(Tin tức 24h) - Chuyến thăm Nga đầu tiên của một bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên sau 4 năm gián đoạn quan hệ ngoại giao kéo dài tới 10 ngày.
Ngày 30/9, tân Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Ri Su Yong đã bắt đầu chuyến thăm Nga trong 10 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên tới Nga sau bốn năm gián đoạn quan hệ ngoại giao hai nước.
Ông Ri Su Yong sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov để thảo luận vấn đề hợp tác song phương, trong đó có tăng cường đối thoại chính trị, đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thương mại, đồng thời trao đổi quan điểm về việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á.
Hai bên cũng sẽ bàn về các điểm nóng quốc tế khác như Ukraine, khu vực Cận Đông, chương trình hạt nhân Iran, những nỗ lực để tạo lập cấu trúc an ninh mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, với tư cách là nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga đã nhiều lần kêu gọi các bên liên quan, trong đó có Triều Tiên cần nghiêm túc tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc đã được thông qua về vấn đề này.
Trong thời gian ở thăm Nga, ông Ri Su Yong sẽ có cuộc tiếp kiến Phó Thủ tướng - Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại vùng Viễn Đông Iury Trutnhev; gặp Bộ trưởng Nông nghiệp Nhikolai Fedorov và Bộ trưởng phát triển Viễn Đông Aleksandr Galuska.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Ri Su Yong |
Có nhiều lý do để Triều Tiên xích lại gần Nga. Trước hết, quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc - đồng minh lớn nhất, người bảo trợ duy nhất của Triều Tiên, đang "cơm không lành, canh không ngọt". Những bước đi "thoát Trung" của Bình Nhưỡng dưới thời ông Kim Jong Un ngày càng rõ rệt. Mới đây nhất, liên quan đến việc nối lại đàm phán 6 bên về hạt nhân của Triều Tiên, đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên, ông Glyn Davies hôm 28/9 cho biết, Bình Nhưỡng dường như đang để ngoài tai ý kiến của tất cả các nước, kể cả Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc.
Trước đó vài ngày, hôm 23/9, Triều Tiên khiến Trung Quốc choáng váng khi thẳng tay bắt giữ một tàu cá của Trung Quốc bị cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong biển Hoàng Hải.
Giới chức Triều Tiên đã áp đặt mức phạt rất nặng lên chủ tàu của Trung Quốc, ra lệnh cho chủ tàu phải trả khoản tiền phạt là 250.000 Nhân dân tệ (khoảng 40.686 USD).
Xa Trung Quốc đồng nghĩa với việc Triều Tiên phải chuẩn bị sẵn kịch bản cho tình huống bị cắt giảm viện trợ. Trước đó, nhiều nguồn tin nói rằng, mỗi năm Trung Quốc viện trợ vô điều kiện cho Triều Tiên khoảng 100.000 tấn lương thực, nửa triệu tấn dầu ăn và hàng tiêu dùng trị giá 20 triệu USD. Đó là chưa kể viện trợ trong trường hợp thiên tai, thảm họa hay viện trợ không hoàn lại mỗi khi lãnh đạo Trung Quốc thăm Triều Tiên.
Dường như Triều Tiên đang chọn Nga làm việc này thay cho Trung Quốc. Tháng 5/2014, Nga đã mạnh tay xóa tới 90% khoản tiền 10,86 tỷ USD mà Triều Tiên nợ từ thời Liên Xô trước đây. Số nợ còn lại khoảng 1,09 tỷ USD, sẽ được Triều Tiên trả góp 6 tháng/lần trong vòng 20 năm tới. Theo thỏa thuận này, Mátxcơva dự kiến dùng số tiền nợ còn lại mà Bình Nhưỡng phải trả để đầu tư vào các dự án y tế, giáo dục và năng lượng ở Triều Tiên. Ngoài ra, Bộ Tài chính Nga có kế hoạch sử dụng khoản tiền này cho việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt và hệ thống đường sắt đến Hàn Quốc xuyên qua Triều Tiên.
Đặc biệt, dù nền kinh tế đang gặp khó khăn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga vẫn quan tâm đến Bình Nhưỡng trong chính sách ngoại giao của mình. Băng chứng là chính phủ của Tổng thống Putin quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương với Triều Tiên lên mức 1 tỷ USD vào năm 2020.
Một lý do khác khiến Triều Tiên muốn lại gần Nga là trong tiến trình đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Nga là một đối tác lâu năm, thậm chí Nga còn từng bị Mỹ phàn nàn rằng nước này luôn nương tay trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Từ trước tới nay nay, quan điểm nhất quán của Nga đối với vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên cũng như đối với Bình Nhưỡng nói riêng là luôn duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tránh mọi khuấy động “binh đao” tại đây. Bởi bất cứ một sự can thiệp vũ trang hoặc nổ súng trong khu vực này đều ảnh hưởng trực tiếp lên địa chính trị, hợp tác kinh tế, an ninh hạt nhân và cả vấn đề di dân mà Nga sẽ không thể tránh khỏi tác động nặng nề, đặc biệt là vùng lãnh thổ của Nga ở Viễn Đông.
Do đó, mọi nỗ lực của Nga nhằm duy trì hòa bình và tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều hướng tới các biện pháp như đàm phán hoặc ngoại giao nhằm bảo toàn lợi ích chiến lược và thiết thực của họ tại khu vực này.
Do đó, mọi nỗ lực của Nga nhằm duy trì hòa bình và tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều hướng tới các biện pháp như đàm phán hoặc ngoại giao nhằm bảo toàn lợi ích chiến lược và thiết thực của họ tại khu vực này.
Trong khi bộ ba Mỹ-Nhật-Hàn luôn muốn có biện pháp cứng rắn hơn để gây sức ép lên Bình Nhưỡng thì thành ý của Nga khiến Triều Tiên cảm thấy "dễ thở" hơn nhiều.
Bởi thế, Triều Tiên đã có một động thái tích cực với Nga trong vấn đề Ukraine. Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Alexander Torshin trong chuyến thăm Triều Tiên cảm ơn ban lãnh đạo Triều Tiên đã có quan điểm cân nhắc về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và hỗ trợ Nga tại Liên hiệp quốc về vấn đề này. Theo ông Torshin, Triều Tiên từng biết thế nào là biện pháp trừng phạt do đó nhận thức được rằng sự thật lịch sử trong tình huống này thuộc về Nga.
Sự "thông cảm" và "thấu hiểu" Triều Tiên dành cho Nga chính là bước đệm để qua hệ hai nước trở nên gần gũi hơn trong thời điểm này.
An Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét