Trang

22 tháng 9, 2013

Nghị quyết...không làm

“Chúng ta ra hết nghị quyết không ba, không năm, không bảy, nhưng tôi sợ nhất là nghị quyết…không làm”- Nguyễn Bá Thanh.
Xã hội hiện nay, ranh giới phân biệt những việc bình thường và bất thường có vẻ không còn xác định. Điều bất thường đã trở nên bình thường, để rồi cứ ngang nhiên tồn tại “bình thường” một cách bất thường.
Nên không ngạc nhiên với bình luận mới đây của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mà báo Lao Động dẫn lời, đó là “Việt Nam có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là Luật phổ biến giáo dục pháp luật.
Có nghĩa, luật ban hành ra rồi mà vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng… chưa làm”.
Bất thường, khi dân thì nghèo, nhưng trụ sở nhiều tỉnh, thành, theo phản ánh của đại biểu Quốc hội lại mênh mông, lộng lẫy “như cung điện”. Sân vận động huyện xây hàng chục triệu đô la đẳng cấp quốc tế. Trường lớp xuống cấp, không đủ chỗ ngồi, thiếu phòng thực hành cho học sinh, nhưng cái nhà vệ sinh con con xây mới phía sau trường lại ngốn hơn nửa tỷ đồng. Bao nhiêu dự án tiền tỷ phơi mưa phơi nắng. Bao nhiêu cán bộ lương bổng tầm tầm, mà vẫn biệt thự, xe hơi, con cái du học…
Nhưng nó nghiễm nhiên trở nên “bình thường” khi hầu như không “bị” nêu ra địa chỉ, tên tuổi cụ thể trong các báo cáo liên quan đến tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí, quản lý sử dụng vốn ngân sách. Thậm chí khi được báo chí chỉ đích danh, cũng không mấy ai bị xử lý trách nhiệm. Coi như cái sân vận động hoang vắng trị giá hàng chục triệu đô la kia cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”! Có điều sự “bình thường” ấy luôn bất thường một cách dai dẳng trong mắt người dân.
Người dân không hề “chán” trong việc tố cáo tham nhũng, mà thất vọng vì đấu tranh mãi, tố cáo đưa lên mặt báo mãi nhưng thấy không có tác dụng gì, như nhận xét đầy trăn trở của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Bất thường, khi lũ dữ bây giờ không còn là “chuyện của trời” nữa, mà do các “ông” thủy điện điều khiển. Hạn hán thì giữ rịt từng giọt nước của dân, mưa to nước lên sợ vỡ đập mất tiền liền ào ạt xả lũ khiến dân chới với, mất mạng, trôi nhà. Dân kêu ca, oán thán mãi cũng “chán”, nên còn biết làm gì khác ngoài việc phải ráng chấp nhận khổ nạn ấy, coi như chuyện “bình thường”. Nhưng thử hỏi có quốc gia nào mà doanh nghiệp được phép làm chuyện “bình thường” như vậy không?
Bất thường, khi xe cộ, thiết bị phòng cháy chữa cháy luôn được khẳng định là đầy đủ và sẵn sàng ứng phó, nhưng mỗi lần “bà hỏa” viếng chợ, kết cục người dân nhận về hầu như chỉ là tro tàn. Từ vụ cháy chợ Đồng Xuân hàng chục năm trước, đến liên tiếp gần đây là chợ Lớn Quy Nhơn, chợ trung tâm Quảng Ngãi, và ba hôm trước là Trung tâm thương mại Hải Dương… Diễn tiến quen thuộc sau mỗi vụ cháy là những cuộc đôi co xem các bên ai đúng, ai sai, rồi rơi tõm vào im lặng. Để không lâu sau lại bùng lên vụ hỏa hoạn khủng khiếp khác, hoàn toàn là phiên bản của những vụ trước, dù “sợi dây kinh nghiệm” ai cũng hô hào là đã “rút” một cách nghiêm túc !
Từ “luật không làm” theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Kim Ngân ở trên, liên tưởng đến ông Nguyễn Bá Thanh với câu nói nổi tiếng trước đó: “Chúng ta ra hết nghị quyết không ba, không năm, không bảy, nhưng tôi sợ nhất là nghị quyết…không làm”!
Theo Trí Quân  Tiền Phong
- Kết luận: Chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Hu hu hu!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét