Trang

2 tháng 10, 2014

Hong Kong ra chiến lược đối phó biểu tình

Trưởng khu đặc chính Hong Kong Lương Chấn Anh và đội ngũ cố vấn, với sự ủng hộ của các lãnh đạo TQ, đã quyết định chiến lược tốt nhất hiện nay là chờ đợi.

Hong Kong, biểu tình, TQ
Người biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: Reuters
Ngày 2/10, Nhân dân Nhật báo TQ đã đưa ra lời cảnh báo khá mạnh từ Bắc Kinh với người biểu tình. Báo này nói rằng, Hong Kong có thể lâm vào cảnh "hỗn loạn". Trên trang nhất, tờ báo cáo buộc phong trào Occupy Central là "vi phạm" luật pháp của thành phố.
“Những hành động của ‘Occupy Central’ rõ ràng vi phạm luật pháp và quy định của Hong Kong, làm giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng và đảo lộn trật tự xã hội", bài báo viết.
Trưởng khu đặc chính Hong Kong Lương Chấn Anh và đội ngũ cố vấn, với sự ủng hộ của các lãnh đạo TQ, đã quyết định chiến lược tốt nhất hiện nay là chờ đợi và hy vọng rằng, sự đảo lộn và gián đoạn cuộc sống hàng ngày sẽ đảo lộn quan điểm của người dân địa phương, khiến họ quay sang phản đối người biểu tình.
Theo một nguồn tin, ông Lương Chấn Anh và các cố vấn không có kế hoạch sử dụng vũ lực để giải tán biểu tình, nhưng họ cũng sẽ không đàm phán với các nhà lãnh đạo biểu tình hiện tại. Cũng chưa có bất kỳ cuộc thảo luận chính thức nào về khả năng ông Lương sẽ từ chức - điều mà hàng chục nghìn người biểu tình yêu cầu.
Giới chức Hong Kong đưa ra kết luận rằng, sẽ vô ích khi ông Lương Chấn Anh ngồi thương thảo với các lãnh đạo biểu tình. “Chính quyền có thể chịu đựng được sự phong tỏa 3, 4 hay 5 khu vực và chứng kiến diễn biến biểu tình. Cách duy nhất là để người biểu tình có thể làm leo thang - như lan rộng ra nhiều nơi hơn - và sau đó họ không thể duy trì điều đó...", một người liên quan tới việc hoạch định chính sách tại Hong Kong nói.
Theo một cố vấn cho chính quyền Hong Kong thì các quan chức tin rằng, ông Lương có thể "chờ thời". "Có sự đồng thuận cao là chờ đợi và kiên nhẫn xử lý khủng hoảng. Nó không dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực tốt nhất để giải quyết tình thế một cách hòa bình", vị cố vấn nói.
Chiến lược này rủi ro ở chỗ, nó sẽ làm giảm uy quyền của nhà chức trách, để người biểu tình có thể dẫn dắt các diễn biến. Với TQ, những cuộc biểu tình kéo dài có thể truyền cảm hứng tới đại lục.
Với nhà chức trách Hong Kong, rủi ro là hình ảnh thành phố - một trung tâm tài chính ổn định - sẽ bị tổn hại và chính hành động của chính phủ - chứ không phải người biểu tình - sẽ bị đổ lỗi cho mọi gián đoạn kinh tế, xã hội.
Các nhà lãnh đạo biểu tình ở Hong Kong tuyên bố rằng, họ sẽ tiếp tục theo đuổi tôn chỉ bất bạo động. Bạo lực sẽ mang lại rủi ro cho cả hai phía, người biểu tình cũng như cảnh sát. Khi cảnh sát dùng hơi cay đối phó với người biểu tình hôm chủ nhật, họ đã khiến sự tức giận lan rộng và thêm nhiều người đổ xuống đường hôm thứ hai. Sau khi cảnh sát rút phần lớn lực lượng khỏi khu vực thương mại, sự phẫn nộ đã giảm dần.
Chiến lược chờ đợi dường như có sự ủng hộ của các ông trùm với ảnh hưởng lớn ở đặc khu. Niềm hy vọng của giới chức Hong Kong và Bắc Kinh là, áp lực kinh tế sẽ khiến các chủ doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu quay lại phản đối người biểu tình. Họ hy vọng người dân sẽ coi người biểu tình gây ra phiền hà chứ không phải những anh hùng đấu tranh cho dân chủ.
Tổng thống Mỹ Obama và cố vấn an ninh quốc gia Susan E. Rice đã đề cập tới việc biểu tình trong cuộc gặp tại Nhà Trắng với Ngoại trưởng TQ Vương Nghị. Nhà Trắng cho hay, ông Obama và bà Rice nói với ông Vương rằng, họ đang theo sát tình hình và "thể hiện sự hy vọng những khác biệt, bất đồng giữa giới chức Hong Kong với người biểu tình sẽ được giải quyết một cách hòa bình".
Thái An (theo Nytimes) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét