Trang

12 tháng 2, 2014

Cứ phải bôi trơn 5-10% thì kinh tế VN không ngóc đầu lên nổi

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải nuôi doanh nghiệp Việt cho đủ mạnh, đủ sức, đủ dinh dưỡng để có thể chiến đấu mạnh mẽ hơn. Còn để doanh nghiệp giống như con gà bị H5N1 thì việc mở cửa sẽ không khác gì "cõng rắn cắn gà nhà".
Năm 2013 đã qua, ông có đánh giá gì về năng lực điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước?
Từ năm 2011 đến giờ chúng ta đã không hoàn hiện được mục tiêu gì mà Nghị quyết 11 nêu ra cả. Thủ tướng chỉ đạo “Đừng có nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng mà quyết định vấn đề lãi suất. Phải vận dụng mọi công cụ của chính sách tiền tệ để mà kéo lãi suất xuống và kéo chỉ số giá tiêu dùng xuống". 
Chỉ thị của Thủ tướng rất rõ ràng nhưng chúng ta có làm được không? Từ năm 2011, 2012, 2013 chúng ta đã làm cái gì? Nói chung lại là quản lý nhà nước kiểu gì mà nợ xấu của hệ thống ngân hàng tràn lan, doanh nghiệp cứ chết dần từ năm này sang năm nọ thì làm sao đánh giá năng lực quản lý nhà nước tốt được.
Và trong Nghị quyết 11 nêu rõ rằng: điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt. Vậy có linh hoạt hay không? Linh hoạt cái gì mà sao doanh nghiệp chết hàng loạt như rạ ngả sau cơn bão lũ? Rồi chính sách tài khóa được thắt chặt, vậy thắt chặt thế nào mà bội chi vẫn tiếp tục tăng, nợ công vượt mức báo động?
Đặc biệt, tại điều 3 của Nghị quyết 11 rất ít người quan tâm có nói ưu đãi xuất khẩu, ưu đãi sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện để kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Vậy chúng ta đã làm gì? Lãi suất ở trên trời, hai chục phần trăm thì ưu đãi cái gì, làm sao mà kinh tế phát triển được?
Trong thông điệp của Thủ tướng - người đứng đầu cơ quan hành pháp đã nói lên tất cả và nếu chúng ta thực hiện được tất cả những điều đó một cách quyết liệt, đổi mới toàn diện cơ chế, thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển... thì nền kinh tế sẽ khởi sắc.
Trong đó, một điều quan trọng chính là chính sách tiền tệ. Năm nay phải làm sao hạ lãi suất tiền tệ xuống nữa và bảo đảm lãi suất ổn định trong 5-10 năm tới thì doanh nghiệp mới có thể hoạch định được những dự án phát triển, còn nếu cứ lên lên xuống xuống như thủy triều thì không cách nào doanh nghiệp hoạt động được. Đó là điều mà các nhà quản lý cần phải hiểu.
Quản lý nhà nước cần phải biết doanh nghiệp cần những gì, chứ quản lý nhà nước mà đẩy lãi suất lên hai mươi mấy phần trăm và cứ bập bềnh, bập bềnh, lên lên xuống xuống, không hiểu hoạt động của nền kinh tế thì tốt nhất không nên làm quản lý nhà nước mà nên làm việc khác.
Trách nhiệm của quản lý nhà nước còn là tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Mỗi một năm dân số Việt Nam tăng lên, mỗi một người bước vào tuổi trưởng thành là phải có việc làm. Đó là trách nhiệm tối cao của quản lý nhà nước chứ không phải là chỉ đăm đăm nhìn vào lạm phát bao nhiêu phần trăm, "ông" Ngân hàng Nhà nước (NHNH) thực hiện chính sách, chỉ tiêu kìm chế lạm phát...  để làm cái gì khi hàng triệu người lao động mất việc, an sinh xã hội không được bảo đảm?
Chúng ta đã công bố quyết tâm thì phải cố gắng mà làm. Những người dân luôn nhìn vào và tuân theo các quyết định của Nhà nước nên mong rằng Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện. Không được 100% thì phải được 60-70%. Nếu không làm được như thế thì kinh tế sẽ còn chìm lắng hơn nữa.

 Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành 
Vậy theo ông, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 có tín hiệu khởi sắc? 
 Cũng như các nhà quản lý nông nghiệp vừa rồi tháo nước cho người dân cày cấy, vậy thì NHNN cũng phải "tháo nước" cho doanh nghiệp đủ nước để cày cấy. Các lãnh đạo có hiểu được rằng, điều hành nền kinh tế cũng giống như việc có cung cấp đủ nước cho người dân cày cấy hay không hay tới mùa cày cấy rồi mà ruộng vẫn khô, vẫn không có nước thì không thể được. 
Cho nên chính sách của NHNN về vấn đề tiền tệ trong năm 2014 như thế nào để đảm bảo lãi suất thấp hơn 5% chứ không còn là dưới 10% nữa. Bởi vì cả khu vực hiện nay đang có mức lãi suất từ 0-3% chứ không còn là 4-5%. Năm nay là năm hội nhập, chúng ta sẽ ký TPP, rồi FTA... cho nên phải mở cửa ra để hội nhập với thế giới. 
Chúng ta phải mở cửa thành Thăng Long, nhưng rồi mở riết, mở riết "quân địch" sẽ nhảy vào để cạnh tranh. Khi đó chúng ta có đủ sức để cạnh tranh không? Hay chỉ là "cõng rắn cắn gà nhà"? Nên trách nhiệm của các nhà quản lý nhà nước là phải làm sao tạo ra được một con gà đủ mạnh để có thể đi đấu, đi đá với gà người ta. 
Cứ nhìn vào kết quả xuất khẩu của năm 2013 thì biết, thị phần của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa bằng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, hay là chưa bằng phân nửa thị phần của các doanh nghiệp FDI! Vì thế phải "nuôi" doanh nghiệp làm sao cho có đủ sức, đủ cơ để khi thả ra có thể đi tranh đấu với người ta, nếu không , chúng ta sẽ trở thành nền kinh tế bị lệ thuộc.
Theo ông, điểm mấu chốt để có thể vực dậy nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 là gì? 
Kinh tế phát triển là gì? Là doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp phát triển là gì? Là hội đủ tất cả các điều kiện để doanh nghiệp làm ăn tốt, trong đó có chính sách tiền tệ phải làm sao để họ tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp nhất có thể và những chính sách tài khóa như thế nào để giảm chi phí. 
Cái quan trọng nhất là phải làm giảm các chi phí, trong đó, chi phí tham nhũng tại Việt Nam là quá lớn. Các nước khác họ cạnh tranh với nhau chỉ 1-2% là người ta mất thị trường rồi, nhưng tại Việt Nam phải mất 5-10% chi phí quan hệ thì phải làm sao? Bất kỳ công trình nào tại Việt Nam nếu muốn có được hợp đồng thì phải tốn tới 5-10% chi phí bôi trơn. Trong trường hợp đó thì cái cánh của con đại bàng Việt Nam hay của con rồng Việt Nam bị trĩu nặng thì làm sao bay lên nổi. 
Đây là những vấn đề không mới nhưng cần phải đặt ra để năm nay chúng ta cố gắng giải thoát đất nước khỏi những tệ nạn, để phục hồi, để sớm có sức khỏe và để mở cửa thành ra mà vẫn có đủ sức để chống lại ngoại xâm, chứ nếu không là chúng ta chết hết. 
Tôi cho rằng, Thông điệp mà Thủ tướng đưa ra là tín hiệu rất tốt. Trong đó có những vấn đề như việc tăng xuất khẩu phải làm sao, đầu tư nước ngoài vào như thế nào? Nhân đây, tôi cũng xin nói rằng vấn đề đầu tư nước ngoài cần hết sức thận trọng. 
Chúng ta chỉ mở cửa để doanh nghiệp nước ngoài vào giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam phát triển, chứ không phải chúng ta mời họ vào rồi họ đá hết tất cả những doanh nghiệp Việt Nam ra ngoài là không xong. 
Đừng nên quá nghĩ đến vấn đề thành tích như kêu gọi được bao nhiêu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mà phải nhìn nhận là đầu tư nước ngoài vào giúp đỡ được những gì cho Việt Nam. Bây giờ đầu tư nước ngoài vào 10 tỉ USD mà có lợi cho đất nước chúng ta thì rất quý, nhưng bây giờ đầu tư nước ngoài vào 100 tỉ USD mà giết chúng ta thì không nên. 
Ngày mai, nước ngoài tràn vào đầu tư 300-400 tỉ USD thì chúng ta có nhận không? Nhận để làm cái gì? Nếu đầu tư nước ngoài vào và ôm công nghệ mới, không dạy lại gì cho chúng ta, ta không học được gì thì để làm gì? Ví dụ như Samsung năm rồi doanh thu hơn 23 tỉ USD có thể làm được gì cho mình? Chứ còn 23 tỉ USD xuất mà 21 tỉ USD là tạm nhập tái xuất thì chúng ta chẳng được lợi bao nhiêu so với tất cả những ưu đãi mà ta phải chấp nhận.
Duyên Duyên (theo Một Thế Giới )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét