Trang

14 tháng 6, 2014

Hành động của Trung Quốc là điên rồ!

(Thế giới) - Chuyên gia phân tích của Nhật Bản chỉ ra những điểm sai trong việc Trung Quốc chặn máy bay Nhật và cho rằng Bắc Kinh đang điên rồ
Ngày 24/5, các máy bay tiêm kích Su-27 Trung Quốc áp sát các máy bay tuần tiễu của Nhật Bản ở cự ly cực kỳ nguy hiểm.
Tiếp đó, ngày 12/6, lại các máy bay tiêm kích loại này lặp lại hành động tương tự.
Ngoài những phản ứng chính thức của chính quyền Tokyo như chúng ta đã biết, giới phân tích Nhật cũng đã có nhiều bài viết vê chủ đề này.
Có một chi tiết khá thú vị: Ngày 06/06, tờ báo Nga “Vzgliad” đã cho đăng lại bài của Kunio Orita, một nhà bình luận người Nhật đăng trên báo “JB Press”, Nhật Bản (và như vậy là Nhật Bản đã thành công trong việc truyền tải thông điệp của mình đến cộng đồng quốc tế ) về vụ việc ngày 24/5 và quan điểm của ông về vấn đề này.
Xin lược dịch lại bài này qua bản tiếng Nga ( người dịch có lược đi một số đoạn vì thông tin đã cũ) để giới thiệu với bạn đọc. Các đầu đề nhỏ là của người dịch.
Ngày 24/5, các máy bay tiêm kích Su-27 của Trung Quốc đã tiếp cận ở cự ly gần các máy bay tuần tiễu của Không quân và Hải quân Nhật Bản. Vụ việc này xảy ra trên không phận Biển Hoa Đông, khu vực chồng lấn 2 vùng nhận diện phòng không (của Nhật Bản và Trung Quốc), ngay cạnh đường biên giới tạm thời Trung Quốc- Nhật Bản.
Chiếc máy bay Su-27 của không quân Trung Quốc áp sát vào máy bay của Nhật Bản
Chiếc máy bay Su-27 của không quân Trung Quốc áp sát vào máy bay của Nhật Bản
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các máy bay Trung Quốc bay sát, cách máy bay tuần tiễu OP-3C của Hải quân Nhật Bản và máy bay trinh sát Y-11EB của Không quân Nhật Bản chỉ từ 30 đến 50 m. Tuy nhiên, các máy bay Trung Quốc không xâm phạm không phận Nhật Bản và các máy bay Nhật Bản không bị hư hại. Cả 2 máy bay trên (của Nhật) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hành động của Không quân Trung Quốc là điên rồ
Trước hết, thế nào là cự ly nguy hiểm? Theo định nghĩa của Cục hàng không dân dụng liên bang Mỹ thì cự ly tiếp cận nguy hiểm giữa các máy bay là < 150 m và chênh lệch độ cao < 60 m. Cự ly 30-50 m là quá nguy hiểm, trong trường hợp này phi công (Nhật Bản) không còn bất cứ cơ hội nào để cơ động. Cách hành xử trên của phi công (Trung Quốc) là cực kỳ điên rồ.
Các máy bay tiêm kích (Trung Quốc) tiếp cận các máy bay Nhật Bản ở góc quan sát chết (các phi công Nhật Bản không thể quan sát) với tốc độ lớn, nhiều lần và từ nhiều hướng khác nhau. Hành động như vậy chắc chắn là nhằm mục đích đe dọa, và việc các máy bay tiêm kích hiện đại nhất tiếp cận ở cự ly làm cho phi công Nhật Bản không còn cơ hội để cơ động tránh là một hành động sẵn sàng công kích. Không thể hiểu theo cách nào khác.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Isunori Onodera đã lên án hành động này của phía Trung Quốc và cho biết: “Những hành động mất lý trí như vậy có thể dẫn đến tai nạn. Chúng tôi đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc qua kênh ngoại giao của Chính phủ".
Thủ tướng Nhật: Hành động của Trung Quốc là vô cùng mạo hiểm
Thủ tướng Nhật: Hành động của Trung Quốc là vô cùng mạo hiểm
Còn Bộ quốc phòng Trung Quốc đáp lại: “Các máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã đi vào khu vực nhận diện phòng không của Trung Quốc, chúng (các máy bay Nhật Bản) theo dõi cuộc tập trận hải quân chung Nga- Trung và đã gây khó khăn cho các hoạt động này”. Không chỉ có thế, Trung Quốc còn tố cáo các hành động trên của phía Nhật Bản là: “đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”.
Đại sứ Trung quốc tại Nhật Bản được triệu đến để nhận được công hàm phản đối từ Bí thư thứ hai Bộ ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki, nhưng sau cuộc gặp viên Đại sứ này lại ngang nhiên tuyên bố khi trả lời phỏng vấn: “Chúng tôi không hài lòng trước những hoạt động trinh sát nguy hiểm của Nhật Bản và cũng đã gửi công hàm phản đối".
Ai gây nguy hiểm?
Thông thường, khi tiến hành tập trận hoặc phóng tên lửa thì để đảm bảo an toàn cho các máy bay tại khu vực tập trận, phía tập trận thường tuyên bố về khu vực hạn chế các chuyến bay bằng cách thông báo qua công hàm theo các quy định của Cơ quan hàng không dân dụng quốc tế. Trong trường hợp này - Trung Quốc quả thực đã thông báo về vị trí và thời gian tập trận (chung Nga- Trung) trên biển.
Cũng theo thong lệ quốc tế, sau khi nhận được thông báo, các máy bay (kể cả máy bay quân sự) của các nước sẽ không bay vào khu vực tập trận để tránh nguy hiểm . Trong vụ việc vừa qua , 2 máy bay của Nhật cũng không bay vào khu vực tập trận (không nhất thiết phải vào khu vực này mới thu thập được thông tin cần thiết) và như thế thì làm sao các máy bay Nhật lại có thể “gây khó khăn cho việc tập trận chung Nga- Trung?"
Tại sao Trung Quốc lại coi việc các máy bay YS-11E và P3-C Nhật Bản thu thập thông tin “là hoạt động trinh sát nguy hiểm”? Các máy bay Nhật Bản bay thẳng ở độ cao cố định. Không thể gọi các chuyến bay đó lại “gây nguy hiểm”. Chính các hành động của các máy bay tiêm kích Trung Quốc mới gây nguy hiểm.
Tàu kiểm ngư của Nhật Bản và tàu hải tuần của Trung Quốc đụng độ nhau trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Tàu kiểm ngư của Nhật Bản và tàu hải tuần của Trung Quốc đụng độ nhau trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Các máy bay Trung Quốc tiếp cận máy bay Nhật từ góc quan sát chết, bay ngay sườn máy bay Nhật và tăng tốc. Hành động này xảy ra nhiều lần và có thể gọi nó là gì?
Những cáo buộc của Trung Quốc là không có cơ sở
Như trên đã nói, khu vực xảy ra sự cố nằm trong vùng nhận diện phòng không chồng lấn giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Theo thông lệ quốc tế thì đây là khu vực trung lập và máy bay các nước có thể tự do bay qua khu vực này. Việc cáo buộc “Nhật Bản vi phạm nghiêm trọng luật và các điều khoản quốc tế" là hoàn toàn không có cơ sở.
Tháng 11/2013, Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không, bao gồm cả vùng trời trên các đảo Senkaku, hạt Okinawa. Đã có nhiều ý kiến về sự vô lý và ngang ngược của hành động này, xin không đi sâu vào chi tiết.
Vấn đề thậm chí không phải ở chỗ là “khu vực nhận diện phòng không” của Trung Quốc chồng lấn lên khu vực nhận diện phòng không của Nhật Bản và cũng không chỉ ở chỗ Trung Quốc không có quyền đơn phương thiết lập khu vực nhận diện phòng không như vậy.
Mấu chốt của vấn đề chính là cái cách mà Trung Quốc hành xử trong không gian khu vực nhận diện phòng không trên vùng biển trung lập – Trung Quốc tụ cho mình hoàn toàn có quyền tài phán đối với khu vực này.
Khi đơn phương thiết lập “khu vực nhận diện phòng không," Trung Quốc đã tự đặt ra các quy định – mặc định coi khu vực náy là không phận của Trung Quốc và ngăn cản việc tự do bay của máy bay các nước trên vùng biển trung lập. Không chỉ thế, vùng nhận diện phòng không này còn bao gồm không phận trên các đảo Senkaku và cứ như thế, dĩ nhiên, Senkaku sẽ được hiểu là lãnh thổ của Trung Quốc.
Đã đơn phương đưa ra các quy định ngang ngược bất chấp mọi chuẩn mực quốc tế về việc tự do hàng không trên vùng biển trung lập, Trung Quốc lại còn lớn tiếng vu cáo các máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản là “đã vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực và luật pháp quốc tế". Có thể nói gì đây về Trung Quốc?
Trước mắt, Nhật Bản cần phải làm gì?
Cần phải giải thích hết sức cặn kẽ cho Cộng động quốc tế biết những gì đã xảy ra trên thực tế. Để không thua Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thông tin ở cả ba mặt trận (dư luận xã hội, tâm lý và luật pháp). Nhật Bản cần phải trình bày rõ ràng quan điểm của mình với cộng đồng quốc tế ở cả ba mặt trận trên.
Tại sao các máy bay tiêm kích Trung Quốc lại có những hành động điên rô như vậy?
Tôi có thể đưa ra 2 cách giải thích:
Thứ nhất, có quan điểm cho rằng, vụ việc này y hệt như vụ máy bay tiêm kích Trung Quốc va chạm với máy bay Mỹ năm 2001. Ngày 01/4/2001 trên khu vực Biển Đông, cách đảo Hải Mam 110 km về phía Đông Nam, một máy bay trinh sát EP- 3E của Mỹ đã va chạm với một máy bay tiêm kích Trung Quốc J-8II. Máy bay tiêm kích Trung Quốc rơi xuống biển, viên phi công mất tích. EP-3E bị hư hại nặng và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.
Có thể trong trường hợp này viên phi công Trung Quốc thiếu kinh nghiệm đã cố tình cơ động để đe dọa máy bay Mỹ nhưng không thành và sau khi va phải máy bay Mỹ đã rơi xuống biển. Trước khi thực hiện chuyến bay cuối cùng, chính phi công này đã từng nhiều lần có những hành động nguy hiểm như vậy và nhiều phi công Mỹ cũng đã biết chuyện này.
Tiêm kích F-2 của không quân Nhật Bản
Tiêm kích F-2 của không quân Nhật Bản
Cũng trong ngày hôm đó, đã có thông tin là tay phi công “mất trí" này cất cánh để chặn máy bay Mỹ vì nghe được qua vô tuyến các phi công Mỹ trao đổi với nhau: “Tay này rất nguy hiểm, cần phải hết sức cẩn thận". Tính hiếu thắng đã giết chết anh ta.
Nếu quả đúng như vậy thì trường hợp không may này là do lỗi của phi công loại máy bay cũ J-8II. Lý do thì có nhiều: tinh thần chiến đấu sút kém của các phi công các máy bay tiêm kích cũ, chất lượng huấn luyện không tốt, phi công vô kỷ luật, kinh nghiệm bay kém, hệ thống chỉ huy không hoàn thiện v.v. Cứ cho là như vậy, hay nói cách khác ngắn gọn hơn, vụ việc ngày 01/4 là hoàn toàn chỉ do lỗi của một phi công!
Cách giải thích thứ hai: Nhưng lần này, loại máy bay thực hiện các hành động nguy hiểm trên là các máy bay Su-27- loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Trung Quốc. Điều khiển các máy bay này là các phi công thượng hạng.
Nếu cho rằng những hành động của họ là tự phát (như trường hợp 01/4/2001) thì hóa ra là các phi công lại loại máy bay tiêm kích mới nhất là một lũ vô kỷ luật- và không hiểu gì về tình hình hiện tại. Chắc chắn không phải như vậy.
Có thể khẳng định: đây hoàn toàn không phải là sự tình cờ (và đến hôm nay, sau vụ máy bay tiêm kích Trung Quốc lại tiếp cận máy bay Nhật ngày 12/6 thì nhận đinh này hoàn toàn có cơ sở - ND).
Các phi công đã thực hiện lệnh từ Bắc Kinh. Sau khi “ thiết lập vùng nhận diện phòng không “ tháng 11/2013, Trung Quốc đã không áp dụng một biện pháp” khẩn cấp” nào đối với các máy bay của Mỹ và Nhật khi bay qua khu vực này ngoài những thông báo miệng từ đài vô tuyến. Nhưng lần này, có lẽ Trung Quốc đã cảm thấy “đủ mạnh” để thực hiện các biện pháp răn đe.
Những hành động ngang ngược của Trung Quốc
Sau khi thiết lập vùng nhận diện phòng không, Không quân Trung Quốc có vẻ đã kiểm soát tình hình cứng rắn hơn và đã có những hành động như vừa nói tới ở trên. Trước đây, máy bay tiêm kích Trung Quốc chỉ cất cánh chặn các máy bay của Mỹ và Nhật Bản khi họ bay sát đến bờ biển nước này và không có bất cứ hành động gây nguy hiểm nào.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc
Tháng 1/2014, Trung Quốc đơn phương khẳng định quyền đánh cá trên Biển Đông. Vào tháng 5, Trung Quốc ngang ngược triển khai thăm dò dầu trên thềm lục địa Biển Đông – hành động dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và các cuộc tranh cãi thù địch ( giữa hai nước ) vẫn tiếp tục cho đến hôm nay. Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa tàu thuyền hai nước và ngày 27/5 tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam.
Đối với Philippines, Trung Quốc cũng tiến hành một chính sách hung hăng không kém trong cuộc tranh cãi về lãnh thổ về lãnh thổ với nước này. Trung Quốc đã bắt đầu công tác chuẩn bị để xây dựng căn cứ quân sự trên vùng bãi cạn Jonson ở quần đào Trường Sa (đây là ý kiến của tác giả) và khu vực bãi cạn Scaborough, không thèm để ý đến những phản đối của chính phủ Philippines. Các tàu Trung Quốc cũng cản trở việc cung cấp lương thực cho vùng đảo san hô Tomas.
Trung quốc đáng giá thấp Mỹ, coi nước này chỉ là “ lãnh đạo trên giấy” và Nhật Bản phải làm gì?
Tổng thống Mỹ B.Obama đã không thể ra quyết định về một chiến dịch quân sự ở Syria , thâm chí cả khi khí độc Sarin đã được sử dụng và vạch đỏ đã bị vượt qúa. Ngay khi đó, đã xuất hiện quan điểm cho là “Mỹ đã không còn là nước lãnh đạo thế giới nữa”.
Trong vấn đề Ukraine, Mỹ lúc đầu tuyên bố là sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, vào cuối tháng tư sau một loạt các chuyến thăm, quan điểm này đã thay đổi: “Chúng tôi ( Mỹ) sẽ không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các nước đồng minh”. Mặc dù vậy, có lẽ Trung Quốc vẫn cho rằng Mỹ chỉ là “lãnh đạo trên giấy”.
Ngày 26/5 Thủ tướng Sinzo Abe sau khi nghe Bộ trưởng quốc phòng Onodera báo cáo về vụ việc đã ra lệnh: "tiếp tục các chuyến bay tuần tiễu”. Không thể dừng hoạt động thu thập dữ liệu.
Việc chấm dứt giám sát đồng nghĩa với việc đơn phương thừa nhận vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc – Trung Quốc đã tự tiện thiết lập “vùng" này đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế, - cũng như không thể chấp nhận việc Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông và những hệ lụy tiếp theo của nó.
Ba lãnh đạo của liên minh châu Á mà Mỹ giữ vai trò đứng đầu
Ba lãnh đạo của liên minh châu Á mà Mỹ giữ vai trò đứng đầu
Năm 2013, Trung Quốc đã từng tuyên bố: “Ngay sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, chúng tôi sẽ thiết lập thêm một loạt các vùng nhận diện phòng không mới”. Trung Quốc đã công khai thể hiện rõ dự định thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.
Nếu điều này xảy ra, Biển Đông sẽ biến thành ao nhà của Trung Quốc và tham vọng này của Trung Quốc là không thể coi thường. Tại một cuộc họp của Thượng viện (Nhật Bản) sau diễn đàn Shangri-la, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản cho biết: “Trong cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng các nước tại Singapore, chúng tôi đã giải thích tình hình với tất cả các bên tham dự”.
Bắt đầu từ 30/5 đã có hàng loạt các cuộc gặp (giữa Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản) với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Úc. Từ những gì đang diễn ra, chúng ta (Nhật Bản) cần phải hiểu được ý đồ của Tập Cận Bình. Không cần thiết phải đáp trả khiêu khích và cũng không tự mình khiêu khích nước khác.
Nhưng bên cạnh đó phải hiểu rằng một lập trường nhu nhược và nhượng bộ trong các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến những hậu quả bi thảm không thể tính hết trong tương lai.
Vấn đề quan trọng bây giờ không những là phải giải thích cho toàn thể cộng đồng quốc tế về những sự phi lý trong những hành động của Trung Quốc mà còn cần phải thắt chặt sự phối hợp hành động quân sự với Mỹ, xây dựng liên minh với các nước Đông Nam Á và Úc, tiếp tục giám sát để không bị bất ngờ trước các tình huống không lường trước.
Cùng với đó, cũng cần phải thiết lập cơ chế liên lạc giữa Nhật Bản và Trung Quốc, để ngăn ngừa những va chạm nguy hiểm trên không.
Lê Hùng (Lược dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét