Trang

22 tháng 9, 2013

Quốc hội không giao, Chính phủ vẫn làm


In
Nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật cần thì không có, nhưng một số điều khoản Quốc hội không giao quy định chi tiết nhưng Chính phủ vẫn ban hành. 

Đây là thực tế được Ủy ban Pháp luật chỉ ra tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến hết tháng 7/2013.

Cơ quan thẩm tra cho biết, so với tổng số văn bản cần quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thì tính đến thời điểm này, mới có 76/228 văn bản (chiếm 33,3%) được ban hành. Trong khi quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. 

Ủy ban Pháp luật lưu ý, trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì có đến 46 văn bản quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính và 10 văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi), là hai luật có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. 
 
Thế nhưng, có luật, pháp lệnh của Quốc hội không giao quy định chi tiết nhưng Chính phủ vẫn ban hành văn bản quy định chi tiết các điều khoản không được giao trong luật. 

Ví dụ cụ thể là điều 4 nghị định về thu nhập miễn thuế, điều 6 nghị định về thu nhập tính thuế... liên quan đến nội dung của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân...

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ  rà soát tất cả các nội dung tương tự và báo cáo rõ hơn về vấn đề này cũng như nguyên nhân, hướng khắc phục.

Dẫn con số trên 67% văn bản cần mà chưa có, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/9 đề nghị cần phải rõ hơn về địa chỉ trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, ai cũng hiểu là khi luật đã ra đời thì phải hướng dẫn chi tiết, nên việc chậm trễ trên thuộc về ý thức trách nhiệm và năng lực. Ông Hiển đề nghị Ủy ban Pháp luật phải liệt kê ra tất cả các điều, khoản chưa có hướng dẫn để Quốc hội định ra thời gian phải hoàn thành.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng hết sức sốt ruột bởi bản thân luật đã có sự lạc hậu tương đối, thực tế có luật chưa đến ngày có hiệu lực đã phải sửa đổi bổ sung rồi, nên các văn bản hướng dẫn “phải gay gắt ngay từ đầu, càng gay gắt bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu vì cùng mục tiêu phục vụ là nhân dân”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải nhận một phần trách nhiệm trong việc chưa quan tâm thỏa đáng đến thẩm quyền giải thích pháp luật của mình.

Trách nhiệm của bộ trưởng đối với vấn đề này rất rõ, nhưng thực tế ta chưa xử lý cá nhân nào, bộ ngành nào chưa triển khai nghiêm túc việc thực hiện chủ trương tuân thủ pháp luật này,  Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét