Trên lý thuyết, các vị trí TQ kiểm soát phi pháp tại Trường Sa nói riêng và toàn bộ biển Đông nói chung sẽ giúp nước này tăng cường khả năng khống chế các tuyến đường hàng hải, giám sát mặt biển và triển khai nhanh chóng lực lượng vũ trang.
“Kiểm soát các điểm chiến lược”
Sự kiện TQ bồi đắp và mở rộng phi pháp các bãi đá ở Trường Sa đã diễn ra ồ ạt từ khoảng 2014. Quá trình này có thể diễn giải bằng nhiều góc nhìn. Một trong số đó là tạo một bàn đạp trong chiến lược hải quân tổng thể của TQ, với mục tiêu căn bản là “chống xâm nhập, chống tiếp cận” (A2/AD).
A2/AD, diễn đạt một cách đơn giản, là đẩy sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Châu Á – Thái Bình Dương càng cách xa TQ càng tốt, trong đó biển Đông có vị trí mấu chốt.
Với chiến lược này, TQ đang cố gắng đảm bảo sự kiểm soát của mình trước hết là trong chuỗi đảo thứ nhất (từ phía nam Nhật Bản, qua Đài Loan và nuốt trọn biển Đông), rồi sau đó là mở rộng ra chuỗi đảo thứ hai (từ miền Trung nước Nhật, qua đảo Guam và xuống tới vùng biển phía Đông Indonesia).
Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào, trước mắt trong khu vực biển Đông? Alexander Vuving, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Hawaii đưa ra một lý giải. Theo ông, với “chiến lược đảo nhân tạo”, mục đích cuối cùng mà Bắc Kinh nhắm đến vẫn là nhằm định hình lại vị thế địa chính trị có lợi cho sự thống trị của mình. Khái niệm tác giả này nêu ra trong một bài viết của mình là “kiểm soát các điểm chiến lược”, bao gồm ba điều kiện căn bản.
Thứ nhất là tránh xung đột vũ trang; xung đột có thể xảy ra nhưng chỉ khi tồn tại các điều kiện thuận lợi. Thứ hai là kiểm soát được càng nhiều các điểm chiến lược trên biển Đông càng tốt; nếu chưa kiểm soát được thì làm thế nào để kiểm soát một cách âm thầm và tránh xung đột. Thứ ba, biến những điểm chiến lược này thành các điểm kiểm soát đủ mạnh để khống chế toàn bộ khu vực (căn cứ hậu cần hay căn cứ tiền phương).
Do chênh lệch quyền lực quân sự với Mỹ vẫn còn lớn nên TQ tránh gây xung đột trực diện với nước này, cũng như tránh đối đầu quân sự với các nước nhỏ xung quanh. Vì vậy, các chiến thuật “lát cắt salami” hay “cây gậy nhỏ” đều ưu tiên sử dụng lực lượng tàu đánh cá hay các lực lượng chấp pháp bán vũ trang nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột nóng có thể xảy ra.
Có thể thấy, quan điểm chủ đạo của Vuving – kiểm soát các điểm chiến lược – có sự tương đồng với Alfred Thayer Mahan. Trong Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, nhà địa chiến lược hàng hải nổi tiếng của Mỹ này cho rằng, địa lý sẽ đóng vai trò tiên quyết trong bất cứ chiến lược hải quân nào. Mahan cũng nhấn mạnh “địa lý làm nền tảng cho chiến lược”. Do đó, các chiến lược gia phải đánh giá một cách chính xác giá trị của các đặc trưng địa lý và chiến lược của một vùng biển nào đó được chọn.
Mục tiêu khống chế hàng hải, kiểm soát mặt biển
Tại biển Đông, mấu chốt nằm ở việc TQ chọn lựa đâu là điểm nút quan trọng, chiến lược để có thể chiếm giữ và sau đó là mở rộng các giá trị về mặt địa chiến lược. Việc chiếm giữ phi pháp hoàn toàn Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 giúp TQ nắm trọn phần phía bắc của biển Đông. Tại Trường Sa, TQ đang nắm giữ trái phép các bãi đá và san hô như Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Bãi Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Gaven (Gaven Reef), Đá Gạc Ma (Jonhson South Reef), Đá Su Bi (Subi Reef) và gần đây nhất là Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và đá Hoàng Nham (Scarborough Reef). Theo Vuving, nếu đặt trên bản đồ thì Đá Chữ Thập, Vành Khăn, Hoàng Nham và đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa) sẽ tạo thành một tứ giác với bán kính 250 hải lý, đủ sức khống chế hoàn toàn biển Đông vốn được cho là “yết hầu của các tuyến đường hàng hải quốc tế”.
Cũng theo phân tích của Vuving, muốn trở thành lãnh chúa trên biển Đông, TQ cần phát triển các đảo này thành nền tảng vững chắc có thể cung cấp hậu cần cho một mạng lưới tàu đánh cá, tàu hải giám, tàu ngầm và máy bay nhằm thống trị bầu trời và vùng nước khu vực này, cũng như một số vùng đất để thiết lập những khu kinh tế và an ninh rộng.
Chẳng hạn, đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa, từ một bãi cát không người, hiện nay đã có 1.000 người ở thường xuyên. Đảo có một đường băng lưỡng dụng dài 2,7 km có khả năng đáp ứng các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của TQ, cũng như một cảng nước sâu có khả năng đón tiếp tàu có trọng tải 5.000 tấn. Đây có thể được coi là tiền đồn lớn nhất của TQ tại biển Đông hiện nay.
Các hoạt động mở rộng khác đang và sẽ diễn ra tại gần như tất cả những đảo đá mà Bắc Kinh đang chiếm giữ, mà tác động mạnh nhất có lẽ là tại Đá Chữ Thập. Hiện tại thì Chữ Thập đã lớn gấp đôi Ba Bình (đảo lớn nhất Trường Sa trước đây), và trong tương lai sẽ có những khả năng quân sự gần như tương đương với Phú Lâm.
Về mặt quân sự, các đảo trên là những vị trí tiền tiêu phù hợp với chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD). Theo Báo cáo của Uỷ ban Đánh giá hợp tác An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, hầu hết các máy bay hiện tại có trong biên chế của TQ không có khả năng hoạt động lâu dài tại vùng biển phía nam biển Đông. Đây là khu vực cách xa tới 600 hải lý so với các căn cứ tại Hải Nam, và cách Phú Lâm hơn 400 hải lý.
Trước khi các dự án mở rộng hoàn thành, không quân TQ phải sử dụng máy bay tiếp dầu. Tuy nhiên, các máy bay tiếp dầu của nước này chưa có khả năng hỗ trợ cho các chiến dịch có quy mô lớn ở một khoảng cách xa. Vì thế, chiến lược đảo nhân tạo trước hết sẽ làm bàn đạp cho mục tiêu này.
Quan trọng hơn, theo ý kiến của một số chuyên gia quốc phòng, các dự án này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các nhiệm vụ C4ISR (các hoạt động chỉ huy và kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát) của TQ tại các khu vực đảo và vùng biển lân cận. Về mặt lý thuyết, các vị trí TQ kiểm soát phi pháp tại Trường Sa nói riêng và toàn bộ biển Đông nói chung sẽ giúp nước này tăng cường khả năng khống chế các tuyến đường hàng hải, giám sát mặt biển và triển khai nhanh chóng lực lượng vũ trang. Hải quân TQ sẽ có khả năng theo dõi sự di chuyển của các tàu dân sự và quân sự nước ngoài trên khắp mặt biển thông qua C4ISR. Các căn cứ tiền phương và hậu cần rộng khắp sẽ là cơ sở cho việc triển khai các loại tàu chiến, tàu tuần tra và máy bay tuần thám hiện đại.
Một kịch bản được thảo luận một cách dè dặt hơn là khả năng lắp đặt các hệ thống tên lửa đối đất, đối hải và đối không. Các loại tên lửa này sẽ là vũ khí răn đe hữu hiệu, tạo ra một mối đe doạ và rủi ro rất lớn cản trở tầm hoạt động của quân đội Hoa Kỳ, cũng như của các quốc gia khác tại biển Đông.
Nguyễn Thế Phương
Theo PGS Robert Beckman (Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) – Đại học Công nghệ Nanyang) việc cải tạo hạ tầng để mở rộng các bãi ngầm và xây dựng đảo nhân tạo không thể giúp TQ thay đổi hiện trạng pháp lý của các bãi ngầm.
Thứ nhất, theo PGS Beckman, nếu một hòn đảo đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền thì quốc gia đang giữ và quản lý không thể tăng cường tuyên bố chủ quyền bằng việc cải tạo hạ tầng hay xây dựng và lắp đặt trang thiết bị.
Thứ hai, do định nghĩa “đảo” là khu vực đất liền “hình thành tự nhiên” được biển bao quanh và nằm trên mặt nước khi thủy triều lên, nên TQ không thể biến các bãi ngầm thành đảo có đầy đủ quy chế pháp lý (bao gồm vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa). Nếu các cấu trúc địa tầng được nâng lên trên mặt nước khi thủy triều lên do cải tạo hạ tầng thì chỉ được xem là “đảo nhân tạo”. Theo Điều 60 UNCLOS, các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế pháp lý với các vùng biển xung quanh, chỉ có thể thiết lập vùng an toàn không lớn hơn 500m. Vì vậy cải tạo hạ tầng không thể thay đổi hiện trạng pháp lý của các bãi ngầm dù được nâng lên trên mức thủy triều cao.
Vũ Thành Công (tổng hợp)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét