Trang

6 tháng 9, 2014

"Trung Quốc xây căn cứ phi pháp ở Chữ Thập uy hiếp trực tiếp Cam Ranh"

HỒNG THỦY

(GDVN) - Kế hoạch xây đảo nhân tạo (phi pháp) ở Chữ Thập nếu thành công, chỉ 10 đến 15 năm nữa cục diện Biển Đông sẽ thay đổi toàn bộ.
Lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên công sự nhà nổi trái phép ở đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tờ Thời báo Trung Hoa xuất bản tại Đài Loan ngày 6/9 đưa tin, truyền thông Trung Quốc hôm qua 5/9 xuất hiện một bài bình luận về cục diện Biển Đông hiện nay, trong đó nhận định rằng lực lượng hải quân Đài Loan chỉ tập trung nhằm vào tác chiến với đại lục nên có thái độ tiêu cực trong việc hợp tác với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hợp tác hai bờ eo biển Đài Loan trong vấn đề Biển Đông là điều hoàn toàn không thể, giới phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh nên quên đảo Ba Bình (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp), chỉ có thể tự dựa vào sức mình để "giải quyết", tức đánh chiếm các đảo, đá, rặng san hô ở Trường Sa.
Giới phân tích Trung Quốc nói rằng, thủ đoạn duy nhất để Bắc Kinh "giải quyết" vấn đề Biển Đông, đánh chiếm Trường Sa là sử dụng căn cứ quân sự (xây dựng bất hợp pháp) trên đá Vành Khăn và đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang đẩy mạnh đắp nền xây đảo nhân tạo. Kế hoạch xây đảo nhân tạo (phi pháp) ở Chữ Thập nếu thành công, chỉ 10 đến 15 năm nữa cục diện Biển Đông sẽ thay đổi toàn bộ.
Mục bình luận quân sự của tờ Sina nhận định, thập niên 50, 60 của thế kỷ trước thực lực hải quân Đài Loan khá hơn Trung Quốc. Nhưng hải quân Đài Loan ngoài việc chiếm đóng (bất hợp pháp) đảo Ba Bình thì chẳng có "chí hướng" gì lớn nên "các đảo ở Trường Sa mới bị 4 nước ven Biển Đông chiếm đóng"?!
Sang thập niên 70 cán cân thực lực hải quân 2 bờ nghiêng về Bắc Kinh, những năm 80 hải quân Trung Quốc đã hình thành ưu thế vượt trội rõ rệt và sự mất cân bằng trong tương quan lực lượng hải quân 2 bờ eo biển Đài Loan ngày càng lớn. Truyền thông Trung Quốc ví von, đảo Ba Bình đối với Đài Loan như miếng sườn gà, ăn thì không ngon vứt đi thì tiếc.
Hình ảnh Trung Quốc đắp đất phong nền xây đảo nhân tạo trái phép tại đá Gạc Ma, Trường Sa được trang Sina đăng tải.
Do sự khác biệt về ý thức hệ với Bắc Kinh và quan hệ đồng minh với Mỹ, Nhật, Đài Loan sẽ không nhường đảo Ba Bình cho Trung Quốc, càng không hợp tác với Bắc Kinh trong cái gọi là "chủ quyền" ở Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc cho rằng cách "giải quyết" duy nhất với Bắc Kinh là phong nền đắp đất, biến đá thành đảo để xây dựng căn cứ quân sự (bất hợp pháp) ở Trường Sa. Trong đó, đá Chữ Thập và đá Vành Khăn có giá trị quân sự cao nhất.
Phân tích trên bình luận quân sự của Sina cho rằng vấn đề Biển Đông ngày nay Bắc Kinh chỉ có thể dựa vào sức mình và quên đảo Ba Bình đi, Đài Loan không bị bức phải rút khỏi Trường Sa đã là may lắm rồi.
Theo giới phân tích Trung Quốc, mặc dù đại bộ phận đảo, đá và rặng san hô ở quần đảo Trường San nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam và Philippines, nhưng tham vọng "chiến lược cốt lõi" của Bắc Kinh ở Biển Đông không phải đá và đảo, mà là biển nên Trung Quốc cần có một trung tâm quân sự ở Trường Sa. Đảo nhân tạo vì thế có ý nghĩa quan trọng không phải nghĩ bàn.
Diễn đàn này gợi ý cho Bắc Kinh mở rộng căn cứ quân sự (bất hợp pháp) trên đá Vành Khăn thành địa điểm đồn trú thường xuyên cho 5000 quân và mở trung tâm chỉ huy nghề cá của Trung Quốc ở Biển Đông, đưa "ngư dân" ra nuôi trồng trong các đầm phá trong lòng bãi đá này.
Đá Chữ Thập còn có giá trị gấp nhiều lần Vành Khăn ở chỗ nó cách cảng Cam Ranh của Việt Nam chỉ khoảng 600, 700 km và rất phù hợp cho việc xây dựng căn cứ quân sự. Vì vậy Bắc Kinh tất sẽ phải bất chấp mọi giá để biến bãi đá này thành 1 đảo nhân tạo lớn và xây dựng 1 căn cứ quân sự tổng hợp và sẽ trực tiếp uy hiếp cảng Cam Ranh của Việt Nam?!
Những bình luận quân sự trên báo chí Trung Quốc, Đài Loan về vấn đề Biển Đông tuy sặc mùi hiếu chiến và khiêu khích, nhưng cũng không thể xem thường khi trên thực địa Trung Quốc và Đài Loan đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng bất hợp pháp, Việt Nam cần hết sức cảnh giác và có phương án đối phó phù hợp - PV.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét