TT - 20 năm sống giữa vùng đất hoang hóa, cũng là thời gian ông cặm cụi mở đường cho bao người qua lại mặc cho người đời nói ông “quá rảnh”, lo chuyện bao đồng...
>> Những người mở đường
>> Ngư dân đào lạch mở đường ra biển
>> Doanh nghiệp tự bỏ tiền làm đường cho dân
>> Ngư dân đào lạch mở đường ra biển
>> Doanh nghiệp tự bỏ tiền làm đường cho dân
Giữa nắng trưa, lão nông Đặng Văn Bé, 66 tuổi, ngụ xã Long Khánh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) mướt mồ hôi cuốc đất đắp giặm những mảng đường bị bể. Ông nói 20 năm trước ông đến vùng rừng ngập mặn của giồng Cai Tan lập nghiệp, nơi đây thưa thớt dân cư do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Chứng kiến người dân bị bệnh phải khiêng võng trong sình lầy đưa ra kênh, rồi nước ròng phải đẩy xuồng trên kênh cạn, ông thầm nghĩ: “Bằng mọi giá phải mở đường, tránh cho người dân chết oan”.
Nghĩ là làm, ông đưa vợ con về sinh sống tại trung tâm xã, còn ông đi sâu vào rừng, che chắn nhà tạm đánh bắt thủy sản kiếm tiền gạo mắm và mở đường xuyên rừng. Nước mặn bao phủ, không thể mở đường thẳng, ông phải thuận theo mô đất nổi lòng vòng mà đắp nên đường.
Ngoài dụng cụ khai mở đường, ông luôn mang theo lưỡi lam và kim tây phòng khi gai chùm lé đâm thì lấy gai ra tại chỗ. “Dân gian có câu độc như gai chùm lé, gai đâm cứ chui rúc bên trong, nếu không lấy ra sẽ bị làm mạch lươn, tui chứng kiến một người bạn phải cưa chân” - ông Bé nói. Dù cẩn trọng nhưng ông vẫn bị gai xước nhiều nơi và mấy lần phải tự mổ nhổ gai đâm sâu. Có lần ông bị gai đâm ở chân, dù mổ nhưng không thể nhổ gai, ông đành lặn lội trở về nhờ gia đình đưa đi bệnh viện. Sau khi học ké từ các y tá cách mổ lấy gai, ông Bé hỏi mua thuốc tê và kim tiêm dự trữ rồi trở vào rừng, tiếp tục “cuộc chiến” với gai chùm lé.
Cứ thế, năm đầu tiên đôi tay sạm nắng chai sần của ông khai mở con đường nhỏ hơn 500m. Sáu năm sau, một con đường quanh co xuyên rừng ngập mặn xuất hiện với chiều dài 6km nối liền con đường giáp ranh xã Đông Hải. Để duy trì con đường trong mùa nắng đường khô nứt, mùa mưa nước cuốn trôi, ông Bé thường vác cuốc đi kiểm tra, gặp nơi hư hỏng đắp lại hoặc tôn cao nơi thấp ngập. Có đường người dân cũng đến cư ngụ đông dần.
Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm cho tiền, cho đá, người dân xung quanh cũng phụ ông rải đá cho con đường. Nào giờ làm một mình, đụng đến tiền bạc là ông lo lắm, nhằm công khai, ông đề xuất cùng ba người hàng xóm ghi rõ danh sách nhà hảo tâm, rồi treo trên bảng làm việc. Đến nay con đường đã được gia cố, thay cầu bêtông, lượng xe qua lại ngày càng lớn.
Ông tâm sự ngày xưa thấy ông khai mở đường, nhiều người xúm lại nói ông “bị tội gì đó nên chính quyền bắt đi cải tạo”. Có người chửi ông mở đường cho ăn trộm mò đến. Ông kể: “Có mấy ông bạn láng giềng hiểu việc tui làm nên nói chừng nào ông đi thì kêu tụi tui theo phụ. Nghe mừng lắm, hôm sau qua rủ, bị vợ họ chửi quá trời, họ nói quá rảnh sao mà đi theo cái ông điên làm chuyện bao đồng”.
Không nản, ông Bé ngày ngày vẫn đắp, gia cố để sau đó gần 20 năm, giờ đây con đường đã hình thành một cách chắc chắn, người dân đi lại dễ dàng. Năm 2014, ông Bé nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về những đóng góp của ông cho xã hội.
SƠN BÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét