Trang

15 tháng 2, 2014

“Từng tấc đất của Tổ quốc là máu xương bao thế hệ đi trước”


(Dân trí) - Trong cuộc chiến đấu ngày 17/2/1979, cả đại đội 3 chỉ còn 7 người sống sót. Dù tương quan lực lượng quá chênh lệch nhưng họ - những chiến sỹ công an vũ trang Việt Nam - đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
 >>  "Phải trả lại vị trí cho những anh hùng đã hy sinh"

Chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Nguyễn Công Thuận (SN 1951, quê huyện Anh Sơn, hiện sống tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) vào một ngày rét cắt da, cắt thịt. Trong cái lạnh thấu xương, ký ức về một cuộc chiến đấu nơi biên giới phía Bắc hơn 30 năm trước ùa về trong từng lời kể của người anh hùng.
Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Công Thuận
Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Công Thuận.
Khi tình hình biên giới Việt - Trung bắt đầu căng thẳng, đơn vị đại đội 3, tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 Công an nhân dân vũ trang (tức lực lượng bộ đội biên phòng ngày nay) do Nguyễn Công Thuận làm đại đội trưởng được lệnh về Lạng Sơn, đóng quân tại tuyến biên giới khu vực Đồng Đăng, từ cột mốc số 12 - 25 (Tân Thanh đến Bảo Lâm).
Dưới sự chỉ đạo của phía Trung Quốc, tình hình người Hoa tại khu vực biên giới rất căng thẳng. Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 8/1978, có khoảng 5.000 người Hoa tập trung tại Hữu Nghị quan (cửa khẩu Hữu Nghị), đoàn người kéo dài đến 200m, dựng lán trại để vượt biên sang Trung Quốc. Cùng với đó lính Trung Quốc luôn tìm cách gây hấn bằng đá, gậy gộc.
Đại đội 3 có nhiệm vụ vừa vận động người dân ở lại, vừa xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu nếu có tình huống chiến tranh xảy ra. “Ngày 25/8/1978, đoàn đại biểu phụ nữ tỉnh Lạng Sơn lên vận động, tuyên truyền người Hoa ở lại yên tâm làm ăn sinh sống. Một số cán bộ, chiến sỹ đại đội 3 được cử đi bảo vệ đoàn.
 
Đất của mình, chỗ đứng của mình, nhà của mình thì mình phải giữ lấy (Ảnh tư liệu)
"Đất của mình, chỗ đứng của mình, nhà của mình thì mình phải giữ lấy" (Ảnh tư liệu) 
Lính biên phòng Trung Quốc đã dùng gậy, đá tấn công đoàn cán bộ và lực lượng bảo vệ khiến đồng chí Lê Đình Chinh hi sinh và một số đồng chí khác bị thương. Lợi dụng sự hỗn loạn, hàng nghìn người Hoa đã vượt biên sang Trung Quốc” - ông Thuận nhớ lại.
Công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới khi có nguy cơ chiến tranh được đẩy lên cao. Tuy nhiên, với quan điểm không để xảy ra tiếng súng, lực lượng vũ trang Việt Nam được lệnh hết sức kiềm chế. “Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ cao điểm Pò Pùn (Tân Thanh) và cột mốc 16 - là điểm tranh chấp giữa 2 bên. Việc canh gác, bảo vệ được thực hiện hết sức nghiêm ngặt nhưng vẫn đảm bảo tránh xung đột. Tối ngày 16/2/1979, khi đi kiểm tra khu vực biên giới nghe mấy tiếng mìn nổ lên chát chúa vang lên, công tác sẵn sàng chiến đấu được đẩy lên cao, dự liệu một cuộc chiến tranh vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, Đại tá Thuận kể.
Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Công Thuận
Đại tá Thuận bên tấm bằng ghi nhận chiến công bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc trong cuộc chiến đấu ngày 17/2/1979.
Đúng như lời dự đoán, 4h sáng ngày 17/2/1979, một tiếng mìn nổ ngay sân đơn vị, tiếp đó hỏa lực địch các loại cấp tập tấn công khiến chỉ trong một thời gian ngắn toàn bộ doanh trại, kho tàng của đại đội 3 bị thiêu hủy.
7h30 phút sáng ngày 17/2/1979, địch tấn công doanh trại từ bản Cốc Nam xuống và từ bản Khơ Đa sang. Đơn vị được lệnh triển khai đội hình chiến đấu. Toàn bộ hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn của đại đội 3 bị phá hủy hoàn toàn sau đợt pháo của địch, một số anh em hi sinh, một số khác bị thương nặng. Lúc này, toàn bộ thông tin liên lạc với tuyến sau đều bị cắt đứt. Việc liên lạc với trung đội tăng cường lên bảo vệ Pò Pùn cũng không thực hiện được (sau này mới biết, 27/30 cán bộ, chiến sỹ tăng cường lên Pò Pún đã hi sinh trong cuộc tấn công của địch). Toàn bộ cán bộ, chiến sỹ đại đội 3 phải chiến đấu trong thế bị cô lập.
 
“Từng tấc đất của Tổ quốc là máu xương bao thế hệ đi trước”
Báo Nhân dân số ra ngày 20/3/1979
Ngay trong loạt đạn đầu tiên, đại đội trưởng Nguyễn Công Thuận đã dính đạn xuyên đùi. Băng bó sơ qua, Nguyễn Công Thuận lao vào chiến đấu. “Lên đến gần chốt thì đồng chí Hùng - phụ trách khẩu trung liên báo cáo phía trước có địch. Đồng chí Hùng dính đạn, hi sinh. Tôi phát hiện phía trước là 3 tên địch và một khẩu ĐK57 đang chuẩn bị tấn công về phía ta. Chẳng kịp suy nghĩ, vớ lấy khẩu trung liên, tôi nã một loạt đạn vào 3 tên địch, tiêu diệt tại chỗ 2 tên.
Có những lúc, khẩu cối 60 không kịp dựng chân đế, cứ kê trên đùi, nhắm về phía địch mà nã đạn. Chiến sỹ ta số bị thương, số hi sinh, lực lượng ít ỏi còn lại phải căng mình chiến đấu trước sự tấn công cả bằng xe tăng của địch. Đến 9h sáng ngày 17/2/1979, phía đường 4B xuất hiện 4 chiếc xe tăng hướng thẳng tới nơi đơn vị chúng tôi đóng quân. Tôi nhảy đến khẩu B40, nhắm thẳng chiếc xe tăng đang quay ngang và siết cò. Chiếc xe khựng lại, bốc cháy.
Cuộc chiến đấu không cân sức trong thế giằng co kéo dài đến 11h trưa. Lúc này đạn dược hết, anh em bị thương và hi sinh gần hết, chúng tôi buộc phải lùi về tuyến sau, ẩn mình dưới dòng suối hoặc tản vào các nhà dân. Các cao điểm bị địch khống chế, một lực lượng lớn địch tràn qua đơn vị tiến sâu hơn vào phía trong. Trên đường rút lui, vừa tải thương, vừa đưa tử sỹ ra, chúng tôi tiếp tục bị địch phục kích, truy bắt. Chiều ngày 18/2/1979, khi đến khu vực an toàn, cả đại đội chỉ còn vỏn vẹn 7 người trong tình trạng bị thương gần hết”, đôi mắt vị đại tá già chùng xuống, ngấn nước.
Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Công Thuận
"Từng tấc đất của Tố quốc là máu xương của bao thế hệ đi trước. Bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc là nhiệm vụ của những người lính như chúng tôi".
Sau thời gian điều trị vết thương, đơn vị ông Thuận được củng cố. Tháng 4/1979, toàn đơn vị được lệnh hành quân lên Bảo Lạc (Cao Bằng) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới Việt - Trung. Chiến tranh biên giới kết thúc, đơn vị của ông sáp nhập tham gia bảo vệ thủ đô.
Với thành tích chiến đấu trong trận chiến ngày 17/2/1979, tiêu diệt 30 tên địch và 1 chiếc xe tăng, tháng 12/1979, thiếu úy Nguyễn Công Thuận được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, phong vượt cấp lên thượng úy.
Nói về trận chiến đấu ngày 17/2/1979, vị đại tá già nắm chặt tay: “Từng tấc đất của Tổ quốc là máu xương, là nước mắt của bao thế hệ đi trước. Là đất của mình, chỗ đứng của mình, nhà của mình thì nhiệm vụ của những người lính như chúng tôi là phải giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc”.
Hoàng Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét