BTTD: Công bằng ở đâu?
Cùng là những người được hưởng chính sách ưu đãi, nhưng công nhân đang phải thuê nhà ở với giá 24 nghìn/m2, còn cán bộ thuê nhà công vụ chỉ với 6 nghìn đồng/m2.
Đó là bất cập được ĐBQH Chu Sơn Hà nêu ra khi đoàn ĐBQH chuyên trách thảo luận về Luật nhà ở sửa đổi sáng 10/9.
Nhiều ý kiến đồng tình với việc thành lập quỹ phát triển nhà ở |
Về hưu vẫn ôm khư khư nhà công vụ
Một vấn đề được nhiều đại biểu qua tâm cho ý kiến là việc phân bổ, quản lý nhà công vụ. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), hiện vẫn chưa có chế tài xử lý, nhiều trường hợp đã hết thời hạn công tác nhưng vẫn không trả lại nhà để phân cho đối tượng khác.
Ông Vinh đề nghị luật sửa đổi phải ghi rõ đối tượng được ở nhà công vụ, quy định trả lại nhà khi hết hạn công tác để quản lý tốt hơn. Nếu là nhà công vụ cho thuê thì mức giá cũng phải sát hơn với giá các loại nhà khác trên thị trường.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà cũng đề nghị phải thiết kế nhà công vụ trong Luật nhà ở vì đây là tài sản quốc gia. Qua thực hiện giám sát, ông Hà còn thấy giá nhà ở cho công nhân đắt hơn nhà công vụ. Chẳng hạn như ở KCN Bắc Thăng Long, công nhân thuê với giá 24 nghìn/m2/tháng, nhưng cán bộ thuê nhà công vụ 100 m2 chỉ với 600 nghìn/tháng, nghĩa là chỉ với 6 nghìn/m2. Mức giá công nhân thuê đắt gấp 4 lần so với cán bộ thuê, như vậy là bất hợp lý.
Cán bộ đã được bao cấp điện, nước, văn hóa…giờ còn bao cấp cả nhà cho thuê sẽ không công bằng. Ông Hà đề nghị chỉ nên làm nhà công vụ cho cán bộ cấp cao, cán bộ luân chuyển từ vùng sâu xa, còn lại đều bình đẳng như nhau.
Tuy nhiên ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, nhà ở công vụ không chỉ cần thiết đối với cán bộ cấp cao mà cán bộ cấp xã cũng rất cần. Ông dẫn dụ khi giám sát ở một tỉnh miền núi, một bí thư xã được đều động công tác xa nhưng lại không có chỗ ở. “Không phải ai cũng thích về Hà Nội nên phải bố trí nhà ở công vụ để họ hoàn thành công việc”.
Cũng theo ĐB Nam cần phải quy định rõ đối tượng được hưởng. Sinh ra nhà ở công vụ thì ai chịu trách nhiệm quản lý? Bộ Xây dựng hay Bộ Tài chính quản lý? Người ta trả chìa khóa hay không không quan trọng mà quan trọng ai là người lấy chìa khóa. Phải có quy định rõ khi làm xong việc phải trả nhà lại ngay cho nhà nước.
Trước thực trạng hết thời hạn công tác, đã về quê mà vẫn không trả chìa khóa nhà công vụ, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề nghị Chính phủ cần có báo cáo cụ thể về việc sử dụng nhà công vụ và biệt thự trong thời gian qua để Quốc hội nắm được.
Nhiều điểm sáng nhưng còn điểm tù mù
Đó là nhận định của ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) về Luật nhà ở lần này. Ông Đương cho rằng chính sách phát triển nhà ở là tốt, nhưng “dính” quỹ phát triển nhà vào lại thành phức tạp, có khi thành tín dụng đen, rồi tham ô, tiêu cực đi tù. ĐB đề nghị nên ngăn ngừa trước và nên để ngân hàng làm thôi.
Điểm tù mù thứ hai theo ĐB Đương là vấn đề sở hữu chung – riêng. Quy định xe hai bánh sở hữu chung của cư dân, xe ô tô thì sở hữu của chủ đầu tư... Vậy gia đình có 10 xe máy thì sao? Theo ông Đương nên có không gian chung tính vào giá căn hộ. “Phải nhìn dài, tránh để ô tô tràn ra đường, cũng đừng gây khó, gây hấn xã hội”.
Theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), chính sách nhà ở xã hội và quỹ nhà ở xã hội có thể coi là một điểm sáng, đồng thời Bộ Xây dựng cũng cần có đánh giá, tổng kết, vì trong luật nhà ở năm 2005 cũng quy định về quỹ nhà ở.
Qua hàng chục năm đang sinh sống ở nhà chung cư, ĐB Nga chia sẻ nỗi ám ảnh nhất là khi triệu tập họp các hộ dân trong tòa nhà chung cư. Luôn xảy ra cãi vã kéo dài giữa chủ đầu tư - ban quản trị - người sử dụngvới những tranh chấp về quyền lợi, nhất là sở hữu chung và riêng. ĐB Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần chỉ đạo để làm rõ tại sao người dân cứ vào tòa ở một thời gian lại có khiếu kiện.
Cũng liên quan đến chính sách phát triển nhà ở, ĐB Chu Sơn Hà đề nghị cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho toàn dân làm, chứ không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bởi vừa qua mặc dù hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng thực tế rất ít sinh viên được ở trong nhà xã hội, mà phần lớn thuê nhà ở trong dân. Do vậy ĐB Hà đề nghị tới đây luật cần phải có chính sách hỗ trợ cho tất cả các thành phần khác để mọi người dân đều được tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Đồng tình với việc có quỹ phát triển nhà, ĐB Lê Như Tiến cũng cho rằng, quỹ này đã được quy định trong luật, lại là kênh huy động vốn hiệu quả, tạo tính chủ động cho địa phương thực hiện dự án. Song theo ĐB Tiến, không phải tất cả 63 tỉnh thành đều thành lập mà quỹ chỉ nên có ở những đô thị loại 1 và những tỉnh cấp thiết về nhu cầu về nhà ở. Vì thế chỉ nên lập quỹ tại 20 tỉnh thành trong cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét