Trang

1 tháng 1, 2014

Trung Quốc mạnh tay với tham nhũng

VOV.VN - Thông qua chống tham nhũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn tạo dựng một chính quyền trong sạch.

Theo Tân Hoa Xã ngày 28/12, hơn 500 nhà lập pháp của tỉnh Hồ Nam đã bị mất chức bởi tội nhận hối lộ khoảng 110 triệu nhân dân tệ (tương đương 18 triệu USD) với mục đích dàn xếp trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân diễn ra từ 28/12/2012 đến 3/1/2013.
Tháng 10 vừa qua, Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc bị xét xử bởi tội tham nhũng.
Trung Quốc đang đối mặt với nạn tham nhũng. Tham nhũng không tồn tại ở một cá nhân mà tồn tại ở cả những tổ chức với qui mô lớn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)

Một câu hỏi lớn đối với Trung Quốc, có lẽ các biện pháp phòng chống tham nhũng chưa thật hiệu quả?
Chủ tịch Tập Cận Bình gặp khó khăn trong chống tham nhũng?
Từ khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc từ tháng 11/2012 đến nay, ông Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện chính sách ngoại giao linh hoạt nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Tuy nhiên, để có thể thực hiện giấc mơ này, ông Tập Cận Bình cũng phải mạnh tay trong vấn đề chống tham nhũng.
Theo đó, ông Tập Cận Bình đã phát động rộng khắp trên toàn Trung Quốc chiến dịch chống tham nhũng. Ông tuyên bố rằng, dù quan chức trung ương hay địa phương, dù chức vụ lớn hay nhỏ đều phải bị xử lý bằng pháp luật nếu tham nhũng, sống xa hoa, hủ bại. Tham nhũng, theo ông là một căn bệnh nan y, ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng. Tham nhũng làm “sung sướng” một số người, nhưng làm khổ nhân dân.
Có lẽ vụ xét xử Ủy viên Bộ chính trị, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã gây chấn động trên toàn thế giới. Lần đầu tiên Trung Quốc “khó xử” đến vậy. Nhưng trước quyết tâm của toàn đảng, ông Bạc Hy Lai phải chịu án tù chung thân. Ước muốn của Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu được thực hiện.
Theo thống kê được công bố mới đây, từ sau Đại hộị Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đến nay, đã có 108.000 cán bộ bị điều tra xử lý do vi phạm kỷ luật, ít nhất 10 quan chức cấp tỉnh bị điều tra xử lý.
Vụ xét xử mới nhất là vụ Đồng Kiến Minh - Phó chủ tịch Chính hiệp nhân dân tỉnh Hồ Nam. Và vụ cách chức hơn 500 nhà lập pháp ngày 28/12 cũng ở tỉnh này cho thấy rằng tham nhũng đã ăn sâu vào trong nhận nhức của những kẻ tham nhũng. Tham nhũng đã tồn tại lâu dài, gắn kết trong phạm vi của một tỉnh hết sức tinh vi và khó phát hiện. Vậy làm thế nào để biết có tham nhũng mà chống. Đây là điều thực sự khó.
Ngày 20/12, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã chính thức thông báo thực hiện điều tra Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh bị do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Ông Tưởng Khiết Mẫn, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Quản lý giám sát tài sản quốc gia Trung Quốc bị bãi miễn tất cả các chức vụ để điều tra hồi tháng 9 vừa qua.
Liên tiếp những quan chức cao cấp của Trung Quốc bị điều tra, xét xử.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong một phát biểu đã nhấn mạnh rằng nếu không triệt để trong công cuộc chống tham nhũng, xã hội Trung Quốc sẽ lâm vào thời kỳ của những năm 60 của thế kỷ trước. Do vậy, cần phải mạnh tay trong việc xử lý ông Tường Khiết Mẫn.
Trong năm 2013, sau vụ Bạc Hy Lai, có lẽ vụ Tường Khiết Mẫn là quan chức cao cấp thứ hai bị điều tra, xét xử.
Giáo sư sử học Lâm trường Đại học Trung văn Hongkong đánh giá Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng sẽ trở thành người có quyền lực lớn trong việc chống tham nhũng mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc trước kia không làm được.
Song song với việc thực hiện mạnh mẽ điều tra, xử lý cán bộ cao cấp vi phạm kỷ luật đảng, Trung Quốc còn triển khai nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng. Tháng 1/2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành "8 quy định" và "6 điều cấm" đối với cán bộ đảng viên.
Tháng 8/2013, quy định tiết kiệm trong các hội nghị có hiệu lực. Đặc biệt ngày 19/1, Trung Quốc ban hành lệnh cấm tổ chức lễ tang và lễ tưởng niệm một cách xa hoa lãng phí đối với cán bộ và người nhà. Liên tục những chính sách, biện pháp chống tham nhũng được ban hành, bước đầu góp phần tích cực vào công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc.
Thực sự thành công?
Sau vụ xét xử Bạc Hy Lai và một số quan chức cao cấp khác, truyền thông Trung Quốc và truyền thông quốc tế coi năm 2013 là năm thành công của Chủ tịch Tập Cận Bình về chống tham nhũng. Công tác chống tham nhũng triển khai tích cực với cường độ lớn. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết tâm diệt cả “Hổ” lẫn “Ruồi”.
Bạc Hy Lai bì tù chung thân vì tội tham nhũng (Ảnh: Tân Hoa xã)

Đằng sau thành công bước đầu, liệu chủ trương chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình có được thực hiện lâu dài?
Theo nhận định của Reuters từ sau Hội nghị Trung ương lần 3 khóa 18 kết thúc, dường như chính sách tập trung vào chống tham nhũng của Trung Quốc có vẻ như khó khăn hơn.
Đây là Hội nghị xác định lộ trình phát triển Trung Quốc theo thể chế Tập-Lý (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường).   
Theo Thủ  tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ tập trung vào thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình với chủ trương “thanh lọc” bộ máy nhà nước, thông qua việc tích cực chống tham nhũng sẽ là những “cản trở” của chính sách ông Lý.
Theo các chuyên gia phân tích ngoại giao Trung Quốc Thạch Bình thì có khả năng trong chính quyền Trung Quốc sẽ tồn tại những “cuộc đảo chính ngầm” và Trung Quốc đang ở trong trạng thái “tuyệt vọng”.
Trong Hiến pháp của Trung Quốc qui định rõ ràng rằng Đảng cộng sản Trung Quốc là đảng chấp chính duy nhất và Hiến pháp bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc không thừa nhận những đảng mới nào ngoài Đảng cộng sản Trung Quốc.
Do vậy, việc Trung Quốc thẳng tay trừng trị những lãnh đạo tham nhũng, đặc biệt là vụ xét xử Bạc Hy Lai vừa qua thể hiện việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tạo dựng một chính quyền không có tham nhũng.
Lập trường này của ông Tập Cận Bình còn được nói rõ tại Hội nghị cấp cao G20 được tổ chức tại Nga: “Trong việc giải quyết cơ bản vấn đề lâu dài của kinh tế, Trung Quốc cần thiết phải cải cách lại cơ cấu”. Quyết tâm của ông Tập Cận Bình có trở thành hiện thực như những gì ông muốn, hiện chưa có câu trả lời cuối cùng./.  
Bùi Hùng/VOV online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét