Bộ trưởng Y tế lo nhiễm độc giống nòi vì thực phẩm
Mô tả tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở mức "đáng sợ", nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng cho rằng, với cách xử phạt như hiện nay thì không thể chấm dứt việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 2/1, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho rằng, công tác an toàn thực phẩm "sờ vào đâu cũng thấy vi phạm". Nữ lãnh đạo Bộ Tài chính phủ nhận việc các lực lượng liên quan kêu khó khăn về kinh phí, trang thiết bị bởi nguồn tiền thì không thiếu. Vấn đề là các cơ chế, kế hoạch và biện pháp xử lý, xử phạt hiện mới chỉ như "phủi bủi".
Dẫn ví dụ việc người dân ở quê trồng rau, bà Minh cho rằng, thuốc bảo vệ thực vật đang được dùng tràn lan, thậm chí có lúc "rau tắm trong thuốc sâu". "Không phải ở đâu cũng vậy nhưng là phổ biến. Như thế là ta đang sống trong đống thuốc đó. Trước mắt cần làm thế nào để tập trung giải quyết bởi tình hình quá đáng sợ", Thứ trưởng Minh bức xúc
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thị Minh. Ảnh: N.Hưng.
|
Liên hệ với tình trạng các bệnh liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng, bệnh nhân nhập viện ngày càng nhiều, nữ Thứ trưởng cho rằng về lâu dài cần có cơ chế phân công trách nhiệm rõ ràng. Cơ chế chính sách mà bất cập thì không thể nào kiểm soát được tình hình.
"Đây là lĩnh vực nóng, quan trọng nên chúng ta cần tập trung thời gian và tiền bạc để giải quyết chứ nếu làm như phủi bụi thì vi phạm vẫn tiếp tục. Chế tài phải mạnh hơn", bà Minh đề nghị.
Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát thừa nhận, trong quy trình cây rau đi từ đồng ruộng đến bàn ăn thì khâu trồng trọt là có nguy cơ cao nhất bởi có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, để đảm bảo an toàn phải tập trung vào khâu này, trên phạm vi cả nươc, vùng nào có nguy cơ cao cần tập trung giám sát.
Bộ trưởng Nông nghiệp cũng thẳng thắn nêu quan điểm không thể chấp nhận việc một người nào đó kiếm lợi trên sức khỏe những người khác. "Cần xử phạt người kiếm lợi trên lưng người khác như đối xử với tội ác", Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Sáng 1/1, Cảnh sát môi trường thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) phát hiện và thu giữ 1455 kg thuốc kháng sinh cho tôm, bột tăng trọng, tạo nạc cho lợn và thuốc chữa bệnh gia súc, gia cầm nhập lậu. Ảnh: Hằng Ninh.
|
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận, vấn đề đáng sợ nhất là từ thực phẩm không an toàn dẫn đến nhiễm độc mãn tính và nhiễm độc giống nòi. "Không ăn thì chết, ăn thì lo chết dần chết mòn. Đây là vấn đề cần tới một ủy ban ở tầm quốc gia chứ riêng Bộ Y tế thì không giải quyết được", bà Tiến nói.
Chia sẻ với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vướng mắc chính là từ các bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quyết liệt. Ông đề nghị đánh vào kinh tế của người vi phạm, xử lý nghiêm theo luật. Tuy nhiên, trước đó cần chú ý đến khâu tuyên truyền, giáo dục bởi những người nông dân trồng rau, nuôi gia cầm hay buôn bán vỉa hè thì không phải ai cũng kinh doanh quy mô lớn.
Lấy dẫn chứng về việc gây thương tích từ 11% trở lên cho người khác sẽ bị xử lý hình sự, ông Đam gợi ý việc tuyên truyền cho người trồng rau, chăn nuôi về việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tương đương. Như vậy họ sẽ chùn tay. "Giáo dục không được thì mới xử lý nghiêm, như vậy xã hội mới đồng tình", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong tuần tới các bộ, ngành liên quan cần hoàn tất các thông tư liên tịch còn chậm để có khuôn khổ chỉ đạo, quản lý tốt lĩnh vực này.
Nguyễn Hưng
Ý kiến bạn đọc (29)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét