"Cơ quan nào cũng nói là đúng quy trình, chuyện lọt mấy trăm cân ma túy cũng đúng quy trình, tiêm vac-xin cũng là đúng quy trình, thậm chí tiêm người chết rồi cũng đúng quy trình. Tôi nghĩ đấy là một sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm. Ở một góc độ khác thì đúng là quy trình ấy cũng có vấn đề" - Ông Nguyễn Sỹ Cương nói.
LTS: Trong những ngày cuối năm 2013, Tuần Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến cùng các khách mời để tìm ra những điểm hạn chế, các thách thức đang tồn tại và đề xuất giải pháp, hướng đi cho năm tới 2014.
Tham gia buổi tọa đàm có ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội; ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và ông Nguyễn Trần Bạt, Luật sư, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty tư vấn Invest Consult Group.
Xây lại niềm tin từ những điều nhỏ
Nhà báo Hoàng Hường: Thưa các khách mời, cách đây chỉ vài hôm vụ va chạm giữa người bán hàng rong với các anh dân phòng đang khiến người dân quan tâm. Điểm gây chú ý ở đây là ông chủ tịch phường phát ngôn khiến cho dư luận ngỡ ngàng: anh kia “lăn ra ngủ khi đang bị đánh”.
Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng đây là lời giải thích rất khó chấp nhận. Liệu có phải chỉ vì một vài cách hành xử như vậy đã dẫn đến xói mòn niềm tin của người dân đối với các công bộc của dân?Ông Lê Quang Bình: Tôi nghĩ rất đơn giản: niềm tin hoặc tình cảm mà người dân dành cho bất cứ một cơ quan công quyền nào đấy, hoặc một người đảm nhận một công quyền nào đó phản ánh qua cuộc sống hàng ngày của họ. Một người dân khi đến Ủy ban nhân dân phường thì người ta được tiếp đón thế nào, và công việc của người ta có được giải quyết hay không.
Khi người ta gặp khó khăn, người ta đến cơ quan công quyền chứng nhận thì cơ quan làm gì cho họ. Khi người dân vi phạm giao thông thì lực lượng cảnh sát giao thông giúp họ thế nào, hướng dẫn họ ra sao để họ thấu hiểu và họ biết để lần sau mà không vi phạm nữa.
Tôi nghĩ người dân Việt Nam mình cũng không đòi hỏi nhiều, người ta đòi hỏi những cái rất bình thường, cuộc sống người ta được yên bình, được tốt, và những khó khăn trong cuộc sống thì người ta được giải quyết.
Tôi nghĩ rằng có thể những vụ việc như chị vừa nêu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhìn của người dân vào thể chế, Nhà nước và chính quyền. Thành ra tôi nghĩ có lẽ khi chúng ta nói đến những chương trình rất lớn như chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính chẳng hạn thì tôi nghĩ nên bắt đầu bằng những cái đời thường như vậy..
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi xin nói thêm ở một khía cạnh khác. Bấy lâu nay cuộc sống tạo cho người dân thói quen là phải tự bảo vệ mình, tự lo cho mình trước một thái độ đôi khi vô cảm, thiếu ý thức trách nhiệm và cả thiếu lịch sự của các cơ quan chức năng.
Phía các cơ quan chức năng thì bất kỳ có việc gì xảy ra, thì việc đầu tiên bao giờ cũng là tìm cách giải thích như thế nào để giảm nhẹ trách nhiệm của mình đi nhất, luôn luôn là như thế.
Tôi đồng tình với ý kiến của anh Bình đưa ra, có những việc sự đòi hỏi của người dân không quá lớn. Đối với tư cách là một người dân, tôi nghĩ những đòi hỏi bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Tôi lấy ví dụ tôi ra UBND Phường để sao một giấy tờ gì đó. Tôi đưa giấy tờ, người ta nhận và trả lời là mấy anh lãnh đạo phường đi họp hết, anh cứ để đây rồi lúc khác quay lại. Giá như người tiếp nhận giấy tờ đó bảo tôi là cứ để lại giấy tờ ở đây và khi giải quyết xong chúng tôi sẽ báo và giá như một hai tiếng sau tôi nhận được cú điện thoại báo là đã xong rồi mời anh ra nhận, thì có lẽ là tôi thấy thực sự mãn nguyện. Rất tiếc là một việc đơn giản như vậy không bao giờ xảy ra!
Bây giờ bất cứ một việc gì cần phải đến cơ quan nhà nước, dù việc to hay nhỏ, cứ phải chạy đi chạy lại để hỏi xem giải quyết được chưa mà không bao giờ có sự phản hồi nào.
Con nói đến chuyện trách nhiệm, khi xảy ra chuyện gì thì cũng cố giải thích làm sao cho nhẹ trách nhiệm nhất. Ví dụ như chuyện tra tấn oan sai vừa rồi, cơ quan nào cũng nói là đúng quy trình, chuyện lọt mấy trăm cân ma túy cũng đúng quy trình, tiêm vacxin cũng là đúng quy trình, thậm chí tiêm người chết rồi vẫn khẳng định là…đúng quy trình. Tôi nghĩ đấy là một sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm.
Ông Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thế còn ở một góc độ khác thì đúng là quy trình ấy cũng có vấn đề, thực sự có vấn đề, mà vấn đề đó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tức là bản thân quy trình đó không mang lại hiệu quả, nhưng bên cạnh đó quy trình đó còn có cả lợi ích và sự tiêu cực trong đó.
Tôi lấy ví dụ chuyện 230kg ma túy lọt qua cửa khẩu, người ta nói rằng do máy soi bị hỏng, kiểm tra một hồi thì máy soi không hỏng, rồi đến lúc Cục hàng không Việt Nam nhận trách nhiệm là nhân viên soi chiếu không biết cách phát hiện ma túy. Vậy thì đúng là quy trình có vấn đề rồi!
Chúng ta không thể tự chọn Bộ trưởng
Nhà báo Hoàng Hường: Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự cảm thông với Bộ trưởng Bộ y tế: “có nhiều việc nằm ngoại sự tính toán của tư lệnh ngành và không thể giải quyết được” Các khách mời có thể tìm giúp những “sự tính toán” trọng điểm nhất, cần chú trọng giải quyết trong năm tới không?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Trước hết phải nói là hệ thống y tế có vấn đề mà nói rộng ra là vấn đề của quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ TBT nói đúng vì không những cần chia sẻ với Bộ trưởng bộ y tế mà cần chia sẽ với nhiều các Bộ trưởng khác vì lâu nay chúng ta thực hiện phân cấp tương đối mạnh cho chính quyền các cấp.
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Trước hết phải nói là hệ thống y tế có vấn đề mà nói rộng ra là vấn đề của quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ TBT nói đúng vì không những cần chia sẻ với Bộ trưởng bộ y tế mà cần chia sẽ với nhiều các Bộ trưởng khác vì lâu nay chúng ta thực hiện phân cấp tương đối mạnh cho chính quyền các cấp.
Còn Tổng bí thư nói là có việc nằm ngoài sự tính toán, đúng là ngoài sự tính toán thật. Chuyện bác sĩ làm chết bệnh nhân là chuyện có thể xảy ra, nhưng làm chết rồi mang đi thủ tiêu là điều hết sức “lạ”, “ngoài sự tính toán”. Nó ngoài sức tưởng tượng, bởi vì logic thông thường là khi anh làm chết người ta thì anh làm thế nào đó để việc nhẹ đi, nhưng đây thì theo chiều hướng ngược lại. Cho nên tôi nghĩ ý của Tổng bí thư là nghĩ ở góc độ như vậy.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng tôi không có điều kiện để hiểu biết năng lực tính toán của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên không thể phát biểu gì. Đồng chí Tổng bí thư thì có thể biết vì là người quản lý trực tiếp những ủy viên trung ương như đồng chí Kim Tiến. Có thể những sự việc ấy nằm ngoài tính toán của chị Kim Tiến thật. Với tư cách là một con người thì tôi thích cách giải thích như vậy của Tổng bí thư, để có thể cảm thông được, có thể nuốt trôi được.
Tuy nhiên, chúng ta không nên kéo dài tình trạng vận mệnh của xã hội lệ thuộc vào năng lực tính toán của một vài bộ trưởng, mà bộ trưởng ấy lại không phải do chúng ta chọn.
Chúng ta không có khả năng tham gia vào quá trình chọn. Chúng ta có thể chọn một đại biểu quốc hội như anh Cương, nhưng chúng ta không thể chọn bộ trưởng. Chúng ta phải treo thân phận của mình lên trên năng lực tính toán của một người bộ trưởng mà mình không được tham gia vào quá trình chọn.
Tôi nghĩ rằng có lẽ cần phải xây dựng lại hệ thống chức danh, hệ thống trách nhiệm, và phải tìm ra được ngay kẻ phải giơ đầu chịu báng trước các sự cố của xã hội. Nếu không làm được như thế thì mọi lời nói, lời hứa, lời hay ý đẹp cũng vô ích, thậm chí nếu không cẩn thận ngay cả nghị quyết cũng vô ích.
Ông Lê Quang Bình: Tôi nghĩ đây là vấn đề của hệ thống y tế chứ không phải là vấn đề của một cá nhân cụ thể.
Khi người ta phải đến bệnh viện, thì mối quan hệ quyền lực giữa bệnh nhân và bác sĩ rất chênh lệch. Chúng ta cần phải xem xem làm sao để kiểm soát được việc lạm dụng quyền lực có thể không xảy ra. Có nhiều cách khác nhau, cách thứ nhất là liệu bệnh nhân có sự lựa chọn nào hay không, hay là người ta không có sự lựa chọn nào cả, người ta bắt buộc phải tuân thủ tất cả những thứ mà người ta không có lựa chọn?
Đa số người dân, đặc biệt người nghèo thì không có sự lựa chọn nào. Tôi nghĩ là trách nhiệm của Nhà nước thì vẫn rất quan trọng trong vấn đề làm sao cải tổ được hệ thống y tế. Tôi tin rằng ngành y tế cũng đang gặp rất nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép về mặt tài chính. Tôi rất hy vọng là sau này mình có thể tăng ngân sách cho ngành y tế lên, vì so với giáo dục thì y tế đang rất hạn chế về mặt ngân sách.
Ông Lê Quang Bình. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Cái thứ ba là ông Bạt có nói về vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Tôi nghĩ về mặt lâu dài, Nhà nước nên rút khỏi việc chứng nhận, mà nên để cho hội nghề nghiệp hay hội chuyên môn làm việc đó. Rất nhiều nước trên thế giới, ví dụ hội luật gia là do họ bình chọn, về y đức cũng thế.
Nhà báo Hoàng Hường: Xin cảm ơn những vị khách mời đã chia sẻ những quan điểm rất cởi mở, thẳng thắn và sâu sắc.
Tôi xin được tổng kết lại là năm 2014, chúng ta sẽ có một số việc trọng tâm phải làm. Trước tiên là phải rà soát lại và xây dựng hệ thống trách nhiệm cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Phải tìm bằng được người chịu trách nhiệm mỗi khi có sự vụ xảy ra. Chúng ta cũng chú trọng hơn trong công tác chăm sóc quyền con người, giáo dục, truyền thông, làm sao để người dân hiểu được những quyền lợi và trách nhiệm cũng như những vấn đề đối với cộng đồng và với chính bản thân họ. Và quan trọng nhất là làm sao chúng ta làm rõ hơn trách nhiệm quản lý của nhà nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực nóng như y tế, chăm sóc con người và quản lý xã hội.
Thời gian tọa đàm đã hết. Tôi xin một lần nữa cảm ơn các vị khách mời đã tham gia vào buổi Tọa đàm với Tuần Việt Nam. Chúc quý vị sức khỏe, thành đạt và có một năm mới làm được nhiều công việc; cũng như cống hiến tốt hơn nữa cho xã hội!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét