Các phương án tăng giá điện đã nằm trên bàn Chính phủ và chờ quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, quanh việc tăng giá điện vẫn còn nhiều câu hỏi. Cùng làk inh doanh điện, nhiều công ty lãi lớn, chỉ có EVN lỗ hoàn lỗ. Cộng với tuyên bố tuyên bố kiểu "mặc cả" không tăng thì phá sản EVN khiến giá điện luôn là một vấn đề còn nhiều điều chưa giải toả.
Món nợ minh bạch
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, Bộ đã trình phương án giá điện năm 2015 cuối tháng 2 vừa qua, theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Trong đó, Bộ đưa ra nhiều phương án giá điện với dữ liệu chi phí đầu vào cập nhật sát thực tế nhất, bao gồm cả các khoản chi phí tăng lên như giá than, giá khí bao tiêu, hay các khoản chi phí giảm khác...
Song, vì giá điện được coi là nhạy cảm nên tất cả các phương án điều chỉnh giá đến nay đều chưa được phép công bố. Người dân sẽ biết thông tin khi giá điện mới chính thức được ban hành.
Việc tăng giá điện đợt tới sẽ vẫn theo Quyết định 69 của Thủ tướng, với các mốc biến động nếu tăng 7% thì EVN có quyền quyết định, nếu tăng trên 7-10%, bộ Công Thương quyết định và nếu trên 10%, Thủ tướng sẽ phải phê duyệt. Chủ trương sửa đổi, co các biên độ tăng giá điện xuống 3-5% sẽ được thực hiện sau.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch, phải tính đúng, tính đủ.
Trước đó, tháng 6/2014, UNDP đưa ra các khuyến cáo giai đoạn 2016-2018, Việt Nam cần phải thực hiện tăng giá điện một cách minh bạch và có thể dự báo được. Hiện, giá điện ở Việt Nam rằng còn thấp, chưa phản ánh hết chi phí sản xuất, không khuyến khích đầu tư.
Tất cả những thông điệp trên đều cho thấy, việc tăng giá điện tới đây là tấ yếu, vì lý do phải đảm bảo theo thị trường.
Với riêng EVN, lý do chính đáng hơn cả là năm 2014, giá điện chưa hề tăng lần nào, trong khi Tập đoàn này vẫn còn gánh tới gần 9.000 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá. Cùng đó, EVN có tới gần 8.000 tỷ chi phí đầu vào phát sinh năm 2014 chưa được tính trong giá bán điện.
Giá điện trong 7 năm qua chỉ luôn luôn tăng, nhưng phải thấy rằng, tăng bao nhiêu cũng không đủ với các khoản lỗ và chi phí phát sinh mới của EVN.
Xu hướng này khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp luôn thấy thiệt thòi hơn là được lợi mỗi lần tăng giá điện như chia sẻ của một lãnh đạo bộ Công Thương.
Bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng Cục Thống kê cho biết, nếu giá điện năm nay tăng 9,5% thì sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên 0,55%, làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình là 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%.
Đừng mặc cả
Nếu ngành điện chia làm đôi, một nửa thuộc về EVN, vì thị phần nguồn điện là hơn 50% thì bức tranh này có 2 màu sáng tối rõ rệt, một bên là rực rỡ thắng lợi, còn một bên thì vẫn rối rắm lỗ hoàn lỗ.
Năm 2014, các nhà sản xuất điện ngoài EVN có kết quả kinh doanh rất sáng lạn.
Các trụ cột năng lượng của các Tập đoàn lớn như Công ty điện lực Vianacomin đã lãi gần 500 tỷ, tăng gần 200% so với năm trước. Công ty Điện lực Dầu khí thuộc PVN cũng lãi hơn 1.600 tỷ đồng.
Với các công ty điện nhỏ, lợi nhuận tăng liên tục. Công ty CP nhiệt điện Bà Rịa lãi trước thuế tới hơn 180 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2013 và cũng gấp 3,5 lần so với kế hoạch đặt ra. Công ty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại cũng lãi trước thuế tới hơn 759 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2014.
Năm 2014, thuỷ điện còn bội thu hơn nữa nhờ thuỷ văn thuận lợi như công ty thuỷ điện Thác Bà đã lãi hơn 180 tỷ đồng, thuỷ điện miền Trung lãi hơn 200 tỷ đồng, thuỷ điện Thác Mơ lãi hơn 300 tỷ, tăng 30% so với năm 2013...
So với EVN, các công ty trên cũng đều phải gánh các rủi ro thị trường tương tự như chi phí giá than, khí, tỷ giá...
Tất nhiên, EVN có quy mô khác vì còn có thêm truyền tải với tỷ lệ tổn thất còn rất lớn, khâu phân phối bán lẻ với chi phí nhân công còn phải "bắc thang ghi số" quá tốn kém và gánh cả nhiệm vụ công ích như phải tiếp nhận lưới điện nông thôn, bán điện tới hải đảo, vùng sâu, xa.
Nhưng vì chưa tách rõ nhiệm vụ công ích và thương mại ở EVN nên những nguyên nhân lỗ lớn từ quản trị, từ nội tại bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp của EVN vẫn còn đang được lập lờ với nguyên nhân do nhiệm vụ công ích.
Điều đó khiến cho việc tăng giá điện để đảm bảo theo thị trường, đối với người dân vẫn chưa phải là một lý do đầy đủ.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây đã phải nói rằng: ""Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá, EVN phá sản và sụp đổ ngành điện. Có thể EVN phá sản thì ngành điện Việt Nam mới phát triển được, chứ không phải kéo theo sụp đổ ngành điện",
Ông nhận định, Bộ Công Thương bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho EVN, đồng ý tăng giá để bù đắp thua lỗ cho doanh nghiệp, bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN.
Theo TS Cung, vấn đề ở đây là cách thức tăng giá. Cách thức hợp lý trước mắt là Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, người tiêu dùng và các bên liên quan, qua đó, kiểm soát giá điện bảo vệ lợi ích chung người tiêu dùng, chứ không phải bảo vệ lợi ích của EVN.
Về trung và dài hạn, cần phải sớm tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất, phân phối với truyền tải điện. Cơ quan quản lý ngành điện ở Bộ Công Thương cũng cần phải chia tách độc lập với nhau, như cơ quan ban hành chính sách điện, cơ quan điều tiết điện lực và cơ quan sở hữu EVN. Ngoài ra là phải thúc đẩy sớm hoàn thành thị trường cạnh tranh về điện.
Có như vậy, việc điều chỉnh giá điện mới thực sự đảm bảo minh bạch như Thủ tướng chỉ đạo.
>>> Thứ trưởng Bộ Công thương: Xem xét tăng giá điện trong tháng 3
Theo Phạm Huyền
Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét