Tiến sỹ Stephen Blank, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, ngày 19/9 đã có bài viết trên trang The Diplomat về quan hệ Nga-Việt trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
BBC xin được giới thiệu với quý độc giả một số chi tiết chính trong bài viết.
Mở đầu bài viết, tiến sỹ Stephen Blank cho rằng những diễn biến trong quan hệ Nga-Việt gần đây là yếu tố quan trọng để nắm bắt xu hướng về an ninh quốc phòng và đối ngoại tại khu vực Châu Á.
"Những chính sách của Nga tại Đông Nam Á thường không để lại ấn tượng gì nhiều," ông viết.
"Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ những diễn biến mới nhất trong quan hệ Nga-Việt sẽ không thể nắm bắt được những yếu tố chính trong cách mà hai tác nhân quan trọng ở khu vực Châu Á đang phản ứng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như xu hướng về vấn đề an ninh tại Châu Á".
Thắt chặt trên mọi mặt
Theo ông, mặc dù quan hệ Nga-Trung đang "ngày càng thắt chặt", ít ra là từ góc nhìn của Hoa Kỳ, nhưng "Nga thực chất đang công khai chống lại sự bành trướng của Trung Quốc và đang thiết lập một quan hệ quân sự-chính trị sâu sắc hơn với Vệt nam."
Cây bút này lấy dẫn chứng từ tuyên bố muốn thiết lập căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh của Nga hồi năm 2012, cũng như những dự án hợp tác Nga-Việt về khám phá, khai thác dầu mỏ, điều mà ông gọi là "những biện pháp có thể nhằm kiềm chế Trung Quốc".
"Bắc Kinh đã liên tục yêu cầu Moscow chấm dứt khai phá năng lượng tại biển Nam Trung Hoa" ... "Mặc dù tỏ ra im lặng, có lẽ để tránh gây sự thù địch với Trung Quốc, Moscow vẫn giữ nguyên chiến lược của mình," ông viết.
"Rõ ràng là mối quan hệ này, với đỉnh điểm là các hiệp ước mới cũng như các hợp đồng mua bán vũ khí, thực chất là để kiềm chế ý đồ và hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông"
Stephen Blank, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ
"Kể từ đó, nước này đã tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam, trong đó bao gồm các dự án thăm dò năng lượng ở Biển Nam Trung Hoa ... các hợp đồng bán vũ khí cũng như hợp tác quốc phòng."
Theo Stephen Blank, "quan hệ của Nga với Việt Nam đang ngày càng phồn thịnh", biểu hiện qua việc Hà Nội gần đây đã trở thành một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga, chủ yếu là các mặt hàng tàu ngầm và chiến cơ tiêu biểu như 12 chiếc Su-30MK2 hay sáu chiếc tàu ngâm lớp Varshavyanka.
"Rõ ràng điều này nhằm mục đích đối phó với sự đe dọa từ Trung Quốc," ông viết.
Bên cạnh đó, tác giả cũng nhắc đến những tiến triển đáng kể về hợp tác thương mại và các lĩnh vực khác giữa hai nước:
"Nga và Việt Nam đã trở thành "đối tác chiến lược" năm 2001, và mối quan hệ này đã được nâng cấp thành "đối tác chiến lược toàn diện" vào năm 2012."
"Hợp tác thương mại và trao đổi văn hóa, nghiên cứu khóa học song phương đang ngày càng phát triển, với Nga giờ đây xếp thứ 18 trong số 101 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ..."
"Nga cũng đang giúp Việt Nam xây dựng nhà máy hạt nhân".
'Nhằm vào Trung Quốc'
Khía cạnh nổi bật của tất cả những hợp đồng mua bán vũ khí và những cuộc đối thoại cấp cao, theo Stephen Blank, là việc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông qua dự thảo hiệp ước hợp tác quân sự, vốn chính thức công nhận hợp tác quốc phòng giữa chính phủ hai nước.
"Hiệp ước này quy định việc trao đổi thông tin, xây dựng lòng tin, hợp tác tăng cường an ninh quốc tế và đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn trong việc chống khủng bố và kiểm soát vũ khí," tác giả nhận định.
Tuy nhiên, Stephen Blank cho rằng mối quan hệ song phương Nga-Việt thực chất là để đối phó với Trung Quốc, bất chấp việc hai bên tuyên bố điều này "không hề nhằm vào một nước thứ ba".
"Rõ ràng là mối quan hệ này, với đỉnh điểm là các hiệp ước mới cũng như các hợp đồng mua bán vũ khí, thực chất là để kiềm chế ý đồ và hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông," ông viết.
"Điều đáng chú ý là hầu hết những tuyên bố này đều đến từ phía Việt Nam, nước rõ ràng có đầy đủ mọi lý do để chứng tỏ với Trung Quốc rằng mình có khả năng tìm kiếm sự ủng hộ về quân sự cũng như lập trường chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc."
Theo tác giả, việc Moscow đang tăng dần sự hỗ trợ về cả quân sự, kinh tế và chính trị cho Việt Nam là một phần của chiến lược "chuyển hướng" về Châu Á, với mục đích sử dụng ảnh hưởng về "kinh tế, quân sự và chính trị của Moscow để thiết lập một thế lực độc lập, mạnh mẽ, đứng riêng tại Châu Á".
Nga, Trung đối đầu
Mối quan hệ Nga-Trung ở thời điểm hiện tại, theo Stephan Blank, chỉ là "vẻ bề ngoài".
Điều này biểu hiện qua việc hồi năm 2012, truyền thông Trung Quốc đã cáo buộc quan hệ hợp tác quân sự cũng như năng lượng Nga-Việt đang giúp cho Việt Nam mở rộng hoạt động khám phá dầu mỏ tại những khu vực tranh chấp, theo tác giả.
Trung Quốc cũng đã công khai cáo buộc Nga là đang "tìm cách quay trở lại Cam Ranh".
Trong bài viết của mình, Stephen Blank dẫn lời cây bút Jeffrey Mankoff cho rằng "ở những nơi quan trọng trên thế giới đối với Nga và Trung Quốc, hai nước này là kình địch nhiều hơn là đồng minh" và rằng bất chấp những hoạt động hợp tác quân đội giữa hai nước, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng "làm Nga lo ngại không kém gì Hoa Kỳ."
Hồi tháng Bảy, Jeffrey Mankoff cho rằng một trong những bằng chứng của sự đối đầu này là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử quân đội Nga hồi năm 2010, với kịch bản giả định nhằm bảo vệ vùng Viễn Đông nước Nga trước sự xâm lược của kẻ thù không được nêu đích danh, nhưng có đặc điểm giống Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
"Nếu đây là đúng, thì quan hệ Nga-Trung có lẽ không nguy hiểm như Hoa Kỳ và một số nước khác đã lo sợ," Stephen Blank nhận xét.
"Dù chính phủ hai nước này rõ ràng sẽ cấu kết để ngăn chặn nhiều bước đi của Mỹ trên quốc tế ... ..."
"Điều này sẽ làm chủ đề an ninh tại Châu Á, vốn đã rối rắm, nay sẽ còn thêm phức tạp."
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét