dụng một biện pháp mạnh như vậy, người ta chỉ áp dụng đối với những tên khủng bố, hoặc là những tên tội phạm mà bản chất vụ việc, cũng như cá tính của kẻ đó hết sức manh động về mặt bạo lực, còn lại thì người ta không áp dụng những biện pháp như vậy."
Bình luận về động cơ thực sự của việc ông Kiên bị xiềng chân, bà Công Nhân nêu quan điểm:
"Làm sao con người đó, người ta có thể tự chạy được để thoát thân khỏi một hiện trường rủi ro, khi mà người ta đã bị còng, bị xích như vậy, và theo tôi chỉ có trường hợp duy nhất thôi, đó là để khủng bố tinh thần, đe dọa ông ấy và đặc biệt về mặt nhân đạo, về mặt phẩm giá con người,
"Tức là để cho đương sự cảm thấy rằng mình bị sỉ nhục, mình bị hạ thấp và bị mất hoàn toàn tất cả những hình ảnh và phẩm giá của mình."
Trong cuộc trao đổi hôm 17/4, luật sư Công Nhân cũng bình luận về một số hành vi và ứng xử của cơ quan công quyền Việt Nam được cho là đã 'ngược đãi', 'vi phạm phẩm giá, nhân quyền' phổ biến đối với các nghi can, nghi phạm, bị can, bị cáo và tù nhân.
Nữ luật sư cũng so sánh vụ án xử ông Bầu Kiên với một số vụ đại án kinh tế khác như vụ xử ông Dương Chí Dũng (ở Vinalines) và vụ xử bà Huỳnh Thị Huyền Như (ở Ngân hàng Vietinbank) gần đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét