Công tác quản lý mua sắm, nhập khẩu thiết bị y tế ở nước ta hết sức lỏng lẻo. Nhiều thiết bị không đảm bảo nhưng vẫn được sử dụng.
- Khấu trừ VAT với thiết bị y tế: Ai đảm bảo giá dịch vụ sẽ giảm?
- Thiết bị y tế không rõ nguồn gốc "ngang nhiên" vào bệnh viện
- "Thiết bị y tế nhập từ ngân sách luôn đắt hơn nguồn xã hội hóa"
- Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc công ty kinh doanh thiết bị y tế
- Bắt “trùm” chuyên buôn bán thiết bị y tế quá đát
Trao đổi với chúng tôi về công tác kiểm định trang thiết bị y tế, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều cho rằng đang có những kẽ hở cần nhanh chóng khắc phục. Bởi điều này liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người.
Bà Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội:
Cần thanh tra tổng thể trang thiết bị y tế
Trong nhiều năm qua công tác quản lý mua sắm, nhập khẩu thiết bị y tế ở nước ta hết sức lỏng lẻo. Nhiều thiết bị không đảm bảo nhưng vẫn được sử dụng. Chưa kể có nhiều máy móc “ruột Tàu, nhưng lại gắn mác Tây”; hết hạn sử dụng nhưng lại được tân trang, chỉnh sửa làm mới.
Do đó, đã là thiết bị y tế thì đòi hỏi phải đạt chuẩn, phải được kiểm định rõ ràng của các cơ quan nhà nước. Có đủ điều kiện đạt chuẩn và được cấp phép thì mới được đưa vào hoạt động phục vụ việc khám chữa bệnh.
Ngoài ra cần có các quy định chặt chẽ về việc nhập khẩu trang thiết bị y tế. Khi nhập về thì phải xem xuất xứ, nguồn gốc có rõ ràng hay không. Sau đó nhập rồi thì phải tiến hành kiểm định xem nó có đúng, có đạt chuẩn hay không. Nếu không đạt chuẩn thì phải loại bỏ. Chúng ta cứ để mập mờ như hiện nay là rất nguy hại đến tính mạng, cũng như sức khỏe của người dân.
Tôi đề nghị Bộ Y tế cần tiến hành kiểm tra tổng thể các trang thiết bị y tế ở các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh hiện nay để xem thực trạng thế nào. Đối với những thiết bị không đảm bảo, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cần phải thay thế và loại bỏ.
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng:
Không loại trừ chuyện lợi ích
Đã đến lúc cần phải có những quy định quản lý chặt chẽ về trang thiết bị y tế. Ngoài việc bắt buộc phải kiểm định thì cũng cần phải xây dựng một cơ chế giám sát chặt chẽ của các tổ chức, xã hội và cộng đồng đối với hệ thống trang thiết bị y tế của bệnh viện. Vì nếu chỉ một mình Bộ Y tế giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng của thiết bị thôi là chưa đủ, chưa bảo đảm khách quan.
Còn nếu giao cho các bệnh viện kiểm tra chéo với nhau thì cũng chẳng thể bảo đảm được sự độc lập vì tâm lý “trong nhà đóng cửa bảo nhau”. Do đó, cần phải có những quy định cho phép các tổ chức, xã hội được quyền giám sát độc lập trang thiết bị y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài ra để hạn chế tình trạng các bệnh viện thiếu tin tưởng vào kết quả của nhau, bắt người dân phải xét nghiệm đi, xét nghiệm lại, tốn rất nhiều tiền, thì cần xây dựng trung tâm xét nghiệm chung. Khi đó, các bệnh viện có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau để tạo thuận lợi và tiện ích cho bệnh nhân.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH:
Khó kiểm định tất cả thiết bị y tế nhập khẩu
Theo ông Tiên, có những thiết bị không cần thiết phải kiểm định khi nhập khẩu như dao, kéo…; chỉ những thiết bị, máy móc quan trọng thuộc nhóm A liên quan trực tiếp sức khỏe, tính mạng con người như: máy chụp chiếu, cộng hưởng từ, X-quang… mới bắt buộc phải kiểm định khi nhập khẩu. “Những máy móc đó rất quan trọng, có thể gây thiệt mạng con người nên đòi hỏi phải kiểm định chặt chẽ, rõ ràng. Nếu không kiểm định, dẫn đến nhập khẩu thiết bị không rõ ràng, chất lượng không tốt sẽ gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân”, ông Tiên nói.
Về ý kiến cho rằng, do nghi ngờ chất lượng thiết bị y tế nên các bệnh viện thường không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau, làm người dân tốn nhiều tiền để xét nghiệm lại, ông Tiên nói rằng, điều đó là có. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nguyên nhân, còn thực tế nhiều khi bệnh hôm nay có thể thế này, mai có thể khác đi. Do đó, có chụp chiếu lại thì mới có thể biết được diễn biến của bệnh, ông nói.
Để khắc phục những bất cập trên, ông Tiên cho hay, Bộ Y tế đang dự thảo nghị định về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó dự kiến đề cập các quy định về kiểm định trang thiết bị y tế khi nhập khẩu. Sau khi Bộ Y tế trình và Chính phủ đồng ý, sẽ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. “Sau khi Chính phủ trình sang, Ủy ban Các vấn đề xã hội sẽ thảo luận, thẩm tra và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một vấn đề lớn nên sẽ phải thảo luận kỹ lưỡng”, ông Tiên nói.
Trước đó, Bộ KH&CN thanh tra, phát hiện nhiều thiết bị y tế quan trọng như: máy đo điện tim, máy đo điện não, nhiệt kế, huyết áp kế có nhiều sai số vượt mức cho phép. Những thiết bị này không đủ điều kiện về đo lường, nhưng vẫn được sử dụng để khám chữa bệnh.
Điều này cho thấy việc kiểm soát chất lượng đầu vào một số sản phẩm y tế của cơ quan chủ quản y tế chưa chặt chẽ, dẫn đến việc phân phối, trang bị cho các đơn vị y tế trực thuộc chưa được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng.
Theo Văn Kiên
Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét