Ảnh: Công an bắt kẻ gây rối ở Tân Cương
Xu Weihua, phó bí thư đảng bộ của Tập đoàn sản xuất-xây dựng Tân Cương, nói: “Nhân dân và các nhà đầu tư tin vào “ảo tưởng” rằng những vụ nổ và giết người đang bùng phát ở vùng tự trị Tân Cương. Một số đồng chí chúng tôi không hiểu hết về Tân Cương, họ hoảng sợ khi xảy ra vài vụ việc bạo lực, tin rằng ở khắp Tân Cương đều có giết người, nổ bom và hỗn loạn tràn lan. Đó chỉ là ảo tưởng…Có vài người không tin tưởng đầu tư, những người mà tôi cho rằng họ chẳng khôn ngoan, sau này họ sẽ phải hối tiếc”.
Nhưng phát biểu của Xu với hãng tin Reuters chỉ ra việc Trung Quốc đang chật vật trấn an người dân, rằng họ có thể duy trì sự ổn định ở Tân Cương hoặc Tây Tạng. Thực tế Trung Quốc đang hoang mang vì một vụ đánh bom hồi tháng 5, giết chết 36 người ở một chợ rau quả sáng ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương (cực tây Trung Quốc).
Hồi tháng 3.2014, tại một nhà ga xe lửa ở Côn Minh (tây nam Trung Quốc) cũng xảy ra vụ 29 người bị đâm dao đến chết, và tháng 10.2013, một chiếc xe bùng cháy gần sát quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh khiến 5 người chết. Bắc Kinh quy trách nhiệm những vụ tấn công này cho bộ tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.
Từ đó, có những nỗi sợ sẽ có vụ tấn công ở những nơi công cộng đông người, gây ra sự hoang mang ở hệ thống xe điện ngầm tại Bắc Kinh và ở thành phố Quảng Châu (nam Trung Quốc).
Thứ Bảy tuần rồi, 6 người bị thương tích nhẹ vì xô đẩy nhau, khi một hành khách xỉu trên một chuyến xe lửa ở Quảng Châu, và các hành khách khác la hét rằng anh ta bị chém bằng dao, theo Tân Hoa Xã.
Hai ngày trước đó, xảy ra một vụ đánh nhau giữa các hành khách tại một trạm ga xe điện ngầm ở Bắc Kinh, khiến các hành khách vội vàng tìm cửa thoát.
Chuyên gia nghiên cứu về khủng bố Yang Shu ở Đại học Lan Châu nói: “Tôi nghĩ sự lo sợ này là phần nào quá đáng. Bạo lực chủ yếu bùng nổ ở Tân Cương và ít nơi khác. Nó không phản ánh sự ổn định của toàn Trung Quốc”.
Nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương và cấp tỉnh vẫn tổ chức các giải pháp phòng chống những vụ tấn công khác, siết chặt khâu kiểm soát ở các nhà ga xe lửa và xe điện ngầm.
Tại tỉnh Liêu Ninh (miền bắc Trung Quốc), công an tuyên bố kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, diêm và pháo để chống khủng bố, theo giới truyền thông đưa tin hồi tháng 5.
Những vụ tấn công mới nhất, bạo lực nhất từ nhiều năm qua, làm rúng động chính phủ Trung Quốc vốn chú trọng sự ổn định, nên họ tích cực kiểm soát các tổ chức tôn giáo đòi ly khai và thành phần cực đoan.
Công an Tân Cương đã bắt và xét xử hàng chục nghi can trong nhiều tuần qua, vì tội tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan, tàng trữ vũ khí trái phép cùng nhiều hoạt động phạm pháp.
Tân Cương là quê của bộ tộc Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh nói các tổ chức ly khai ở nơi này tìm cách lập Nhà nước riêng với tên gọi Đông Turkestan, dù các chuyên gia tranh cãi về tầm ảnh hưởng của tổ chức Phong trào Đông Turkestan Hồi giáo (ETIM).
Theo Reuters, các nhóm lưu vong nêu Bắc Kinh có chủ trương đàn áp ở Tân Cương và Tây Tạng nên dẫn đến tình trạng “gieo hạt giống bất ổn”. Nhưng Bắc Kinh kịch liệt bác bỏ.
Mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ xóa đói giảm nghèo và cải thiện quan hệ ở Tân Cương, một dấu chỉ rằng lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận một phần nguyên nhân của nạn bạo lực.
David Zweig, nhà nghiên cứu ở Đại học khoa học-công nghệ Hồng Kông, nói giải pháp xóa bất ổn và nguy cơ lây lan chủ nghĩa cực đoan chính là Bắc Kinh lập một hệ thống an sinh công bằng hơn dành cho bộ tộc Duy Ngô Nhĩ.
Ông Zweig nói: “Trung Quốc đang ở một tình thế rất khó khăn. Có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Giải pháp dài hạn là lập hệ thống công bằng với người Duy Ngô Nhĩ, nhưng có lẽ chính quyền không nghĩ như thế”.
Tô Mỹ (theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét