Ảnh minh họa
Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của nhiều tuyến đường giao thông đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao thông vận tải, gây nên bức xúc trong dư luận về chất lượng công trình giao thông.
Theo Trí Thức Trẻ. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này và trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải ở đâu?
Xe quá tải kết hợp với thời tiết cực đoan
Xe quá tải đang phá tan nhiều con đường lưu thông, bất kể đường đó là quốc lộ, tỉnh lộ hay đường liên huyện. Trước thực trạng đó, chính quyền và nhân dân nhiều địa phương phải lên tiếng kêu cứu cho những con đường vì bị xe quá tải bức tử. Có thể thấy rất nhiều điển hình mà báo chí đã nêu trong thời gian qua như:
Gần đây nhất về tình trạng xe quá tải phá nát đường giao thông chính là QL12, đoạn đi qua huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Oằn mình trong “cơn lốc” xe quá khổ quá tải chở nguyên vật liệu xây dựng, phương tiện máy móc phục vụ đại dự án sắt thép Fomorsa thuộc KCN Vũng Áng, hàng chục km QL12 đoạn chạy qua huyện Kỳ Anh đang xuống cấp một cách thê thảm.
Trên QL5, tình trạng xe chở quá tải cũng diễn ra phổ biến, nhất là các phương tiện xe container, xe kéo rơ –moóc trọng tải lớn xuất phát từ Hải Phòng đi qua QL5 với mật độ lớn. Theo Trung tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng Trạm kiểm soát giao thông Hải Dương thì đây chính là nguyên nhân khiến cho QL5 đang xuống cấp nghiêm trọng.
Vừa bàn giao, đưa vào khai thác chưa đầy 2 năm, nhưng đến nay Tỉnh lộ 4 đã xuống cấp nghiêm trọng với hàng trăm ổ trâu, ổ voi. Theo Sở GTVT Đắk Nông, nguyên nhân đường xuống cấp do các chủ phương tiện không tuân thủ quy định trọng tải. Hàng ngày, tuyến đường đang phải oằn mình gánh chịu mức quá tải gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi thiết kế, khiến đường nhanh chóng bị xuống cấp.
Hay đường 21, con đường liên huyện dài khoảng 12 km thuộc địa bàn xã Tam An, huyện Long Thành và phường Tam Phước (TP Biên Hòa, Ðồng Nai) xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn. Hằng ngày, đường 21 phải gồng mình gánh chịu hàng trăm xe tải ben chở đất quá khổ, quá tải qua lại. Xe tải ben cày nát mặt đường, gây bức xúc cho người dân
Theo báo cáo của ông Khuất Việt Hùng - vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) thì chỉ từ ngày 1/4 đến ngày 23/5/2014, sau khi đưa trạm cân lưu động vào sử dụng ở toàn bộ 63 địa phương, đã phát hiện tới 12.705 xe phạm lỗi quá tải trọng. Chính tình trạng xe chở quá khổ, quá tải đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và là nguyên nhân khiến tình trạng tai nạn giao thông gia tăng.
Giải thích sâu hơn về việc xe quá tải gây hư hỏng đường, chuyên gia về lĩnh vực GTVT cho biết tải trọng xe quá lớn, vượt xa tải trọng tính toán làm “mỏi” liên kết trong vật liệu áo đường. Khi mặt đường phải gánh tải trọng lớn hơn tải trọng thiết kế liên tục, kết hợp những thời điểm nhiệt độ cực đoan sẽ phá vỡ hoàn toàn kết cấu áo đường gây hư hỏng. Thực tế cho thấy, trên một số quốc lộ có diễn ra tình trạng xe quá tải nhưng những tháng thời tiết mát mẻ thì hiện tượng lún nứt, vệt hằn bánh xe chưa xảy ra. Nhưng khi trời nắng to, kết hợp mưa rào thì mặt đường lập tức bị hằn lún, hoặc nặng hơn là phá vỡ.
Tất cả các thử nghiệm về độ bền của bê tông nhựa đều thực hiện trong phòng thí nghiệm với điều kiện nhiệt độ nhỏ hơn hoặc bằng 60 độ C, đây được xem là điều kiện làm việc bất lợi nhất của vật liệu. Ở nước ta, những ngày nắng nóng thì nhiệt độ mặt đường có thể lên tới 70 độ C, cá biệt có nơi lên đến 78 độ C. Khi đó, lớp bê tông nhựa làm việc trong điều kiện cực kỳ bất lợi và hư hỏng hoàn toàn có thể xảy ra. Đồng thời với thời tiết cực đoan, các xe tải trọng lớn di chuyển khi mặt đường dễ bị tổn thương khiến mặt đường bị phá vỡ nghiêm trọng.
Tiêu chuẩn lạc hậu
Hiện tại, hầu hết đường xá Việt Nam đều sử dụng bê tông nhựa để trải mặt. Bê tông nhựa là một hỗn hợp vật liệu, mỗi yếu tố cấu thành hỗn hợp này đều ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm, trong đó có nhựa đường là một thành phần chính tạo nên bê tông nhựa. Trong nhiều năm qua, toàn bộ thị trường Việt Nam vẫn sử dụng chung một loại nhựa đường cho tất cả các loại đường từ cao tốc đến giao thông nông thôn.
Có thể thấy rõ rằng, ở Việt Nam có các loại hình khí hậu khác biệt lớn giữa khác vùng miền, do vậy có nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề phân vùng khí hậu để khuyến cáo sử dụng loại nhựa đường phù hợp với từng vùng nhưng do “thói quen” về thiết kết và vấn đề giá thành nên hiện tại ở Việt Nam vẫn sử dụng một loại nhựa đường cho mọi loại đường.
Một vấn đề nữa là thiếu các tiêu chuẩn về thời gian sử dụng tối đa bê tông nhựa cho các tuyến đường giao thông. Các chuyên gia đều khẳng định, tất cả các tuyến đường sau một thời gian lưu thông việc xuất hiện hiện tượng vệt hằn bánh xe là điều không thể tránh khỏi và hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, tuy nhiên vấn đề cần quan tâm là tốc độ xuất hiện của các vệt hằn và mức độ gây hư hại đến đường xá.
Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa đưa ra tiêu chuẩn về kiểm soát vệt hằn bánh xe, nếu có quy định này thì có thể thông qua việc xác định chiều sâu vệt hằn sau số chu kỳ tác động tải trọng để tính ra thời gian khai thác tối đa của lớp bê tông nhựa, từ đó tính toán được thời gia sử dụng mỗi con đường, thuận tiện cho công tác duy tu, bảo dưỡng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để xảy ra tình trạng nhiều xe quá tải chạy trên đường hiện nay một phần là do sự buông lỏng quản lý của ngành GTVT. Việc Bộ GTVT không đưa ra được những quy định chặt chẽ về mặt pháp lý khiến nhiều chủ xe đã lách luật bằng cách tự hoán cải sau khi kiểm định để thay đổi thùng xe.
Theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm thì hiện có 61.000 xe tải có thùng lớn đã hoán cải trước đây mà hiện nay không thể hồi tố. Như vậy, một số lượng lớn xe hoán cải như vậy đang lưu thông mà Bộ GTVT vẫn chưa có hình thức xử lý thì những con đường vẫn tiếp tục phải oằn mình chịu thêm sức nặng.
Cùng với đó, việc Bộ GTVT thiếu giám sát chặt chẽ các trạm đăng kiểm khiến cho các xe quá tải có đất để hoành hành. Theo nhiều ý kiến chuyên gia trong cuộc họp của Bộ GTVT về các biện pháp siết chặt tải trọng phương tiện tổ chức vào ngày 21/1/2014 thì tình trạng tiêu cực tại các trạm đăng kiểm mới là vấn đề cốt lõi gây ra tình trạng xe quá tải tràn lan.
Ông Nguyễn Văn Huyện, khi đó là Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết qua thanh tra tại 10 trạm đăng kiểm đã thấy nhiều vấn đề, có hồ sơ cho 1 xe song khi đăng kiểm thì có trạm cho phép chở 30 tấn, nơi cho 40 tấn, thậm chí có trạm cho phép chở 60 tấn. Những chiếc xe tải được “làm luật” để chở gấp đôi, thậm chí gấp 3 tiêu chuẩn thì hỏi đường nào có thể chịu được sức nặng.
Phát biểu trong cuộc họp giữa Bộ GTVT với Bộ Công an về kiểm điểm tình hình thực hiện kiểm soát tải trọng xe vào ngày 27/5 vừa qua, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thừa nhận những tồn tại của ngành GTVT gây ra tình trạng xe quá tải làm hư hại công trình giao thông, cụ thể là một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, vẫn còn hiện tượng tiêu cực, lực lượng chức năng còn dễ dãi, dung túng cho xe qua trạm kiểm soát.
Mặc dù trong năm 2014, Bộ GTVT thực hiện phương châm của Ủy ban ATGT Quốc gia là “Siết chặt công tác quản lý vận tải và tải trọng xe”, theo đó các địa phương đồng loạt ra quân, xử lý kiên quyết đối với tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành, thùng xe, với mục tiêu cuối cùng là để các chủ xe không thể chở quá tải. Tuy nhiên, do quy định được đưa ra khá bất ngờ khiến các doanh nghiệp vận tải không kịp điều chỉnh và việc chấp hành ngay quy định này là điều không dễ thực hiện. Và cho tới khi quy định đi vào nề nếp thì những chiếc xe tải quá khổ quá tải vẫn tiếp tục cày xéo, phá tan những cung đường.
Đức Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét