- BTTD: Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ... chẳng cần trí tuệ.
Nguyễn Lễ
BBC Vietnamese.com
Cập nhật: 16:34 GMT - chủ nhật, 13 tháng 4, 2014
Thử đặt vào trường hợp:
Đang ở nơi đô thành náo nhiệt đột nhiên phải về chỗ đìu hiu hút gió; công việc đã vào guồng phải khởi động lại từ đầu; các mối quan hệ gây dựng bao lâu giờ chẳng còn tác dụng gì nhiều.
Chủ đề liên quan
Như thế liệu có dễ chịu?
Nhưng ít nhất 44 vị vừa được luân chuyển từ trung ương về địa phương vừa rồi chẳng ai từ chối.
Ẩn mình chờ thời?
Theo thông báo chính thức thì 44 vị ở cấp thứ trưởng và vụ trưởng được đưa về làm phó bí thư và phó chủ tịch các tỉnh thành trong khoảng thời gian từ nay đến Đại hội Đảng.
Điều này được hiểu là thử thách để rèn luyện các vị.
Có câu: ‘Lửa thử vàng, gian nan thử sức’. Tình hình chính trị-kinh tế-xã hội các địa phương, nhất là những địa bàn khó khăn phức tạp, sẽ là ‘lò lửa’ để thử xem ‘vàng’ của các vị tới đâu.
Luân chuyển cán bộ, do đó, tôi nghĩ, là một chính sách hay trong việc dùng người, nhất là đối với những vị có triển vọng nhưng cần được rèn luyện.
Ngồi lâu một chỗ sẽ mọc dây mơ rễ má rồi quan hệ chằng chịt rất dễ phát sinh tiêu cực nên sau một thời gian cần phải bứng đem đi chỗ khác.
Thực tế địa phương sẽ làm giàu vốn sống của họ, và khi lăn lộn với thực tiễn họ sẽ có thêm nhiều khả năng xử lý công việc.
Một khi đi từ trung ương xuống địa phương, các vị này sẽ bớt nặng nề những chính sách vĩ mô và bước gần đến cuộc sống của người dân. Họ sẽ có điều kiện gần dân hơn, lắng nghe dân rõ hơn và hiểu dân hơn.
Đây là những hành trang rất hữu ích nếu sau này họ có lên làm lãnh đạo ở tầm cỡ quốc gia.
Có điều vàng thật hay vàng giả thì chưa biết nhưng gần như chắc chắn là 22 vị trong số này sẽ được vào Ban chấp hành Trung ương khóa tới.
Điều này khiến người ta không khỏi nghi ngờ, vì như thế thì thử thách gì nữa?
Các vị đã chắc suất liệu có còn động cơ phấn đấu? Vì làm nhiều chỉ tổ sai nhiều và đụng chạm nhiều.
Tại sao không để cho tất cả họ cạnh tranh bình đẳng với nhau và ai thật sự nổi trội, dám nghĩ, dám làm và làm được thì được chọn?
Với lại, tôi không rõ khi đưa các vị này đi thì có đặt ra những tiêu chí cụ thể nào hay không: chẳng hạn sau hai năm phải làm được những gì, phải đạt những chỉ tiêu cụ thể gì để có cái mà đánh giá.
Nếu không thì luân chuyển chẳng khác nào đưa cán bộ về làm cảnh rồi thôi.
Trong danh sách luân chuyển có người về những địa bàn đặc biệt khó khăn như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… để rèn luyện nhưng cũng có vị về lại địa bàn đầy thuận lợi của ông, cha mình.
Cùng là luân chuyển, nhưng bên Trung Quốc họ thử thách ông Hồ Xuân Hoa ở Tây Tạng rồi Quảng Đông trong khi ông Trương Đức Giang, mặc dù đã được nhắm một chỗ trong Thường vụ Bộ Chính trị, bị đẩy vào ‘lò lửa’ ở Trùng Khánh để xử lý mớ bòng bong sau khi Bạc Hy Lai sụp đổ.
Còn luân chuyển như ở Việt Nam thì có khác nào ‘ẩn mình chờ thời’?
Cơ cấu tốt hay xấu?
Có thể thấy việc dùng người ở Việt Nam hiện nay tất cả tựu chung về hai chữ ‘cơ cấu’.
Phân nửa trong số 44 vị trên là đã được ‘cơ cấu’, còn phân nửa còn lại không được cơ cấu thì còn lâu mới vào được Trung ương.
Thật ra nếu họ vẫn có cơ hội vào Trung ương nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc. Nhưng nếu lý luận thế thì 22 vị được cơ cấu đã có thành tích đặc biệt xuất sắc gì rồi?
Nếu nói đó là do cấp bậc giữa họ khác nhau thì cấp bậc có liên quan gì đến tài năng một khi đã đưa họ ra thử thách?
Nhưng nói gì thì nói, trong nền chính trị Việt Nam không cơ cấu không xong.
Bởi lẽ đây là hình thức chọn nhân sự duy nhất trong một hệ thống không có bầu cử, đề cử thực chất.
Những đề cử mà chủ tịch hay thủ tướng đưa ra trước Quốc hội đều do Đảng cơ cấu hết và đề cử chỉ để ‘làm màu’, và một Quốc hội mà ai cũng biết là ‘Đảng cử dân bầu’ thì cũng chỉ gật đầu lấy lệ.
Còn bầu cử thật ở những kỳ hội Đảng thì các đại biểu chỉ bầu theo các danh sách có số dư chút đỉnh đã được các lãnh đạo khóa trước sắp xếp từ trước. Được bầu nhưng tự do bầu cử chẳng có là bao.
Bản thân Đảng cũng không có cạnh tranh bầu lãnh đạo. Chưa thấy các ứng viên đứng ra vận động đảng viên bỏ phiếu cho mình với chương trình và cam kết rõ ràng.
Như vậy, với cách cơ cấu kiểu này, một mình Đảng, chính xác là các lãnh đạo cấp cao của Đảng, thao túng hoàn toàn vấn đề cán bộ của Đảng và nhân sự của đất nước.
Đảng không cần cạnh tranh với ai thì mắc gì người của Đảng phải cạnh tranh với nhau?
Về nguyên tắc, ‘cơ cấu’ là chọn người tài đức để đảm đương các trọng trách của Đảng. Chỉ có điều đây là lựa chọn sớm chứ không phải chọn là lên ngay. Nếu đợi đến khi cần người mới chọn thì không kịp.
Mục đích của việc cơ cấu là giúp cho nhân sự của Đảng được chủ động, ổn định, xuyên suốt. Cấp trên cơ cấu cấp dưới. Khóa trước cơ cấu khóa sau.
Mọi việc cứ thế tuần tự mà đi không có gì đột phá và bị chi phối hoàn toàn bởi ý chí chủ quan của con người.
Có sơ hở không?
Tuy nhiên liệu công tác nhân sự bằng cách cơ cấu có chọn ra được nhân tài cho đất nước? 44 vị được chọn đi luân chuyển và 22 vị được nhắm vào Trung ương đó có thật sự là tinh hoa trong thế hệ kế cận của Đảng?
Vấn đề nhân sự vốn hệ trọng, nhất là nhân sự từ cấp ủy viên Trung ương trở lên, nên không phải là công việc của một người hay một vài người mà của một tập thể trong Đảng.
Ban Tổ chức Trung ương có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá và đề xuất còn quyết định thế nào là của Bộ Chính trị, Ban bí thư và nếu cần thì họp toàn thể Trung ương Đảng.
Ông Trần Lưu Hải, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, khi trả lời báo chí trong nước đã nói rõ rằng quá trình xem xét 44 vị đi luân chuyển có sự tham gia ý kiến và thăm dò tín nhiệm ở cấp ủy trực tiếp, cấp ủy cấp trên, Đảng ủy nơi cư trú và Đảng ủy nơi tiếp nhận.
Một công việc có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị ở cấp cao như thế và đi qua nhiều quá trình như thế ắt hẳn phải hết sức chặt chẽ và khách quan?
Nhưng cũng trên báo chí trong nước, một cựu phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương khác là ông Nguyễn Đình Hương lại cảnh báo về việc ‘chạy’ để được luân chuyển.
Ông Hương là người nắm công tác cán bộ của Đảng trong nhiều năm. Không phải tự dưng mà ông nói vậy.
Chức quan bao giờ cũng thứ ‘tài nguyên’ béo bở nhất trong các loại tài nguyên. Bao người thèm thuồng và đều muốn giành giật bằng được.
Những người làm công tác nhân sự của Đảng, do đó, rơi vào tình huống khó xử nhưng dễ hư.
Nếu tôi vì lẽ công mà xét chọn người tài thì có lợi cho đất nước nhưng lại có thể rước họa vào thân: chẳng những không xơ múi được gì mà còn mất quan hệ rồi còn bị người này người kia thù ghét.
Còn nếu tôi vì lẽ riêng thì cái lợi cho bản thân là rõ ràng trong khi cái hại cho đất nước thì còn xa vời. Hại hay không cũng chẳng ăn nhằm gì tôi và cũng chẳng ai truy ra mà quy trách nhiệm cho tôi cả.
Hơn nữa với đồng lương của cán bộ hiện nay thì dại gì mà không ‘ngậm miệng ăn tiền’? Nếu ai cũng thế thì mình tôi làm được gì?
Còn lại những thủ tục như đồng ý của cấp ủy, tín nhệm của tổ chức thì có khó gì nếu cán bộ đi luân chuyển có quan hệ lớn và rộng? Theo lời ông Hải thì việc bầu cử để đưa cán bộ luân chuyển vào chính quyền địa phương còn có cách ‘tránh bầu không trúng’ được cơ mà?
Người của mình
‘Quan hệ’ hay ‘tiền tệ’ có thể xảy ra với công tác cán bộ ở nhiều cấp, nhưng ở cấp các vị đi luân chuyển chẳng phải quyền quyết định ở Bộ Chính trị và Ban Bí thư hay sao?
Cần lưu ý là trong những người đi luân chuyển có một số vị có quan hệ thân thuộc với các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm. Về lý thì các ủy viên đấy không nên bỏ phiếu khi có liên quan đến người thân của mình.
Đấy chỉ là mới nói về người thân, ai dám chắc là trong số những cán bộ luân chuyển còn lại không có những vị cùng phe cánh với ủy viên Bộ Chính trị nào đó?
Mà ai chẳng muốn đưa càng nhiều người của mình vào càng tốt để đảm bảo cho vị thế của mình?
Nếu một ủy viên Bộ Chính trị biểu quyết chọn người tài thì vị đó cũng cần đa số ủy viên khác đồng ý với mình.
So với bỏ phiếu cho người nhà hoặc thuộc phe cánh của các vị kia để đổi lại các vị kia bỏ phiếu cho người nhà hoặc phe cánh của mình thì cách nào dễ dàng hơn?
Lý thuyết thì có khả năng như thế nhưng tôi nghĩ các vị ủy viên Bộ Chính trị, những cán bộ ưu tú nhất của Đảng, lẽ nào không biết phân biệt rõ ràng việc công việc tư?
Tuy nhiên, khi đã để cho ý chí chủ quan quyết định về nhân sự thì không tránh khỏi thị phi. Bản thân ai cũng có thể bị lợi ích cá nhân của mình chi phối.
Chỉ có người dân, thông qua các đại diện thật sự của mình ở Quốc hội, mới có lợi ích tối cao trong việc chọn lựa người tài đức ra phục vụ đất nước mà cũng chính là phục vụ quyền lợi của chính họ.
Ở các nước phương Tây, các vị nguyên thủ do được dân bầu đã đành mà khi chọn người cho nội các họ còn phải cân nhắc ý kiến của Quốc hội và nhân dân.
Cho nên Tổng thống Mỹ Barack Obama dù rất muốn đề cử bà Susan Rice làm ngoại trưởng nhưng không được, còn Tổng thống Pháp Francois Hollande phải thay ngay thủ tướng khi người dân bày tỏ sự bất mãn trong kỳ bầu cử vừa qua.
Trường hợp Việt Nam, đã không có bất cứ hình thức cạnh tranh nào để chọn ra người tài mà người dân còn bị tước đi cái quyền giám sát của mình thì công tác cán bộ trở thành ‘hố đen’ tiêu cực.
Trong cái ‘hố đen’ ấy, nếu ai đó có đủ sức mạnh và quyền uy thì hoàn toàn có thể khuynh loát việc đặt ai ngồi đâu và cho ai làm gì. Cho nên mới có chuyện cha truyền con nối như ở Bắc Hàn và anh xuống, em lên như ở Cuba.
Và khi quan trường bị chi phối bởi ‘hậu duệ, quan hệ, tiền tệ’ thì thủ đoạn, chứ không phải tài năng, mới là yếu tố giúp dễ dàng leo cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét