Trang

20 tháng 12, 2014

Nga sẽ đánh tới cùng trong cuộc chiến giá dầu với OPEC?

Đăng Bởi  - 

cuoc chien gia dau

Nếu như các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu Mỹ đang sử dụng lá bài mạnh nhất là tập đoàn bảo hiểm để hỗ trợ trong cuộc chiến giá dầuvới OPEC, Nga cũng có những "vũ khí" của riêng mình.

Thế giới những ngày nửa sau tháng 12, tháng cuối cùng trong năm, vẫn chứng kiến một cuộc đọ sức giữa 3 đối thủ lì lợm trong cuộc chiến giá dầu, nhắm vào thị phần dầu mỏ trên thị trường thế giới: "kẻ chủ xướng" OPEC với 2 địch thủ Mỹ và Nga. 
Giới phân tích thế giới đã không khỏi choáng váng trước cú sốc tăng lãi suất được đánh giá là không thể tưởng tượng của ngân hàng trung ương Nga, khi tăng lãi suất lên 17% từ mức 10,5%. 
Các chuyên gia đã tính toán chính phủ Nga sẽ sử dụng đến các liệu pháp thắt chặt tài chính để kiểm soát đà mất giá của đồng Rup, nhưng không ai nghĩ Nga lại làm quyết liệt đến mức không ai ngờ đến như thế. Việc tăng lãi suất lên một mức cao khó tưởng tượng một cách chóng vánh như thế có thể gây ra những hệ lụy không nhỏ cho kinh tế Nga.
Thực vậy, việc tăng lãi suất lên mức 17% có thể đe dọa đẩy kinh tế vào một cuộc suy thoái tốc độ tăng trưởng khá lớn, các doanh nghiệp sẽ khó vay tiền để mở rộng sản xuất hay thậm chí là phải giảm khả năng sản xuất, người dân Nga cũng sẽ phải chi tiêu thắt lưng buộc bụng hơn. 
Trong bối cảnh kinh tế Nga được dự đoán có mức tăng trưởng 0% trong năm 2015, việc đẩy lãi suất lên cao như thế nhiều khả năng sẽ kéo chỉ số tăng trưởng của Nga xuống thấp hơn mức được dự đoán khá nhiều.
Không một ai nghi ngờ về hậu quả khôn lường cho kinh tế Nga khi tăng lãi suất lên cao đột ngột như vậy, nhưng nó lại là một giải pháp không tồi nếu xét trên toàn cảnh tình hình đang diễn ra. Nga đang phải đối mặt với 2 vấn đề chủ đạo: việc dầu giảm giá đang đẩy ngân sách suy giảm và khiến đồng Rup mất giá nghiêm trọng, bên cạnh đó là sự cạnh tranh với OPEC về thị phần dầu trên thị trường thế giới. 
Nếu Nga giảm sản lượng dầu để nâng giá dầu cao trở lại đồng thời nâng giá đồng Rup thì họ sẽ đánh mất một phần thị trường vào tay OPEC. Điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng ngân sách của Nga vốn phân nửa đến từ xuất khẩu dầu trong những năm tới.
Còn nếu Nga vẫn giữ nguyên sản lượng để cạnh tranh thị phàn, họ phải chấp nhận nhìn đồng Rup tiếp tục trượt giá. Chính phủ của tổng thống Putin đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. OPEC cũng như Mỹ đang chờ đợi chú gấu Nga sẽ khuỵu gối trước, vì Nga đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn về kinh tế nhất trong số 3 đối thủ. 
Nhiều chuyên gia cho rằng không sớm thì muộn, Nga sẽ phải chấp nhận giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu để nâng giá đồng Rup, thông qua sự cải thiện của giá dầu.
Trong bối cảnh đó, việc Nga tung ra biện pháp nâng lãi suất được xem là giải pháp tối ưu ở thời điểm hiện tại. Với giải pháp này, Nga có thể không những chặn được đà trượt giá của đồng Rup mà còn đưa nó lên cao trở lại. Đồng Rup hiện đã tăng khoảng 35% so với USD kể từ khi ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất lên 17%. 
Về lâu dài, không ai phủ nhận việc kinh tế Nga sẽ đối mặt với hậu quả từ việc làm này, nhưng nó đang cho thấy Nga đang sẵn sàng hơn bao giờ hết cho một cuộc đọ sức lâu dài với OPEC và Mỹ trong cuộc chiến giá dầu
Thậm chí đây được xem là một thông điệp nặng ký hơn cả tuyên bố sẽ chỉ bàn bạc về giá dầu ở kỳ họp vào giữa năm 2015 của OPEC, vì với hành động này Nga đang chứng tỏ sẵn sàng duy trì biện pháp này trong suốt năm 2015, trong khi việc OPEC liệu có duy trì tình trạng giá dầu dưới 60 USD/thùng như hiện nay trong suốt năm tới hay không vẫn đang bị đặt dấu hỏi.
Nga đang tự tin với giải pháp này đến mức thúc đẩy thực hiện với một cường độ cao chưa từng thấy. Thống đốc ngân hàng trung ương Nga là bà Elvira Nabiullina đang chứng tỏ những khả năng ghê gớm của mình. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở Nga trong tháng này đã tăng gấp đôi lên 27%, cao nhất trong 8 năm. Một ngân hàng khác đã nâng mức lãi suất lên 38,3% để thu về toàn bộ số tiền gửi kỳ hạn 10 ngày trị giá 150 tỉ Rup tương đương 2,5 tỉ USD.
Đây được xem là quyết tâm chơi đến cùng của tổng thống Putin, khi mà cả Mỹ lẫn OPEC khó có thể duy trì mức giới hạn chịu đựng về kinh tế lâu dài như cách Nga đang làm. 
Đáng nói là Nga không nhất thiết phải duy trì tình trạng này lâu, chỉ cần OPEC hoặc Mỹ lùi bước khiến giá dầu tăng trở lại và đồng Rup được hỗ trợ mà không cần kiểm soát lãi suất thì một phần lớn các chính sách thắt chặt tiền tệ này sẽ được tạm dừng.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét