ANTĐ - Sáng 13-2, tại đền, chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, diễn ra lễ hội Minh Thề (hay còn gọi là Minh Thệ). Đây là lễ hội dành cho những người làm quan thề “không vụ lợi, không tham ô, tham nhũng, không hách dịch nhân dân, làm việc chí công vô tư”, nếu ai làm trái với lời thề sẽ bị trời tru đất diệt.
Sau nhiều năm bị gián đoạn, lễ hội Minh Thề được phục dựng lại từ năm 2003. Minh Thề được tổ chức hết sức bài bản vào sáng 14 tháng Giêng. Người ta dựng một đài thề trước cửa đền, chiếc mũ cũ của Thành hoàng làng trước đây được đặt ở vị trí cao nhất trên đài thề. Xung quanh có hoa quả, bát hương, một con dao bầu (bọc vải điều), một bình rượu lớn (phủ vải điều) và một con gà sống phủ vải điều.
Trước đài thề có một vòng tròn bằng vôi trắng đường kính khoảng 2m, ở giữa có một ô đất trống, gọi là vòng thiêng. Sau khi chủ tế và các vị bồi tế (là các vị có chức sắc trong làng, mặc áo lễ màu đen) đã yên vị, chủ tế vái lạy, là lúc con dao bầu được chuyển từ trên đài thề xuống. Chủ tế cắm mạnh con dao vào tử địa vòng thiêng, rồi rút nó lên, vẽ một vòng tròn theo hình vòng vôi trắng, rồi lại cắm xuống tử địa giữa vòng thiêng. Sau đó, chủ tế bắt đầu đọc Văn thề bằng âm Hán - Việt. Sau mỗi hồi đọc là tất cả các vị "quan giả”, đều là những nông dân hàng ngày vẫn chân lấm tay bùn, bám đồng, bám ruộng tăng gia sản xuất đứng nghiêm trang, đồng thanh hô vang lời thề năm xưa của các bậc tiền nhân làm quan: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử;…” Sau màn đọc văn thề chủ tế cầm dao bầu tiến đến đài thề cắt tiết gà với sự giúp đỡ của hai lính áo đỏ, nhỏ huyết vào bình rượu trên đài thề. Rượu được chuyển cho chủ tế và các vị bồi tế uống như thể ghi nhận lời thề đã tấu lên trước đó.
Theo tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ và theo truyền khẩu của người dân địa phương, người có công xây dựng nên chùa và đền Hòa Liễu là một Thái hoàng Thái hậu nhà Mạc họ Vũ. Vào thập niên 1650, khi vương triều Mạc còn thịnh, bà đã kêu gọi các hoàng thân quốc thích khác cùng đóng góp, dựng nên ngôi chùa Thiên Phúc ở làng Hòa Liễu và mấy chục chùa khác ở các nơi.
Riêng Hòa Liễu, bà xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào ruộng cúng Tam bảo. Nhiều vị trong hoàng tộc hưởng ứng, sau số ruộng cúng chùa đạt tới 47 mẫu 3 sào. Từ số ruộng đó, làng cho nhà chùa 4 mẫu để cày cấy, còn lại làm ruộng công để đảm bảo người nào trong làng cũng có ruộng. Tương truyền, nhân đó, Thái hoàng Thái hậu đã đặt ra những lời thề đối với người được sử dụng đất, và bản văn Minh Thề "không lấy của công làm của tư" đã dần dần định hình.
Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Khải- Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên về ý nghĩa của lễ hội, ông Khải cho biết, Hội Minh thề có từ hơn 500 năm nay, được khôi phục từ năm 2003. Những lời thề có ý nghĩa giáo dục các vị chức sắc, người dân phải công tâm chính trực, chí công vô tư, đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương...
Nhưng khi PV đề cập tới ý kiến của người dân thắc mắc: “Vì sao từ khi khôi phục lễ hội đến nay, không thấy quan thề mà chỉ thấy toàn dân thề?”. Ông Khải bối rối, cười trừ.
Phải chăng một số vị chức sắc sợ lời thề có linh ứng hay vì theo tục lệ mà họ chỉ là những người đến dự, ngồi ghế dưới xem lễ (!?). Ước gì lễ hội Minh Thề không giới hạn chỉ đối với người dân thôn Hòa Liễu mà được mở rộng, nâng lên vài cấp.
Một số hình ảnh diễn ra tại lễ hội Minh Thề:
Trường Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét