Trang

5 tháng 3, 2015

Cướp có… văn hóa?

BTTD: Không lo học tập, lao động tử tế thì còn nghèo đói dài dài !

Đăng Bởi  - 
le hoi, van hoa, cuop loc o le hoi den giong
Một quan chức cho rằng, cướp lộc ở Lễ hội Đền Gióng là cảnh cướp có văn hóa.

Trước sự phê phán của dư luận đối với những biểu hiện phản cảm, bạo lực ở Lễ hội Đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội – nhất là sự hỗn loạn khi tranh cướp “lộc”; một quan chức đã giải thích rằng đó không phải là… cướp mà là “cướp” để trong ngoặc kép, có nghĩa là, “cướp có văn hóa”?


Từ cổ chí kim, chữ CƯỚP luôn bao hàm nghĩa xấu tồi tệ nhất mà không một xã hội nào chấp nhận. Có đủ dạng cướp trong cuộc đời: Cướp của, cướp công, cướp nước… Thế nhưng, đây là lần đầu tiên có một cách “định nghĩa” bất chấp mọi quy tắc ngữ nghĩa, coi thường sự thật, và mỉa mai cái từ “văn hóa” một cách… “phi thường”!
Chữ VĂN trong văn hóa, văn hiến viết theo lối xưa có nghĩa là ĐẸP. Làm sao có thể coi cái sự cướp là đẹp  khi hàng chục cái gậy tre vung lên, là chen lấn hỗn tạp, là bươu đầu, mẻ trán, là máu đổ, giẫm đạp?
Có hàng trăm cách định nghĩa chữ văn hóa – culture mà cách định nghĩa được nhiều người chấp nhận là của UNESCO: “Văn hóa là hệ thống tổng thể những giá trị biểu trưng (signal = ký hiệu, tín hiệu; người Việt đã việt hóa từ này, ví dụ "đèn xi nhan"), quy định cách ứng xử, thái độ giao tiếp của một cộng đồng và, làm cho cộng đồng đó có đặc thù riêng”.
Như vậy, một khi văn hóa là cách ứng xử, thái độ giao tiếp của một cộng đồng, của một dân tộc thì không bao giờ có “văn hóa cướp”. Chẳng có người Việt Nam nào nghĩ rằng cái đặc thù riêng của dân tộc mình là… cướp. Mặt khác, khi đã ‘lạc’ vào cái mê cung “cướp có văn hóa” thì bất kỳ ai cũng có thể “định nghĩa” tiếp – tương tự, chẳng hạn “tham nhũng có văn hóa”, “ăn cắp có văn hóa”…
Cách bao biện của quan chức trên là không thể chấp nhận. Lẽ ra, khi nhìn thấy cả một rừng gậy tre đầy hăm dọa, bạo lực mà Lễ hội Thánh Gióng có rất nhiều; thậm chí đã là tinh thần chủ đạo của một áng văn bất hủ của Thép Mới: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xông vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre “hy sinh” để bảo vệ con người. Tre là tất cả. Tre là vũ khí”.
Tại sao quan chức trên không nghĩ rằng dùng gậy tre để mở, dọn đường cướp lộc là sự phi văn hóa vì nó cổ súy cho bạo lực lên ngôi, nó chà đạp lên tính chất thiêng liêng của lễ hội, nó biến con người trở thành một loại thú nào đó khi tranh cướp sự sống còn?
Quan chức trên còn đi xa hơn khi ông cho rằng lộc không thể tự đến với mình mà phải tranh, phải cướp mới linh thiêng(?) Thiếu gì cách để chứng tỏ cái lẽ tự mình? Chẳng hạn, nếu chia “lộc” thành 10 hay 20 phần; sau khi rước, tổ chức một cuộc thi chạy ‘marathons’ ngắn khoảng một đến vài ngàn mét, những người về nhất sẽ nhận được phần thưởng là lộc đó thì làm sao có máu đổ, áo rách, mặt mày thâm tím, mắt vằn đỏ, lộc tả tơi?
Một đất nước có đến 8.000 lễ hội một năm thì phải tự hiểu rằng cái đẹp đâu chưa thấy nhưng lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức để đổ vào những cuộc vui chơi là sự “biết” nhãn tiền.
Đền Gióng hay Đền Trần mà cứ NGHĨ cách để kiếm tiền thì chắc chắn đó là sự tầm thường hóa mọi truyền thống tốt đẹp của cha ông. Chẳng lẽ dung tục hóa mọi cái thiêng liêng, đong đếm cả những điều không thể đong đếm được trong trái tim, tâm hồn lại là… văn hóa sao?
Hà Văn Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét