Báo Mỹ và Anh nói các nhà đầu tư đang chờ sự phục hồi ở Việt Nam để trở lại đầu tư.
Tờ Sunday Times ở London hôm Chủ Nhật và hãng tin AP của Hoa Kỳ hôm thứ Hai đều có bài bàn về khả năng kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trở lại.
Tuần này đặc sứ thương mại của thủ tướng Anh, ông David Puttnam, sẽ dẫn đầu phái đoàn các doanh gia tới thăm Việt Nam.
Báo Sunday Times nói nhiều lãnh đạo công ty và tập đoàn ở Anh cho rằng Việt Nam đi sau Thái Lan chừng 20 năm cho dù có dân số 90 triệu trong đó 17 triệu ở độ tuổi từ 10-19.
Một chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered nhận định cứ mỗi năm Việt Nam lại có 1,7 triệu người tiêu dùng mới trong 10 năm tới đây.
Nợ xấu
Trong khi đó hãng tin AP nói các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang nằm chờ giữa lúc nợ xấu vẫn còn chồng chất trong hệ thống ngân hàng.
AP dẫn lời ông Neil Hagan, chuyên gia thu hồi nợ của Hoa Kỳ, nói một số công ty mua nợ có tiếng như Lone Star và Fortress đang muốn vào Việt Nam nhưng chính phủ ở Hà Nội cần có những thay đổi luật để tạo điều kiện cho những công ty mua nợ tiềm năng này hoạt động dễ dàng.
Fitch Ratings đánh giá nợ xấu trong ngành ngân hàng có thể lên tới xấp xỉ 20% so với con số chính thức chừng 5%.
AP nói các công ty mua nợ xấu hy vọng sẽ kiếm lời từ việc bán các tài sản thế chấp hay bỏ tiền đầu tư vào các tài sản này nhằm có doanh thu về sau.
Nhưng AP nhận định việc thu hồi nhà cửa hay tài sản từ hàng ngàn cá nhân và công ty là quyết định khó khăn đối với chính quyền ở Hà Nội.
Họ không cho phép người dân có quyền chính trị trong khi tính chính danh của chế độ phụ thuộc vào khả năng đảm bảo mức sống ngày càng tăng cho người dân.
Lừa đảo và tham nhũng
"Các nhà đầu tư thích sự trở về đúng giá trị thực. Thị trường đã tăng 35% kể từ cuối năm 2011. Việt Nam đã vượt qua khó khăn và thị trường vẫn còn rẻ."
Bill Stoops từ Dragon Capital
Các nhà đầu tư cũng được AP dẫn lời nói xử lý nợ xấu ở Việt Nam sẽ khó khăn do tình trạng lừa đảo và tham nhũng trong ngành ngân hàng.
Ngoài ra nhà xưởng, máy móc và tàu bè sẽ mất giá trị khi để không lâu ngày.
Chuyên gia thu hồi nợ Hagan cũng dẫn ra một trường hợp trong đó có một lô thép được dùng làm khoản thế chấp cho năm khoản vay và nói:
"Tôi không biết là họ có di chuyển chuyển đống thép đó đi cho mỗi lần thế chấp mới không, nhưng đó đúng là cùng một lô thép.
"Giám đốc chi nhánh ngân hàng đó chắc phải là một gã ngốc. Năm người liền đều cùng cầm cố một đống thép mà có lẽ không có thực."
Cao thủ chờ đợi
Trong khi đó bài viết trên tờ Sunday Times của Anh có vẻ lạc quan hơn.
Họ dẫn lời ông Bill Stoops, trưởng bộ phận đầu tư của Dragon Capital, quỹ đầu tư hàng tỷ đô la do một người Anh lập ra, nói:
"Các nhà đầu tư thích sự trở về đúng giá trị thực. Thị trường đã tăng 35% kể từ cuối năm 2011. Việt Nam đã vượt qua khó khăn và thị trường vẫn còn rẻ."
Sunday Times cũng nói xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đã tăng bốn lần kể từ năm 2007 cho dù nước này vẫn đứng sau Đức, Pháp và Ý.
Trong những tháng gần đây chuỗi cửa hàng thời trang Topshop và một trong những công ty luật hàng đầu ở Anh, Allen&Overy đã tới Việt Nam.
Trong khi đó nhiều công ty của Anh đã bám rễ chắc chắn ở Việt Nam như Prudential, HSBC, Standard Chartered, Unilever và Jardine Lloyd Thompson.
Người sáng lập Dragon Capital được dẫn lời nói: "Điều mà tôi không nghi ngờ gì là hướng mà đất nước này đang đi. Về thời điểm thì còn có rất nhiều điều không chắc chắn. Nhưng người Việt Nam trong quá khứ đã chứng tỏ họ là cao thủ về khoản chờ đợi và không bao giờ chấp nhận thất bai."
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét