Trang

18 tháng 4, 2014

Nghĩ về văn hóa từ chức


Nghĩ về văn hóa từ chức
Nhà báo Trần Đăng Tuấn nổi lên như một “người hùng” khi làm đơn từ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Ở một xã hội không có văn hóa từ chức, thì hành động của Trần Đăng Tuấn chỉ là một cái cớ “lộ diện” để chúng ta biết nhiều hơn về một con người, về sự đời nói và làm khác biệt.
1. Điều mà Trần Đăng Tuấn là có một không hai trong lịch sử 40 năm VTV, cũng như trong lịch sử nghị trưởng Việt Nam đương đại. Sai phạm tày đình, tham nhũng khắp nơi, chỉ đến khi bị lộ, bị yêu cầu làm đơn từ chức như một cách cho giữ chút thể diện khi mất chức hoặc giáng cấp, thuyên chuyển, những kẻ tham lam sâu mọt mới bất đắc dĩ làm.
Trần Đăng Tuấn không vi phạm những điều nổi cộm ấy, chẳng có lỗi gì, nhiều công là đằng khác. Vậy tại sao phải làm thế? Số đông tiếc nuối, thắc mắc không hiểu nổi tại sao có một nhà báo uy tín, tiếng tăm hàng đầu của VTV lại làm một việc đột ngột, thua thiệt như vậy. Người ta bàn ra tán vào đủ lý do. Sự thực đích xác thế nào thì chỉ mình ông Trần Đăng Tuấn mới rõ.   Xưa nay Trần Đăng Tuấn vốn là người ít nói và dù là một bậc thầy truyền thông, ông cũng rất kiệm xuất hiện trên báo, đài.
 
Trần Đăng Tuấn không cần trả lời, bình luận về kẻ sĩ, vai trò kẻ sĩ. Vì như nhiều người nói ông chính là một kẻ sĩ thời hiện đại.
Thời Phong kiến, nam nhi học để ra làm quan, để có địa vị trong xã hội “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Nếu không hợp thế thời, bị đè nén trù dập hay không được trọng dụng hoặc chán nản mà “ưu thời mẫn thế”, thì rời bỏ chốn phồn hoa, cáo quan về quê ở ẩn. Sống ở quê, trồng rau, nuôi cá, lao động chân tay mà “tránh sự đời” dù vẫn âm ỉ nuôi mộng sĩ phu. Có người sẽ trở lại quan trường khi được mời, trọng dụng; người nuôi chí nhưng làm cố vấn cho hậu bối tâm phúc, đệ tử thay mình tiếp nối, kẻ lại rũ hẳn khát vọng, lảng tránh sự đời, gửi tâm sự vào thơ phú vịnh ngâm.
Tinh thần trọng danh dự một cách cực đoan, dùng cái chết để tỏ lòng, để chứng minh phẩm giá của đạo sĩ Nhật Bản cũng có trong không ít kẻ sĩ Việt phẩm tiết thời xưa. Ngày nay, trí thức đông lên, kẻ sĩ ít đi. Trí thức hiện giờ phần thì có “trí” nhưng “vơi” thức, phần thì có “thức” mà “trí” mỏng, số đông thúc thủ an phận. Tựu chung là lắm kẻ hèn.
Cuộc đấu tranh giữa chức vụ, bổng lộc lòng tham, danh tiếng với phẩm tiết trong sáng và đáng kính, luôn tạo tỉ lệ nghịch.
Trần Đăng Tuấn, người có công sáng lập VTV3 và Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC), trong mắt nhiều các nhà báo và giới nghệ sĩ là một người rất thông minh, mà lại mang tiếng “dại”. Ông chỉ còn là “cựu” “nguyên” phó TGĐ VTV, một chức vụ nhiều người mơ mà ông đã bỏ, thực tế đó là vị trí thành đạt nhất trong cuộc đời làm báo của ông. Song ở đời, ai tường minh, ngã ngũ “khôn – dại” đến cùng?!
2. Trần Đăng Tuấn đang sống tại căn hộ chung cư tầng 23 một cao ốc 25 tầng trên phố Hoàng Đạo Thuý. Vợ ông, BTV Nguyễn Thị Ngọc Trâm (SN 1963) vốn là phát thanh viên của VTV, khi ông về Đài làm phó rồi Trưởng Ban Thời sự. Từng học ĐHSK - ĐA khoa Diễn viên, nhưng cô gái Hà Nội Ngọc Trâm lại theo nghề truyền hình, làm báo. Hiện bà là đạo diễn, người phụ trách chương trình Vì người nghèo, Ban Chuyên đề, VTV con trai. Con chung duy nhất của họ cũng là con trai độc nhất của Trần Đăng Tuấn, cậu bé Trần Chí Hiển rất giống cha, đang học lớp 8 Trường Quốc tế Pháp. Tương lai cậu bé sẽ du học Pháp.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn và bà Lê Thị Liên (vợ của ông Kim Ngọc, vợ cố Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú) tại Vĩnh Phúc 2010 
Ít ai biết, Trần Đăng Tuấn đã và đang là một người thầy. Ông hiện là Tổng Giám đốc Tập đoàn AVG, trụ sở 15 Hồ Xuân Hương, sát báo Tiền phong. Ông hay di chuyển trên một chiếc ô tô 15 chỗ, có tài xế riêng. Ông vẫn làm thầy dạy báo chí, truyền hình, đó là khởi nghiệp của ông.
Trong ngôi nhà có sân, vườn rộng ở Mỹ Đình, bố mẹ ông đang sống. Cụ ông, Trần Phạm Mô là một và cụ bà đều là những công nhân chân chất ở TP dệt Nam Định. Yêu văn chương chữ nghĩa, lại sống ở Thành Nam, một trường thi lớn của miền Bắc cuối thế kỷ XIX đầu XIX, đất học nức tiếng, cụ Trần Phạm Mô kỳ vọng vào các con trai của mình bằng việc đặt tên những người anh hùng: Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản. Con trai trưởng và cô út Trần Phương Mai có gương mặt giống bố.
3. Trần Quốc Tuấn học giỏi từ nhỏ, từng đoạt giải học sinh giỏi văn miền Bắc. Cậu bé Tuấn ham đọc sách, thậm chí đi ngủ còn lén đem sách chui vào màn đọc nên bị cận, biệt danh Tuấn “kính” ra đời từ đấy. Thi đại học đỗ cao được chọn du học nước ngoài. Anh theo học Đại học Tổng hợp Matxcơva Lomonosov (MGU), khoa Báo chí từ 1975 – 1981. Anh tự đổi tên mình là Trần Đăng Tuấn cho bình dị hơn.
Từ Liên Xô về, anh giảng dạy Báo chí tại Phân viện Báo chí & Tuyên truyền (từ 2006 lên Học viện). Cùng nhiều giảng viên khác, anh ở căn hộ tập ngay đầu dãy giữa khu tập thể giáo viên. Những năm 90 thế kỷ trước, khu nhà hay bị ngập nước. Rồi bà mẹ lên ở cùng chăm sóc anh khi vợ chồng anh ly hôn, con gái Hương Thuỳ sống với mẹ.
Cho đến nay, người xem và giới nghề vẫn nhắc tới Trần Đăng Tuấn -một trong các nhà bình luận quốc tế hàng đầu của ngành truyền hình nói riêng và giới báo chí VN. Ông không chỉ trần thuật, kết nối sự kiện như tình trạng phổ biến của những bài/ lối bình luận thường thấy, mà luôn sắc sảo trong nhận định, dự đoán, kiến giải. Người xem mê Trần Đăng Tuấn bình luận quốc tế, quên dung nhan gày gò, khuôn mặt có vẻ khó tính với đôi mắt nhỏ sau cặp kính cận 7,50. Thỉnh thoảng ông vẫn trở lại trường cũ giảng dạy hay tập huấn cho phóng viên các đài địa phương. Em gái ông cũng nối tiếp làm giảng viên Báo ảnh. Khu tập thể giáo viên, người bán nhà, người sang nhượng, nay toàn nhà tầng, đường lát bê tông. Em trai ông cùng vợ và 2 con gái sống tại ngôi nhà của anh. Trừ lối đi vào, còn cảnh quan đã nhiều thay đổi. Trong ký ức tôi, những gì thuộc về xưa cũ đã hằn vào tâm trí. Ngôi nhà cũ, trường cấp 1, cấp 2, trường đại học khi chưa xây dựng hiện đại – gần nhà tôi, vẫn luôn sống động trong giấc mơ, trong nỗi nhớ. Tôi chưa từng được học Trần Đăng Tuấn ở giảng đường Phân viện BC&TT, nhưng biết rõ thầy Tuấn là một người thầy giỏi, uy tín của không ít thế hệ học trò trường Báo, của các phóng viên trẻ ở VTV3, các đài, địa phương.
Lối của ký ức luôn dẫn tôi về kỷ niệm ngôi nhà tôi lúc chưa xây. Cả khu tập thể nhà cấp 4, cứ mưa là ngập nước. Mùa Hè thì mát. Chưa ai xây hộp; chỉ có tường rào, đó đây còn những rặng cúc tần. Giữa sân nhà tôi có khoảng đất trồng cây me, táo, ổi, đất hẹp mà cây rất xanh tốt. Đó là đêm Trung Thu năm 1992 khi tôi 12 tuổi. Mẹ tôi trải chiếu ra sân để bố tiếp các bạn trong đó có Trần Đăng Tuấn mà tôi gọi là ”chú”. Tôi ngồi nép một góc “hóng chuyện”. Trung Thu là Tết của trẻ con. Tôi không ham rước đèn phá cỗ với bạn, mà cứ thích ngồi nép một góc hóng hớt nghe bố và các chú nói chuyện nghề nghiệp, nghệ thuật. Hồi cấp 2, môn học phổ thông của tôi có tiếng Nga và Âm nhạc. Sách tiếng Nga in bìa cứng tím than, giấy trắng đẹp, NXB Cầu vồng Matxcơva in để phát cho nhiều trường phổ thông học, có trường học tới hết cấp 3, thành môn thi tốt nghiệp .
Chú Tuấn hỏi tôi thích nước Nga không? Có chứ, biết nước Nga qua những truyện thiếu nhi:Bông hồng vàngBác sĩ Aibôlit và phim hoạt hình Hãy đợi đấy... À không, còn nhiều chương trình thể thao, ca nhạc, xiếc, quay xổ số của Đài Nga, xem qua TV đen trắng, những bộ phim truyện luôn phân rõ “quân nó”, “quân mình”. Chú Trần Đăng Tuấn kể chuyện nước Nga rồi bảo tôi đem cuốn sách tiếng Nga ra. Chú hỏi tôi thích dịch trang nào, tôi chọn trang nhiều chữ nhất, ở phần chưa học, chú đọc như tiếng Việt, tôi phục quá há miệng ra. Đúng là trẻ con! Chú đã trở lại Nga làm nghiên cứu sinh, từ 1986 – 1988, là Tiến sĩ Báo chí rồi thì đọc cuốn sách tiếng Nga lớp 7 ấy nhằm nhò gì.
4. Sau này, chú Trần Đăng Tuấn về Đài THVN công việc bận rộn, tôi ít được gặp ông chỉ biết ông đã làm được kỳ tích: bỏ thuốc lá (dù trước đó nghiện nặng) và vẫn thế, ưa hài hước nhưng chỉ tủm tỉm và ít nói trong đám đông. Chú Tuấn giờ béo hơn xưa, vẫn bận rộn cả chủ nhật. Chú lúc nào cũng bận. Chú có tài tổ chức, nói, viết rất gây chú ý, ảnh hưởng. Rời chức Phó TGĐ, Chú Tuấn về VFC làm BTV bình thường. Chú chưa biên tập phim nào, đó là bước đệm rất nhỏ để chuyển qua làm ở tập đoàn AVG. Thỉnh thoảng lại đọc thơ của chú in trên An ninh thế giới, tờ báo mà nhà văn Hữu Ước khai sinh, ông cũng là người khai sinh ra ANTV, truyền hình Công an nhân dân có liên kết với AVG.
Rời chức phó TGĐ ông đi rất nhiều nơi, hình như đi để bù lại cho những năm tháng ngồi trên ghế một ông quan báo chí. Trần Đăng Tuấn thương những đứa trẻ vùng cao, ông đã nhiều lần bỏ tiền túi, vận động bạn bè lên miền núi phía Bắc làm từ thiện. Tháng 9.2011, ông lập ra chương trình dài hạn “Cơm có thịt” cho trẻ con vùng cao. Chúng còi cọc, thiếu chất, cơm không đủ no, làm việc nhiều, trường lớp thiếu thốn thiết bị, có khi ăn độn, đứt bữa, nói gì đến “Cơm có thịt”!. Cùng 2 nhà văn - biên kịch VFC Phạm Ngọc Tiến, Trần Thùy Linh là những người tâm huyết đã làm từ thiện lâu năm, ba người là thành phần nòng cốt làm nên phong trào gây sức hút trên trang cá nhân của mình, kêu gọi các chiến hữu gần xa góp sức (web:phamngoctien.com;blog: trandangtuan. worldpress.com).
 Trần Đăng Tuấn Trong một chuyến đi làm từ thiện
  Không chỉ bạn bè văn nghệ mà nhiều bạn đọc các trang của họ, đã gửi tiền ủng hộ về tài khoản của Trần Đăng Tuấn. ĐD Trần Quốc Trọng đã nhiều lần ủng hộ nhưng chưa lần nào đi cùng đoàn vì toàn bận làm phim. Mỗi tháng, nhóm Trần Đăng Tuấn lại thu gom quần áo cũ vẫn lành sạch, mua thêm quần áo, sắm bát đĩa nồi niêu mới, chất lên xe. Xe thuê hay xe của ai thì tất cả cùng chung tiền mua xăng, ăn uống bỏ tiền, không dùng một đồng nào trong quỹ từ thiện. Các cô giáo ở trong những căn hộ thiếu thốn cắm bản, cắm lớp, được trao tiền để mua thịt để nấu ăn cho lũ trẻ. Các nhà báo, nhà văn đem túi ngủ, ngủ dưới sàn những căn phòng tập thể giáo viên, sang hơn thì thuê nhà trọ nếu gần thị trấn, ở ghép để tiết kiệm tối đa chi phí. Trưởng đoàn Trần Đăng Tuấn luôn sẵn sàng lên đường khi gom được tiền, đồ đạc. Họ đã lên Hà Giang, Lào Cai, đến Lai Châu, Yên Bái. Theo nhà văn Trần Thùy Linh (phó giám đốc VFC), tổng số tiền bạn đọc đóng góp cho quỹ “Cơm có thịt” đã lên hơn 4 tỷ đồng. 
Trần Đăng Tuấn quả là một “người lạ”. Trong cuộc sống thực dụng, tham vọng bát nháo và nhiều giá trị đảo lộn, tha hoá, ông bỏ địa vị công danh, dồn thời gian, tâm sức cho trẻ em từ mầm non cho đến hết cấp học ở miền núi phía Bắc, là một sự lạ đáng quý. Làm từ thiện thành một niềm vui, động lực của cuộc sống hiện nay của ông.
Theo Tạp chí  Duyên Dáng Việt Nam - Bài: Vi Vi - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét