Trang

4 tháng 10, 2014

Bữa cơm chan nước mì tôm của học sinh bán trú É Tòng

Vnexpress.
Nhiều năm dạy ở trường, cô Lò Thị Liên chưa một lần thấy học sinh được ăn thịt. Món xa xỉ nhất của các em là cá khô nướng. Thường ngày, những đứa trẻ mới 6 tuổi tự nấu ăn, 5-6 đứa pha chung một gói mì rồi chan cơm, xì xụp húp. 
hoc-sinh-vung-cao-E-Tong2-5312-141239570
Khu nhà bán trú đơn sơ của học sinh trường tiểu học É Tòng (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) gồm 4 gian nhà được dựng bằng tre, nứa. Mỗi gian có 30-40 em sống cùng. Ảnh: Diệp Hương.
Từ thị trấn Thuận Châu (Thuận Châu, Sơn La) lên É Tòng, xã vùng cao khó khăn của huyện, phải đi hơn 3 giờ xe máy. Đường vắng vẻ, heo hút giữa một bên là rừng, một bên là vực sâu. Ở É Tòng có hai dân tộc chính là Thái và Mông. Điều kiện thiếu thốn, đến cái ăn còn phải chật vật từng ngày nên sự học của trẻ nơi đây càng gặp nhiều khó khăn.
Thầy giáo Bạc Cầm Lĩnh, Hiệu trưởng trường tiểu học É Tòng cho biết, học sinh ở các bản xa phải đi 12-14 km để đến trường. Vì vậy trước đây tình trạng nghỉ học khá phổ biến. Để duy trì sỹ số học sinh và thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, từ năm 2012 phụ huynh, giáo viên bàn nhau dựng nhà ở bán trú cho các em đỡ vất vả.
Khu bán trú là 4 phòng ở tạm dựng bằng tre, nứa, vách liếp, mái ngói xi măng. Giường ngủ được kê bởi những cọc tre đơn sơ. Mỗi học sinh mang đến trường một hòm quần áo, sách vở, gom góp với nhau mấy chiếc nồi nấu cơm. Phụ huynh người góp gạo, người mang củi... đến cùng các em "nuôi" con chữ.
hoc-sinh-vung-cao-E-Tong-7323-1412395707
Mới 6 tuổi, học sinh trường tiểu học É Tòng đã tự mình nấu ăn, lo sinh hoạt cá nhân. Ảnh: Diệp Hương.
Có hơn 140 học sinh cùng sống trong khu lán lụp xụp, sơ xài ấy. Những ngày thu, trời Tây Bắc se lạnh, mù sương, cả lớp học và khu bán trú tối om. Những ngày mưa chuyển mùa hắt nước qua tường vách tre mỏng tanh làm ướt chăn, đệm. Mùa đông, những tấm liếp không ngăn nổi những đợt gió mùa đông bắc, học sinh ở trong lán xích lại gần nhau để chống lại cái rét cắt da cắt thịt.
Do chưa có người lo đời sống cho các em nên thầy cô giáo vừa đứng lớp dạy con chữ, vừa hướng dẫn học trò nấu ăn. "Sau buổi lên lớp, chúng em vào bếp. Bạn lớn chỉ cho bạn bé cách làm. Các nhóm lần lượt thay nhau nấu, có khi phải sang giờ chiều mới xong nồi cơm của mình", Mùa A Tà, học sinh lớp 5B nói.
Bữa ăn của học sinh trường tiểu học É Tòng là nồi cơm chan thật nhiều nước mì tôm. 5-6 đứa trẻ chung nhau một gói mì xì xụp húp. Cô Lò Thị Tiên, giáo viên nhà trường cho biết: "Nhiều năm dạy ở trường, tôi chưa thấy các cháu có thịt ăn. Món xa xỉ nhất của học sinh là cá khô nướng nhưng cũng ít khi có để ăn. Cứ cuối tuần các em lại đi bộ về nhà, khi trở lại lưng em nào cũng trĩu nặng bao gạo, rau, đồ ăn gia đình chuẩn bị cho".
hoc-sinh-vung-cao-7378-1412159804.jpg
Bữa ăn của học sinh tiểu học É Tòng là cơm chan nước mì tôm. Ảnh: Diệp Hương.
Khó khăn là vậy nhưng trẻ con nơi đây rất ham học. Lò Thị Vân (lớp 4A) ước: "Sau em này thích làm cô giáo để dạy con chữ cho nhiều học sinh vùng cao". Lò Thị Loan (lớp 5A) mong làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông, bà.
Là trường vùng cao, đặc biệt khó khăn nhưng thầy Hiệu trưởng Bạc Cầm Lĩnh luôn tự hào vì học sinh của tiểu học É Tòng được Phòng Giáo dục đánh giá là chất lượng đào tạo tốt. Năm nào trường cũng có học sinh đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Năm học 2013-2014, trường có học sinh đạt giải ba.
Diệp Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét