Đăng Bởi -
Đè đầu cưỡi cổ nhau để cướp Ấn đền Trần
Trước khi lễ hội Đền Trần (tỉnh Nam Định) phát ấn, lễ hội Minh Thề (TP. Hải Phòng) đã bắt đầu diễn ra vào sáng 4.3.2015 (tức 14 tháng Giêng năm Ất Mùi). Lễ hội xin ấn vua ban để thăng quan tiến chức, làm việc gì cũng hanh thông và lễ hội thề không trộm cắp, không tham ô, không nhũng nhiễu dân là những nét đẹp văn hóa tâm linh.
Có thể bạn quan tâm
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, nếu ở lễ hội phát ấn, người ta bất chấp cả tính mạng để tranh ấn thăng quan thì tại lễ hội thề, chỉ có những người nông dân thật thà giả làm quan để thề với... dân theo nghi lễ.
Hội thề cho quan nhưng chỉ có... dân thề
Minh Thề -lễ hội thề chống tham nhũng đã có từ xa xưa, nay được khôi phục lại (từ năm 2003) tại đình Chùa, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên. Đây là khu di tích lịch sử cấp quốc gia đã được xếp hạng. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng Giêng.
Hội thề có gốc tích từ thời Mạc Đăng Dung. Khi được phục dựng, lễ hội này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân. Nội dung chính của hội thề là dành cho quan chức xưa và phần quan trọng nhất của phần lễ hội là phần Miêng Thệ (Minh Thề). Trước đài thề, trước thánh thần, quan cũng như dân đều đồng thanh dõng dạc: “Ai dùng của công vào việc công, xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công về làm của tư, cầu thần linh đả tử. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.
Sau lễ hội Minh Thề trang nghiêm, dân làng Hoà Liễu cũng như du khách tham dự lễ hội cảm thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, rũ bỏ mọi ưu phiền của một năm qua để tiếp tục bước vào năm mới, với niềm tin tưởng những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.
Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì lễ hội Minh Thề chính là khẳng định phẩm chất của người cán bộ ngày nay, cũng như quan lại thời nhà Mạc phải thề trước dân và giữ đúng lời thề của mình. Lời hứa của quan chức, không nói nhiều, nhưng phải tận tâm tận lực làm cho dân và chắc chắn việc đó giúp địa phương tốt đẹp lên.
Như vậy, có thể thấy, giá trị văn hóa - xã hội của lễ hội Minh Thề đã được khẳng định trong lòng dân chúng và đánh giá cao sự thanh bạch của những người có trọng trách “lo cho cái an nguy của thiên hạ”.
Thế nhưng, theo các bậc bô lão, cao niên của làng Hòa Liễu, trong gần 15 năm phục dựng lại lễ hội, chỉ có dân thề chứ không mấy khi thấy các vị cán bộ quyền chức về thề và cũng không thấy cảnh người đi ô tô biển xanh về lễ hội để... thề. Quan chức thề trong lễ hội một vài năm gần đây cũng đã có những biến đổi nhất định nhưng đếm đi đếm lại thì cũng chỉ có vài cán bộ cấp thôn, cao hơn một chút là cấp xã đến thề.
Nhiều người dân thôn Hòa Liễu cũng như xã Thuận Thiên kháo nhau rằng, sở dĩ các vị quan chức lớn không thề, bởi tâm chưa liêm, dạ không chính nên không dám thề với thánh thần… Hội thề năm nay, chẳng có gì đặc biệt bởi hội thề không tham nhũng cũng chỉ là hội thề của... làng. Trong đó, chỉ có những người dân giả làm quan để thề với dân theo... nghi lễ!
Liều mạng để cướp ấn “vua ban”
Những ngày gần đây, không khó đế gặp những xe công tại Đền Trần, nghĩa là có nhiều quan chức đi hội khai ấn Đền Trần tổ chức vào đêm 14 tháng Giêng hàng năm. Lễ khai ấn vừa có ý nghĩa trong thực tiễn thời nhà Trần, đồng thời mang những dấu ấn về tâm linh. Lễ khai ấn đánh dấu kết thúc kỳ nghỉ xuân của một năm, bộ máy Nhà nước bắt đầu làm việc. Sau này, từ nghi thức hoạt động hành chính của thời Trần như vậy, đất Nam Định mang theo nhiều yếu tố tâm linh.
Dù, nhà Trần không còn nữa, nhưng trong tiềm thức họ vẫn ảnh hưởng trật tự, kỷ cương, cách quản lý Nhà nuớc của thời Trần. Họ tổ chức lễ khai ấn Đền Trần đúng vào giờ Tý đêm 14 tháng Giêng và gửi gắm vào đó những nỗi niềm, khát vọng, ước ao.
Khai ấn chứng tỏ dấu ấn quan trường của triều đình, quốc gia, tượng trưng cho quyền lực nên nhiều người nghĩ rằng, mình cứ đến Đền Trần, xin được ấn vào giờ Tý có thể mình may mắn trên con đường công danh sự nghiệp. Dần dần, nó trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân cả nước.
Để lễ “phát ấn” được diễn ra tốt đẹp, hạn chế những kẻ bất chấp tính mạng lao đến cướp ấn “vua ban”, ban tổ chức lễ hội đã phải nhờ đến hơn 2.000 cảnh sát giữ gìn trật tự cho lễ khai ấn. Việc phải huy động cả một trung đoàn cảnh sát để bảo vệ lễ hội như vậy đủ hiểu sự lộn xộn do du khách gây ra phức tạp đến như thế nào? Và, như đến hẹn lại lên, người ta nói, ngày phát ấn cũng đồng nghĩa với ngày hành xác... hoàn toàn có lý.
PGS.TS Nguyễn Tấn Trung cho hay, tâm lý của người Việt là đầu xuân đi chùa để cầu bình an, tài lộc. Thế nhưng, cuộc sống phát triến, người ta đi chùa đế cầu theo kiểu... thiếu cái gì thì cầu cái đó. Nếu có ấn tín vua ban, họ quan niệm rằng, vua đã đồng ý vói việc mình đã làm, có nghĩa là có thể “tiền trảm hậu tấu” với vua.
Người ta xin cho bản thân mình trước, tất nhiên rồi, nhưng liệu người ta, trong đó có cả các quan chức, họ có cầu cho quốc thái dân an - phong điều vũ thuận hay không? Điều này không ai dám chắc! Giả như, các lễ hội đầu năm ở nước ta, đâu cũng là hội Minh Thề, thề với lương tâm, với thánh thần để làm những việc tốt đẹp cho đời, chắc hẳn không có cảnh xe biển xanh “rồng rắn” xếp hàng trước cửa thánh. Và, chắc các “vị phụ mẫu”, hắn sẽ chăm làm việc đầu năm hơn việc đi chùa.
Chẳng ai phản đối việc quan chức đi chùa, đi hội đầu năm, bởi đó là quyền của cá nhân, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, thể hiện tín ngưỡng văn hóa và thụ hưởng những giá trị tinh thần. Chỉ có điều, thay vì phải gặp quan chức ở lễ chùa, họ muốn quan chức có mặt tại nhiệm sở hơn và thực thi công vụ thật mẫn cán.
Cũng chẳng biết, các vị thánh thần có muốn nghe ông quan sở này, ông quan ban nọ cầu cho dân giàu nuớc mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh hay không, hay các “cụ thánh” muốn họ làm tốt công việc của một vị “đầy tớ nhân dân” đúng nghĩa hơn.
“Ấn tín Đền Trần -đối với bất cứ ai có quyền thế, dù sở hữu giá trị tâm linh nhưng sao có thể sánh bằng niềm tin của dân chúng dành cho mình. Đâu phải cầu thần khấn Phật cho xa, mỗi quan chức chỉ cần biết “vì dân phục vụ” thì sẽ được dân kính, dân yêu”, PGS.TS Nguyễn Tấn Trung nói.
TS Trung giải thích: Rất dễ để so sánh giữa hai lễ hội trên và có sự tương phản về sắc thái văn hoá. Lễ hội khai ấn Đền Trần cầu mong được thành đạt, quan triều chức tước bổng lộc nên nhiều người cầu. Còn lễ hội Minh Thề, là nơi mà họ phải thực hiện lời thề nên nhiều người e ngại. Bản chất của lễ hội hướng tới những điều may mắn tốt đẹp chứ không bắt phải thề nhưng người ta cứ tự đặt mình vào những chướng ngại của văn hoá thề, dẫn đến vắng bóng quan chức...
Trần Phương – Mai Hằng (Đời sống & Pháp luật)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét