Trang

14 tháng 12, 2014

Kêu gọi vốn xã hội vào xây dựng Cảng hàng không Long Thành?

Sẽ kêu gọi vốn xã hội vào xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thông tin này được đề cập tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” được Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 12/12/2014.

Đây là Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng và hấp dẫn nguồn vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, tính đến nay ngành giao thông đã huy động khoảng 160 nghìn tỷ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Dự kiến năm 2014, ngành GTVT sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 nghìn tỷ đồng. Số vốn này chủ yếu được huy động trong khoảng ba năm trở lại đây.

Từ năm 2012 về trước, chỉ có vỏn vẹn 22 dự án, với tổng mức đầu tư khiêm tốn khoảng 49.605 tỷ đồng. Nhưng riêng năm 2013 ngành GTVT đã huy động được 24 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 68.563 tỷ đồng. Năm 2014, số vốn thu hút cũng được 42.572 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015, con số sẽ còn cao hơn, ở mức khoảng 45.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, dự kiến sẽ có một nguồn vốn lớn, lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. 

Nguồn vốn này không chỉ tập trung vào đường bộ, ngành GTVT sẽ tập trung kêu gọi vốn xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực khác như tuyến đường sắt Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cảng biển, dự án đường thủy nội địa...

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, để có thể đạt được các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng đã đề ra, yêu cầu nhu cầu nguồn vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 là rất lớn. 

“Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam xác định việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết”.
Trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp lý liên quan về chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cũng như các quy định trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức đầu tư khác nhau  nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đã được ban hành, đặc biệt là theo mô hình BOT và hợp tác công - tư (PPP).

Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực GTVT, tham gia vào quá trình chuyển nhượng quyền khai thác và thuê lại các công trình kết cấu hạ tầng đã hoàn thành.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kỳ vọng, việc hợp nhất Nghị định 108/2009/NĐCP và Quyết định số 71/2010/QĐTTG và bổ sung các quy định mới, Chính phủ Việt Nam dự kiến ban hành một nghị định PPP mới về lĩnh vực này trong tháng 12/2014 hoặc đầu tháng 1/2015 sẽ là một hành lang pháp lý mới tạo cơ sở để Việt Nam tiếp tục hợp tác trong các dự án cụ thể thời gian tới.


Khánh Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét