Cách vẽ ra đường chín khúc, còn gọi là đường chữ U, hoặc đường lưỡi bò và yêu sách chủ quyền gần toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc là một đòi hỏi ngang ngược, là hành động khiêu khích – theo lời Tổng thống Mỹ, đối với an ninh, an toàn hàng hải thế giới. Khi bị chất vấn về cơ sở lịch sử, pháp lý, thực tiễn của yêu sách chủ quyền lãnh thổ, về cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn, không một ai trong các học giả và giới cầm quyền Trung Quốc trả lời được.
|
Cuối cùng họ nói thẳng ra rằng UNCLOS 1982 không áp dụng đối với đường lưỡi bò. Nói một cách khác Trung Quốc đang tìm mọi cách để vô hiệu hóa UNCLOS 1982 cho dù họ chưa dám công khai bộc lộ.
Tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên phun nước vào tàu Việt Nam
Ảnh: Thanh Tường
Một câu hỏi được đặt ra là vì những mục đích, động cơ gì khiến Trung Quốc ngang nhiên thách thức với trật tự mới của thế giới đang hình thành? Trả lời cho câu hỏi này không quá khó vì chính giới Trung Quốc, tự họ, đã nói ra.
1) Trung quốc nuôi tham vọng làm bá chủ thế giới. Trung Quốc không hề giấu giếm ý đồ này. Từ khi trở thành ngôi nhì, Trung Quốc công khai cổ vũ cho việc thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng vượt Mỹ và trở thành cường quốc số 1 thế giới về kinh tế, quốc phòng. Trung Quốc tung người và tiền của đi vơ vét tài nguyên của các nước ở khắp thế giới. Trung Quốc đang tìm cách mở thông đường từ Trung Quốc thâm nhập vào các biển Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, Vịnh Thái Lan thông qua việc đầu tư xây dựng các cảng biển với các nước có liên quan. Trung Quốc đang dòm ngó đến các nguồn lợi dầu mỏ, khoáng sản ở Bắc Băng Dương và Nam Băng Dương. Trung Quốc đang mưu toan ôm trọn mọi nguồn lợi của thế giới vào tay mình. Chính người Trung Quốc xưa, khi trả lời Khổng Tử, đã nói rằng ở gần thú dữ không sợ bằng sống bên cạnh kẻ tham. Thú dữ không săn mồi khi no. Nhưng lòng tham của con người thì không đáy.
2) Trung Quốc cảm thấy nay đã đủ lông, đủ cánh chi phối, lũng đoạn thế giới. Họ cho rằng trong thế chân vạc hiện nay, cả Mỹ lẫn Nga đều cần liên minh với Trung Quốc để chống lại đối thủ của nhau. Trung Quốc dễ dàng chơi con bài tọa sơn quan hổ đấu để ngồi giữa hưởng lợi. Điều này cắt nghĩa tại sao Trung Quốc thường bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài Mỹ và Nga không một nước nào dám thách thức Trung Quốc. Trái lại các nước luôn cầu cạnh Trung Quốc vì Trung Quốc là thị trường lớn, là công xưởng lớn của thế giới. Tính hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là đối với các nước ASEAN, bắt nguồn từ sự ngộ nhận này.
3) Trong thế chân vạc hiện nay, Trung Quốc tự dành cho mình phần châu Á là phần bánh ngon và dễ nuốt nhất. Không một đối thủ nào ở châu Á có thể địch nổi Trung Quốc. Trong các đối thủ châu Á thì các nước khối ASEAN là yếu nhất. Nếu độc chiếm được Biển Đông thì Trung Quốc chiếm được nguồn tài nguyên phong phú nhất, dễ khai thác nhất và gần nhất với Trung Quốc. Chiếm được Biển Đông, Trung Quốc sẽ là người giữ chốt đóng mở và dễ dàng khống chế con đường giao lưu huyết mạch từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và ngược lại.
4) Khuất phục Việt Nam là khâu đột phá. Trong các nước ASEAN, Trung Quốc cho rằng Việt Nam là nước khó khuất phục nhất. Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, Việt Nam luôn là cánh cửa thép chặn đứng mưu đồ Trung Quốc tiến xuống phía Nam và tiến sang phía Tây. Trung Quốc cho rằng hiện nay có thể khuất phục được Việt Nam bằng hai cách: dùng sức mạnh quân sự để ngoạm dần từng miếng một, biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp để ép Việt Nam nhân nhượng. Mặt khác Trung Quốc là bậc thầy và rất kiên trì, dày công trong việc ru ngủ bằng những ngôn từ rất bùi tai khiến không ít nước mất cảnh giác.
Khuất phục Việt Nam là khâu đột phá trong quá trình khuất phục ASEAN. Chính giới Trung Quốc cam kết rằng nếu thế hệ hiện nay chưa làm được thì con cháu họ sẽ tiếp tục. Trăm năm sau, ngàn năm sau, họ vẫn tiếp tục mưu đồ này.
D. Gieo gió sẽ gặt bão
Nhiều học giả và chính giới nhận định rất đúng rằng Trung Quốc là một gã khổng lồ nhưng không tự kiểm soát được mình, đúng hơn là mất kiểm soát bản thân. Điều nguy hiểm nhất là Trung Quốc đang hành động ngược lại xu thế của thời đại, ngược lại quy luật cân bằng lợi ích. Trung Quốc mưu toan tự đặt ra luật để buộc các nước khác phải tuân theo. Tính bất khả thi trong mưu toan làm bá chủ thế giới, làm kẻ thống trị châu Á và độc chiếm Biển Đông làm ao nhà của Trung Quốc bắt nguồn từ những tính toán sai lầm đó. Đã qua rồi thời kỳ thực dân dùng vũ lực đi xâm chiếm đất đai, tài nguyên của nước khác. Chính sách ngoại giao pháo hạm cũng đã trở nên lỗi thời. Cho dù Trung Quốc có trở thành cường quốc số 1 của thế giới thì một mình Trung Quốc không thể hành động trái xu thế thời đại, trái quy luật và trái lẽ công bằng về lợi ích. Trung Quốc không thể xé bỏ UNCLOS 1982 cho dù trong thâm tâm họ muốn từ bỏ nó. Từ bỏ UNCLOS 1982 đồng nghĩa với việc Trung Quốc một mình chống lại 160 quốc gia thành viên của UNCLOS, một mình chống lại trên 5 tỷ người trên trái đất, một mình chống lại công bằng, công lý, chống lại nền trật tự mới trên biển cả đã được UNCLOS 1982 xác lập. Trung Quốc làm sao đòi các nước không can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông khi việc độc chiếm Biển Đông xâm phạm đến quyền mưu sinh, nói một cách dân dã là xâm phạm đến bát cơm manh áo của nhân dân nhiều nước trên thế giới ?.
Vì quyền lợi thiết thân của mình, nhân dân, chính giới các nước trên thế giới nhanh chóng lên tiếng phản đối quyết liệt hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Nhân dân thế giới rất có cơ sở để lo ngại rằng ai có thể đoán trước được rằng sau đây 10 năm, 50 năm sẽ có một anh chàng hảo hán vô danh tiểu tốt nào đó phóng bút vẽ ra đường 9, 10… đoạn ôm trọn lấy biển Thái Bình Dương rồi tuyên bố đó là vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc từ mấy ngàn năm trước (!). Trung Quốc ngày nay không thể nói như các vị hoàng đế tiền bối của họ rằng tất cả đất đai trong thiên hạ đều thuộc nhà vua, ngoài ra không thuộc ai cả. Trung Quốc đang mạo hiểm đẩy thế giới đứng bên miệng hố chiến tranh. Chỉ một sơ suất, một tai nạn nhỏ trong hành động diễu võ dương oai hàng ngày của Trung Quốc có thể gây ra chiến tranh lớn. Nhiều liên minh đã hình thành để đối phó với các hành động ngang ngược của Trung Quốc: liên minh Mỹ, Nhật, Hàn; liên minh Mỹ, Nhật, Ấn Độ; liên minh Mỹ, Phi-lip-pin; liên minh Mỹ, Nhật, Úc; liên minh Nhật với các nước ASEAN; liên minh các nước ASEAN, liên minh Việt Nam, Phi-lip-pin. Điều gì sẽ đến với Trung Quốc khi toàn thế giới đoàn kết lại và đáp trả hành động gây chiến tranh của họ? Chính giới Trung quốc không thể không suy tính đến điều này.
Luật sư Lê Đức Tiết
(Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ
và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam)
|
16 tháng 6, 2014
Trung Quốc âm mưu vô hiệu hóa UNCLOS
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét