Trang

11 tháng 9, 2014

Điều tra viên có bằng ĐH mà nhục hình là do đạo đức

(Dân trí) - Ngày 11/9, UB Tư pháp của QH tổ chức phiên giải trình “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập đánh giá chứng cứ, chống bức cung nhục hình của CQĐT chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự” đối với Bộ Công an, VKSND tối cao và TAND tối cao.

Phạt nghiêm người dùng nhục hình: Tin nổi không?
Báo cáo của VKSND tối cao nhận định, thời gian qua, cùng với tiến trình cải cách tư pháp, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nước ta đã có nhiều tiến bộ. Tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như các hành vi bức cung, dùng nhục hình đối với bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, số vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hành vi bức cung, dùng nhục hình vẫn còn xảy ra và “thực tiễn có thể nhiều hơn các vụ án đã khởi tố và điều tra”.
Báo cáo của VKSND tối cao thể hiện, 3 năm trở lại đây (từ 1/1/2011 đến 31/12/2013, ngành kiểm sát đã thụ lý điều tra 13 vụ án/19 bị can về tội dùng nhục hình. Trong khi đó, báo cáo của TANDTC cho biết trong thời gian này đã thụ lý 10 vụ với 23 bị cáo phạm tội dùng nhục hình, không thụ lý vụ án nào về tội bức cung.
Riêng tội “dùng nhục hình” có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 2011 thụ lý 1 vụ/2 bị cáo, năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo, năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo.

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, các điều tra viên đều phải có trình độ đại học.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, các điều tra viên đều phải có trình độ đại học.
 
“Theo báo cáo của TAND Tối cao, 90% các vụ án cán bộ điều tra bức cung, nhục hình khi xét xử tòa án không áp dụng hình phạt tù thì thử hỏi án tuyên đã nghiêm khắc chưa và TAND Tối cao có xem xét kháng nghị không ?”- ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga bình luận: “Chúng tôi đồng tình với báo cáo của VKS là thực tế số vụ bức cung, nhục hình có thể còn nhiều hơn số liệu đã báo cáo. Tuy nhiên, VKSNDTC nói những vụ dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Đề nghị VKS đánh giá lại xem nhận định đó có đúng không?”.
Đại biểu Bùi Thị An nêu hàng loạt câu hỏi, 3 năm qua thực sự đã có bao nhiêu vụ bức cung, nhục hình được phát hiện? Do ai phát hiện? Số người chết thực sự trong các trụ sở công an là bao nhiêu?...
Phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong giải thích việc ít phát hiện những vụ bức cung, nhục hình vì việc này xảy ra trong những hoàn cảnh đặc biệt, chỉ có điều tra viên và người bị nhục hình ở trong trại giam, nhà tạm giữ.
“Đánh không để lại thương tích. Người nói có, người nói không, vậy thì tin người tố cáo hay tin điều tra viên? Kiểm tra thì sẹo không có”- ông Phong phân trần.
Uỷ viên thường trực UB Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương đề nghị làm rõ trong thời gian gần đây số nghi can, bị can chết trong trại giam là bao nhiêu và liệu có tiêu cực trong lực lượng điều tra viên không?
Lắp camera phòng hỏi cung vẫn khó tránh nhục hình
 
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong tại phiên giải trình.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong tại phiên giải trình.
Bàn về nguyên nhân của tình trạng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra, giam giữ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lại nhận định, tình trạng này xuất phát từ tình trạng quá tải, án quá nhiều đã gây những áp lực nhất định cho các điều tra viên.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành viên UB Tư pháp) lập luận: “Vấn đề bức cung, nhục hình, xuất phát từ tư duy, nhận thức coi bị can, bị cáo không bình đẳng với mình, thậm chí coi họ như kẻ thù, và suy đoán có tội chứ không phải suy đoán vô tội”.
Khẳng định việc bức cung, nhục hình dẫn tới oan sai chính sẽ góp phần làm suy yếu chế độ vì việc gây oan sai không chỉ ảnh hưởng tới một người dân mà đời con, đời cháu của họ cũng sẽ nuôi thù hằn gấp 2-3 lần, ông Nghĩa đề nghị sửa luật tố tụng hình sự, quy định nguyên tắc chỉ thực hiện khai báo khi có luật sư.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhục hình nhưng tựu trung là do yếu tố con người, dù các điều tra viên đều được đào tạo cơ bản và ít nhất là có bằng đại học. Yếu tố con người ở đây là phẩm chất cán bộ, là đạo đức, không nêu cao tinh thần trách nhiệm, có tư tưởng thành tích nóng vội.
Diễn giải thêm, tướng Vương đề nghị “thông cảm với anh em điều tra”. “Động đến đối tượng hình sự, anh em nhiều khi bức xúc. Có những đối tượng tới 10 tiền án rồi, mà chưa tới 40 tuổi; đối tượng bốn, năm tiền án thì rất nhiều. Đó là chưa kể đến những đối tượng phạm các tội cố ý gây thương tích, các đối tượng nghiện hút, nhiễm HIV… Anh em điều tra thì nửa đêm nửa hôm phải đi làm án…” – Thứ trưởng Công an giải thích.
Về đề xuất lắp camera trong phòng hỏi cung các đại biểu nêu ra, Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong nhận định: “Dù có có lắp máy móc gì đi nữa mà ý thức tuân thủ pháp luật kém, làm qua loa cho nhanh thì vẫn còn nhục hình. Việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự sắp tới sẽ có nhiều nội dung mới để chống oan sai, chống lọt tội phạm. Ở đâu oan sai, bỏ lọt thì Viện trưởng VKS cấp đó chịu trách nhiệm và ở đâu có bức cung nhục hình thì Thủ trưởng CQĐT chịu trách nhiệm”.
 
Huỷ xét thăng tướng cho GĐ CA Bắc Giang vì vụ ông Chấn
Đối với vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, Phó Chánh án tối cao Nguyễn Sơn cho biết, lãnh đạo ngành đã chỉ đạo Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiến hành thương thảo đề bồi thường oan sai.
Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong thông tin thêm, sắp tới sẽ tiếp tục khởi tố thêm 2 cán bộ trong vụ án này do làm sai lệch hồ sơ vụ án và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. “Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang thuộc diện phong hàm cấp tướng nhưng vừa rồi phải đình lại, không xem xét nữa”- Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, VKSND tối cao cũng đang xem xét trách nhiệm pháp lý của ông này bởi khi xảy ra vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn thì GĐ Công an tỉnh Bắc Giang đang đảm nhiệm vị trí Thủ trưởng cơ quan CSĐT.
P.Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét