NATO nhận Kiev thua, dự cảm xấu cho ông hoàng chocolate
(Quan hệ quốc tế) - Ukraine đã phải ngồi vào bàn đàm phán với lực lượng ly khai, trong khi NATO thừa nhận Kiev đã thua trong cuộc chiến với những người miền Đông
Lời thừa nhận của NATO
Ngày 2/9/2014, tờ Der Spiegel của Đức đã tiết lộ một thông tin từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về kết quả của cuộc chiến mà chính quyền Kiev đang theo đuổi.
"NATO đang hoài nghi về triển vọng của Kiev trong cuộc chiến chống lại lực lượng dân quân tự vệ của các nước Cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk tự xưng. Thực tế, NATO đã thừa nhận rằng Kiev đã thua trong cuộc xung đột này.
Ưu thế của lực lượng ly khai đã trở nên rõ ràng sau khi họ tổng phản công hồi cuối tháng 8/2014. Đặc biệt sau khi họ kiểm soát được một loạt các thành phố giáp biển Azov và biên giới Nga, trên hết là sân bay ở Lugansk, mọi chuyện dường như đã ngã ngũ." - Đó là những thông tin mà tờ báo Đức chia sẻ.
Tờ báo này đưa thêm thông tin, một chỉ huy quân sự cấp cao của NATO đã tuyên bố rằng liên minh cần có những thay đổi thái độ và chiến lược với những gì đang diễn ra tại Ukraine và kết quả cho Kiev.
Quang cảnh đổ nát ở một thành phố gần biển Azov |
Với những thông tin này, NATO đã khẳng định Kiev đang là bên thua cuộc. Và câu hỏi đặt ra, liệu EU có tiếp tục trừng phạt nước Nga để phiêu lưu với những tổn thất kinh tế mới? Và NATO có đưa quân can thiệp hay có hỗ trợ quân sự nào cho Ukraine hay không?
Về việc trừng phạt kinh tế, EU sẽ có một tuần kể từ ngày 1/9 để chuẩn bị các phương án và đưa ra kết quả cuối cùng, họ vẫn còn thời gian để cân nhắc và toan tính thiệt hơn dù không nhiều. Còn với khả năng can thiệp quân sự của NATO hay phương Tây, ngày 2/9/2014, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố rõ ràng.
Tổng thư ký Ban Ki-moon lên tiếng cảnh báo rằng các quốc gia phương Tây tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp quân sự để hỗ trợ chính quyền Kiev.
"Tôi biết Mỹ, NATO, hay phần lớn các nước phương Tây đang chuẩn bị những kế hoạch để giải quyết vấn đề khủng hoảng ở Ukraine. Nhưng họ cần nhận thức rõ ràng rắng quân sự không thể là một giải pháp, nó chỉ khiến tình trạng hỗn loạn và nguy hiểm ở đất nước này lan ra với quy mô khu vực." - Ông Ban Ki-moon phát biểu tại New Zealand khi đang ở thăm quốc gia này.
Lời nhắc nhở này của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã là câu trả lời cho việc NATO có động binh hay không. Nhưng thực tế, nếu muốn động binh, tổ chức quân sự này sẽ phải thông qua hàng loạt các quy tắc, trong đó rào cản lớn nhất là việc Ukraine chưa phải là thành viên của NATO.
Chưa dừng ở đó, việc tham chiến ở Ukraine sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ và phát động một cuộc chiến tranh khu vực không thương tiếc, bởi nước Nga luôn trong tình trạng sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân nếu NATO tham chiến ở Ukraine.
Dự cảm xấu cho tương lai Ukraine
Trong một diễn biến khác, lực lượng ly khai đã cử ra một Nhóm Tiếp xúc để đi Minsk (Belarus) bàn bạc về những điều kiện ngừng bắn và giải pháp cho Ukraine hôm 1/9. Trong cuộc họp này có đại diện của Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga và những người ly khai.
Tại Minsk, cuộc họp đã đi đến thống nhất về việc trong những lần hội đàm tiếp theo, phía Ukraine sẽ có những thành phần chính thức, tiêu biểu trong đó là cựu Tổng thống Leonid Kuchma và một quan chức hàng đầu của Ukraine. Phó Thủ tướng thứ nhất của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, ông Andrey Purgin khẳng định ở những lần hội đàm sau (dự kiện ngày 5/9) sẽ là những cuộc đàm phán mang tính chính thức.
Phe ly khai với vũ khí đầy đủ và xe thiết giáp ở ngoại ô Lugansk |
Có thể thấy rằng, chính quyền Kiev đã phải xuống một nấc thang khi chịu ngồi vào bàn đàm phán với lực lượng ly khai một cách chính thức. Điều này một lần nữa khẳng định những diễn biến trên chiến trường những ngày vừa qua đã khiến Kiev không còn lựa chọn nào khác.
Phải nói rằng trong cuộc chiến đó, Kiev đã dùng hết chiêu bài mà mình có. Từ những cuộc không kích, pháo kích, các cuộc càn quét quy mô lớn với phương châm chiến tranh tổng lực, đánh nhanh thắng nhanh. Nhưng đều bị lối đánh du kích của lực lượng ly khai bẻ gãy. Và kết quả, khi lực lượng ly khai đã có đầy đủ phương tiện, vũ khí, nhân lực vật lực, họ tổ chức phản công và đánh đâu thắng đó.
Ngoài việc cho rằng mình đang phải chống lại đội quân thiện chiến của nước Nga thì Kiev chỉ còn cách cầu viện tới những thế lực đang chống lưng cho mình. Nhưng thực tế thì sẽ không có sự giúp đỡ nào cụ thể từ phía EU hay Mỹ, đặc biệt về việc viện trợ quân sự hay can thiệp quân sự. Không còn lựa chọn nào khác, Kiev buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.
Một tương lai ảm đạm khác cũng đang chờ đợi ngài Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khi cuộc bầu cử sớm đang gần kề và những kết quả trong việc điều hành, giải quyết vấn đề đất nước của ông Poroshenko đang đặt ông trước một nguy cơ bãi nhiệm hay đảo chính rất cao.
Trong trường hợp không còn được tại vị ở ngôi Tổng thống, hi vọng tình hình Ukraine sớm khả quan, kinh tế khôi phục và ông Poroshenko sẽ tiếp tục ngồi ở ngôi “ông hoàng chocolate”.
Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét