“Đừng cố gắng đoán trước điều gì mà hãy đi theo dòng tiền để kiếm lợi nhuận”
Trong 1 tháng qua, cổ phiếu dòng dầu khí đã làm rất tốt vai trò dẫn dắt thị trường của mình. Đứng trong top đầu các mã tăng trưởng giá mạnh nhất của thị trường cũng như của ngành, nổi bật là PVC tăng 57,3%. PVE tăng 49,4%, PVB tăng 34,9%, PVX tăng 32,6% hay PVD tăng 14,6%...
Cho đến phiên 03/09, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã có dấu hiệu chốt lời dần dần. Bluechips PVD hay cổ phiếu dẫn dắt như PVC, PVS cùng nhiều cái tên “hot” khác đều đã giảm 2 phiên liên tục và đi chậm lại trong những phiên gần đây. Tuy nhiên khối lượng giao dịch của ngày 03/09 vẫn cho thấy sự tăng lên so với khối lượng giao dịch bình quân của 10 ngày và 20 ngày trước đó.
Có vẻ nhiều nhà đầu tư đã chốt lời danh mục cổ phiếu dầu khí của mình nhưng cũng có những người khác trở thành người mua mới của nhóm này.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản trong vòng 1 tháng qua đã trở nên hấp dẫn dần và hiện tại là dòng hút tiền nhiều nhất thị trường. Khối lượng giao dịch bình quân 10 ngày liên tục đi lên và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng hưng phấn.
Không kể đến cổ phiếu ruồi tăng nóng như NHA (tăng 51,1% và đã tăng trần 6 phiên liên tục gần đây), những tên tuổi nổi tiếng trong ngành như KBC cũng đã tăng hơn 38%, SJS tăng gần 35%, SCR tăng hơn 27%...
Với số lượng mã ít hơn, tổng khối lượng giao dịch của nhóm cổ phiếu chứng khoán đứng sau bất động sản nhưng về sức hút thì có lẽ cũng sẽ sớm đuổi kịp khi nhóm này thể hiện một sự tăng tốc rất mạnh trong khối lượng giao dịch cũng như về giá. Tốc độ tăng trưởng bình quân về KLGD trung bình 10 ngày của nhóm này khoảng 6,5%.
Tuy nhiên, không phải những tên tuổi lớn như SSI, HCM hay VND mà trong vòng 1 tháng tính đến thời điểm hiện tại, tăng giá cao nhất là cổ phiếu của các công ty chứng khoán có thị giá thấp hơn. CTS đang là cổ phiếu đứng đầu về mức tăng giá với 32,9%. Đứng sau đó là BVS (26,6%), VIG (24,4%), SHS (24,4%) và APS (21,8%)
Về phía cổ phiếu ngành khoáng sản, KSH là cái tên gây sốt khi đã tăng 13 phiên trần liên tục. Tính chung từ ngày 01/08 đến 03/09, KSH đứng đầu thị trường về mức tăng trưởng giá với hơn 141%. Cổ đông lớn nhất của KSH hiện tại là ông Nguyễn Xuân Mai, sở hữu trên 5,5 triệu cổ phiếu. Với sự tăng giá của KSH, tài sản của ông Mai trong vòng 1 tháng đã tăng lên 45,2 tỷ.
Ông Nguyễn Xuân Mai đồng thời cũng là cổ đông lớn sở hữu 500.000 cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (mã NHA) – công ty mà ông Nguyễn Minh Hoàn – em trai ông Mai làm chủ tịch HĐQT (sở hữu 1.480.200 cổ phiếu) . Với sự tăng giá của NHA, trong vòng 1 tháng qua, tài sản của ông Hoàn đã tăng thêm 3,4 tỷ.
Cổ phiếu KSQ của Khoáng sản Quang Anh cũng đứng trong nhóm tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng gần 42% trong vòng 1 tháng hay TNT của CTCP Tài nguyên tăng hơn 34%...
Trong 2 ngày 29/08 và 03/09, khối lượng giao dịch của dòng khoáng sản bất ngờ tăng vọt với sự đột biến đến từ KSH của Tập đoàn khoáng sản Hamico (KLGD ngày 29/08 bất ngờ tăng vọt lên mức 6,4 triệu đơn vị từ mức trên dưới 1 triệu đơn vị trước đó), cổ phiếu KSS của Khoáng sản Na Rì Hamico, KTB của Khoáng sản Tây Bắc, BGM của CTCP Khai thác và chế biến khoáng sản Bắc Giang.
Trong thời điểm hiện tại, khi các chỉ số chinh phục hết mức đỉnh này đến mức đỉnh khác và tiền đổ “ầm ầm” vào thị trường chứng khoán, có rất nhiều người e ngại về một thị trường quá nóng. Ngược lại, có nhiều người quá say men chiến thắng trước sự tăng lên nhanh chóng của tài khoản mà bắt đầu để cảm xúc dẫn dắt hành động.
Một chuyên gia chứng khoán chia sẻ quan điểm đầu tư của mình với chúng tôi, rằng “Đừng cố gắng đoán trước điều gì mà hãy đi theo dòng tiền để kiếm lợi nhuận”. Theo chuyên gia, hãy mua khi dòng tiền có dấu hiệu đi vào một nhóm cổ phiếu, nắm giữ khi tiền vẫn chảy vào và chỉ bán khi thấy tiền bị rút ra.
Bảo Ngọc
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét