07:00 | 03/01/2014
(PetroTimes) - Danh hiệu chiến sĩ thi đua thì hãy để phần lớn những người được tặng danh hiệu này là “chiến sĩ”, những người trực tiếp lao động sản xuất, chứ đừng để biến thành quan chức thi đua.
Năng lượng Mới số 287
Suốt một thời gian dài, các phong trào thi đua ở nước ta hình như đều dành cho quần chúng, nghĩa là cho dân chúng từ nam phụ lão ấu đến chiến sĩ quân nhân.
Mỗi lần có phong trào thi đua là trên “phát” dưới “động” đến nỗi người ta nghĩ rằng, quan chức, lãnh đạo là không phải thi đua.
Hồi năm ngoái khi công bố danh sách đề cử 60 chiến sĩ thi đua toàn quốc đã gây xôn xao trong dư luận danh sách toàn là cán bộ lãnh đạo. Trong số quan chức được đề cử thì người có chức sắc cao nhất có hàm Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy và thấp cổ bé họng nhất cũng là cô hiệu phó trường mẫu giáo.
Trong danh sách đề cử Chiến sĩ thi đua toàn quốc không có những người lao động trực tiếp
Cả bản danh sách đề cử 60 người chỉ có mỗi một “dân thi đua” là thầy giáo Nguyễn Viết Đức, giáo viên Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Trường tiểu học Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Sau vụ xôn xao đó hẳn là đã khiến một số vị lãnh đạo, kể cả cấp cao xin rút khỏi danh sách đề cử “đa” quan “thiểu” dân này, sau khi rộ lên câu hỏi, vậy thì ai thi đua, thi đua với ai, ai lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước xứng đáng với đề cử danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc? Dư luận lên tiếng khá rộng rãi về bản danh sách đông quan này. Trả lời băn khoăn của báo giới về việc “đông quan ít dân” này, một quan chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương không cần rào đón cho hay, thành tích và tầm ảnh hưởng của những người quản lý lớn hơn chuyên viên hoặc những người trực tiếp lao động, sản xuất (?!).
Chuyện cũ có vẻ như lặp lại khi nhìn vào danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc đợt 3 năm 2013 đang được Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thuộc Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Danh sách đề cử năm nay lên đến 83 người gồm 55 người thuộc Khối Trung ương và 28 người khối địa phương. Đọc thật kỹ thấy có nhiều các chức sắc, phần lớn “cỡ” chánh, phó giám đốc sở; tổng giám đốc, phó tổng giám đốc… Tìm thật kỹ trong danh sách thấy 2 nghiên cứu viên chính và chuyên viên chính hiển lên như hai con ong chăm chỉ trong số rất đông “chuồn chuồn đạp nước nhởn nhơ bay lượn”. Và thật đặc biệt hy hữu khi thấy có một người công nhân lao động thực sự. Đó là ông Chu Văn Giỏi, công nhân sửa chữa xưởng cơ khí Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam. Cảm ơn các cụ đã chọn cho ông cái tên Giỏi - danh sao người vậy - để bây giờ ông được đề nghị vinh danh cùng với 82 người hùng danh giá khác. Cầu mong cho ông đừng bị rớt!
Dù rằng đây mới chỉ là danh sách đưa ra lấy ý kiến người dân mà người lao động trực tiếp sản xuất chỉ có mỗi 1 người so với 82 người có chức sắc là khó chấp nhận. Tỷ lệ 1/82 này xa lạ với thực tế xây dựng và bảo vệ tổ quốc khi nhưng người cầm búa, cầm cày, cầm súng là mấy chục triệu so với 2,8 triệu cán bộ, công chức trên cả nước.
Các bậc cao niên nhắc rằng, đây không phải lần đầu tiên những người trực tiếp lao động sản xuất sẵn sàng chiến đấu như công nhân, nông dân, bộ đội, công an không được đưa vào danh sách đề cử chiến sĩ thi đua toàn quốc. Vậy, phải chăng những người trực tiếp lao động sản xuất chỉ có tầm ảnh hưởng hạn chế không thể ngang bằng các vị chức sắc?
Tìm hiểu kỹ mới thấy là có hẳn quy định người được đề nghị là chiến sĩ thi đua toàn quốc phải có 2 lần liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể hoặc có thành tích đột xuất được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; có sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trong công tác, lao động sản xuất được ghi nhận…
Thì ra những quy định này đã thẳng thừng gạt bỏ từ “vòng gửi xe” những người trực tiếp lao động có thành tích xuất sắc. Từ cơ sở và hệ thống công đoàn, những bất cập này đã được phát hiện và kiến nghị sửa đổi từ vài năm nay nhưng vẫn chậm được thay đổi.
Thi đua chỉ là một danh hiệu, có tác dụng về mặt động viên, khích lệ tinh thần là chính. Song sự động viên, khích lệ về tinh thần nếu kịp thời, chuẩn xác sẽ không chỉ có ý nghĩa với cá nhân được khen thưởng mà có thể tạo ra một tấm gương, thậm chí một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Đến tận hôm nay, người anh hùng - người nuôi bò Hồ Giáo vẫn là một tấm gương thi đua lao động sản xuất sáng ngời, có sức lay động mạnh mẽ khi nhắc tới. Nhắc tới anh hùng Hồ Giáo lại nghĩ, có ai nhớ nổi một chức sắc từng là chiến sĩ thi đua toàn quốc những năm qua?
Danh hiệu chiến sĩ thi đua thì hãy để phần lớn những người được tặng danh hiệu này là “chiến sĩ”, những người trực tiếp lao động sản xuất, chứ đừng để biến thành quan chức thi đua.
Thọ Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét