Dự án sân bay Long Thành: 3 luồng ý kiến cần được xem xét thấu đáo
Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải dịp lễ, tết. Ảnh: Trần Phan
Ngày 12.12.2014 Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
PV Báo Lao Động trao đổi với tiến sĩ Trần Đình Bá - hội viên Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - có ý kiến phát biểu tại diễn đàn, ông cho biết:
- Uỷ ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội (QH) được giao chủ trì , phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các UB của QH tiến hành thẩm tra báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (SBLT). Để tiếp tục làm rõ một số nội dung của dự án và chuẩn bị ý kiến cho Uỷ ban Kinh tế (UBKT) báo cáo QH tại kỳ họp thứ 9, UBKT đã khảo sát thực địa và làm việc với các đơn vị liên quan trực tiếp hay có tác động tới dự án và tổ chức buổi tọa đàm, lắng nghe ý kiến phản biện.
Mặc dù chỉ có một buổi sáng, nhưng rất nhiều chuyên gia tới dự và đều được phát biểu quan điểm. Tôi được mời dự họp với tư cách chuyên gia và thấy đây là một cuộc họp rất ý nghĩa và bổ ích. Cuộc họp đã thành công vì đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm.
Thưa ông, các chuyên gia có đưa ra những hiến kế gì mới để khởi động dự án SBLT?
- Không khí cuộc họp “rất nóng” ngay từ đầu, với 3 luồng ý kiến khác nhau:
Luồng ý kiến thứ nhất quyết liệt ủng hộ dự án SBLT để VN được cất cánh hội nhập và cạnh tranh với thế giới, đưa hàng không phát triển. Lý do dự án SBLT đã được nghiên cứu rất kỹ từ những năm 1980 và cam kết những số liệu đưa ra trong dự án là phù hợp với thực tế. Đồng thời nêu ra những bất cập của sân bay Tân Sơn Nhất (SBTSN) hiện nay là quá tải nghiêm trọng, không thể mở rộng và kiến nghị QH nên có quy trình nhanh nhất để thông qua dự án này càng sớm càng tốt.
Luồng ý kiến thứ hai là kiến nghị xây thêm nhà ga hàng không, mở rộng thêm sân đỗ cho SBTSN để nâng cao năng lực vận tải. Bên cạnh đó chuyển đổi chức năng cho sân bay Biên Hòa trở thành sân bay quốc tế và quân sự nhằm giảm tải cho SBTSN mà không phải xây thêm sân bay mới tốn kém ngân sách và đầu tư công.
Luồng ý kiến thứ 3 không đồng tình với việc xây dựng SBLT vì dự án nêu ra chưa thực tế, các số liệu thiếu thuyết phục. Nhiều ý kiến phân tích số sân bay quốc tế ở VN cao gấp 3 lần Thái Lan và nhiều nước, đang gây lãng phí lớn. Có chuyên gia cho rằng Long Thành chỉ cách Tân Sơn Nhất 33km, bố trí hai sân bay quốc tế lớn gần như thế là không hợp lý, chẳng lẽ sau khi xây xong SBLT thì phá bỏ SBTSN. Có chuyên gia quy hoạch kiến trúc cho rằng xây một khu đô thị đã là một vấn đề dài hạn, nếu cứ đặt sân bay giữa đồng trống thì không khai thác được.
Nó tạo sức ép phát triển đô thị sân bay, giao thông kết nối,… liệu mình có kham nổi không? nếu chọn phương án làm SBLT, nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 1 không phải là 8 tỉ USD mà có thể lên tới trên 40 tỉ USD. Có chuyên gia băn khoăn trong hoàn cảnh hiện nay thì cần phải tính cái gì quan trọng, có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ thì đầu tư trước, cụ thể là phải xếp hạng thứ tự quan trọng từ cao đến thấp để quyết định đầu tư có trọng điểm và cần rút kinh nghiệm khi đầu tư vào cảng biển trong quy hoạch và dự án cũng dự báo là đóng vai trò trung chuyển như SBLT nhưng hiện nay khai thác ra sao. Các ý kiến chuyên gia đều được ghi nhận để tổng hợp báo cáo trước QH.
Ý kiến của ông tại buổi tọa đàm?
- Sân bay là kho tài sản quốc gia trị giá nhiều tỉ USD nên cần cân nhắc để không lãng phí, không để rơi vào hội chứng “lạm phát” sân bay như đã từng xảy ra với cảng biển, ximăng lò đứng… Tôi coi Tân Sơn Nhất và Biên Hòa là hai “sân bay vàng”, là kho tài sản quốc gia trị giá hàng chục tỉ USD cần phải được cân nhắc sử dụng hợp lý. Khu kinh tế trọng điểm phía nam cần có 2 sân bay quốc tế để chi viện cho nhau là đúng, nhưng không thể một lúc “ôm” cả 3 cái.
Giữa Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Long Thành chỉ nên chọn 2 là đủ, vừa dễ dàng trong điều hành không lưu. Nếu chọn cả 3 sẽ thừa và rối. Trong ba sân bay đó nên chọn cái nào, bỏ cái nào là một vấn đề cần cân nhắc.
Chúng ta muốn có SBLT mới hiện đại để cạnh tranh quốc tế, song vấn đề tài chính có kham nổi không vì bài toán hiệu quả kinh tế chưa trả lời được câu hỏi: Tiền ở đâu? sẽ huy động được bao nhiêu? sau khi có Long Thành thì GDP sẽ tăng trưởng bao nhiêu và lúc nào sẽ hoàn vốn và tác động kép như thế nào đến nền kinh tế xã hội (?!). Đây là câu hỏi khó mà nhóm tác giả dự án sẽ khó trả lời được.
- Xin cảm ơn ông!
Lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét