Trang

21 tháng 6, 2014

Nên xã hội hóa việc làm sách giáo khoa


Việc làm SGK nên xã hội hóa, chứ không phải nhà nước trực tiếp làm bằng nguồn tài chính của ngân sách - Ảnh:Thanh Niên
Việc làm SGK nên xã hội hóa, chứ không phải nhà nước trực tiếp làm bằng nguồn tài chính của ngân sách - Ảnh:Thanh Niên
Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa, điều đáng mừng là trong xã hội có rất nhiều người tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông, theo cách hiểu của tôi, đó là một công cụ sư phạm quan trọng nhất để người thầy dùng nó, dựa vào nó mà tác động vào học sinh nhằm đạt được mục tiêu giáo dục.
Tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực học sinh
Nay đổi mới, chương trình nên xây dựng theo cách tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực học sinh (tôi dùng chữ năng lực ở đây là nói năng lực Người, tức là bao gồm cả phẩm chất, nói cách khác đó chính là nhân cách người học). Thế chẳng lẽ chương trình giáo dục không cần giải quyết vấn đề cung cấp kiến thức hay sao? Không phải thế! Đương nhiên vẫn có truyền thụ kiến thức, nhưng với cách tiếp cận khác.
Để có năng lực rất cần kiến thức, nhưng kiến thức chưa phải là mục tiêu cuối cùng, chưa phải sản phẩm cuối cùng, mà năng lực mới là sản phẩm cuối cùng, mặt khác, thời nay kiến thức rất mênh mông và liên tục có bổ sung, đổi mới, cần chuẩn bị cho học sinh năng lực tiếp cận, biết tự học, tự trang bị kiến thức suốt đời.
Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và kỳ diệu, có khả năng làm thay đổi phương thức hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo lập phương thức phát triển mới, con người hoàn toàn có thể tự tìm kiếm, lựa chọn kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi, tự trang bị cho mình những gì mình thấy thật sự cần thiết, nhằm phát triển tối đa thế mạnh riêng của mỗi người, trong mối quan hệ với phát triển toàn diện con người.
Chương trình giáo dục phổ thông vẫn cần giải quyết vấn đề truyền thụ kiến thức, nhưng chủ yếu là giới thiệu những kiến thức rất cơ bản, cốt lõi. Đã cốt lõi thì không nhiều, không mênh mông dàn trải. Đã dàn trải thì chưa phải cốt lõi.
Còn lại việc chủ yếu là giúp học sinh cách tiếp cận vấn đề, kể cả cách tiếp cận nguồn kiến thức phong phú và đa dạng, cách phân tích, tổng hợp, luận giải, và nhất là cách giải quyết vấn đề. Có những kết quả nghiên cứu cho rằng, tự học tiếp thu được nhiều hơn (thậm chí gấp đôi) so với nghe giảng; và trực tiếp tham gia hoạt động cụ thể qua công việc sẽ tiếp thu nhiều hơn nữa (cũng gấp đôi) so với tự học trong sách vở. Việc hướng dẫn cho học sinh tự học, và việc tổ chức các hoạt động học, thông qua công việc thực tế để học là vấn đề rất quan trọng trong chương trình giáo dục mới.
Làm ngay một chương trình có nhiều bộ SGK
Còn sách giáo khoa (SGK)? SGK cụ thể hóa chương trình, tuân thủ chương trình, bám sát chương trình, thể hiện chương trình, để thực hiện chương trình. Việc thi kết thúc môn học, khóa học sẽ thực hiện theo chương trình chứ không phải theo SGK.
Nếu chương trình nằm ở vị trí gần hơn với thầy giáo, là công cụ sư phạm của thầy giáo, thì SGK nhích hơn (so với chương trình) về phía học sinh, để giúp học sinh khi cần có thể tự học trong lúc không có thầy hướng dẫn, vừa là công cụ sư phạm để người thầy tác động vào học sinh, vừa là công cụ mà học sinh có thể tự sử dụng để nâng cao tri thức và năng lực. Có thể coi SGK nằm ở vị trí giữa người thầy và học sinh.
Một chương trình có thể và rất nên có nhiều bộ SGK. Trước đây đã có quy định một chương trình một bộ SGK do nhà nước ban hành. Việc này nên đổi mới, mà nên làm sớm, làm ngay chứ không nên kéo dài nữa.
Có thể đề nghị cấp có thẩm quyền cho sửa lại quy định, chấp nhận một chương trình nhiều bộ SGK. Nói nhiều bộ SGK không có nghĩa là quá nhiều, mà cần có giới hạn một số lượng nhất định. Nhà nước phê duyệt và ban hành chương trình, sau đó các cơ sở đào tạo sư phạm, các nhà giáo, nhà khoa học có thể tham gia viết SGK, nhà nước lập ra một hội đồng khoa học để thẩm định bộ sách nào đạt yêu cầu theo đúng chương trình nhà nước đã ban hành thì mới cho sử dụng trong hệ thống trường phổ thông.
Trong số các bộ sách đạt tiêu chuẩn, dùng bộ nào để học thì do các thầy giáo phụ trách môn học và tập thể bộ môn lựa chọn trên cơ sở xem xét chất lượng tốt nhất. Với cách làm như vậy sẽ ngày càng có những bộ sách tốt hơn, do không còn độc quyền mà có sự thi đua về chất lượng.
Việc làm SGK nên xã hội hóa, chứ không phải nhà nước trực tiếp làm bằng nguồn tài chính của ngân sách bỏ ra, sẽ không phải tốn nhiều như thông tin chúng ta đã biết. Muốn làm vậy, việc ban hành chương trình phải đi trước. Lâu nay không ít trường hợp viết chương trình và SGK đồng thời cùng lúc, thậm chí cá biệt có trường hợp viết SGK trước, còn chương trình chỉ là hình thức, ghi lại để hợp thức hóa. Lần này nên quyết tâm đổi mới quy trình làm chương trình và SGK.
Không nên nhập khẩu mà cần phải làm ra sản phẩm của Việt Nam
Khác với những công cụ lao động cơ khí, loại công cụ lao động này (chương trình và SGK) xuất phát từ yêu cầu luôn luôn động của đối tượng lao động (là học sinh). Đối tượng này là những con người, có văn hóa khác nhau, gắn với văn hóa dân tộc và cộng đồng, vừa có cái chung phổ quát vừa có đặc điểm riêng.
Vì vậy, chương trình SGK cần phải có độ mở nhất định tùy theo môn học, cấp học, vùng miền. Mặt khác, chương trình giáo dục nói chung là không nên nhập khẩu mà cần phải làm ra sản phẩm của Việt Nam, để phù hợp với đối tượng học sinh, và chính trong quá trình sản xuất sáng tạo ấy mà phát triển tri thức trên lĩnh vực khoa học giáo dục nước nhà.
Việc thiết kế chương trình liên quan trực tiếp đến thiết kế hệ thống, làm rõ nhiệm vụ, yêu cầu của mỗi cấp học. Kết thúc phổ thông cơ sở cần giải quyết cơ bản xong yêu cầu kiến thức và năng lực phổ thông, để sau đó học sinh có thể đi học ngành nghề nào đó rồi ra trường làm việc chứ không nhất thiết phải tiếp tục học lên trung học phổ thông.
Nên phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Đồng thời cần lưu ý yêu cầu sau này khi những người có trình độ trung cấp nghề nghiệp muốn và đủ điều kiện học lên tiếp cao đẳng, đại học thì có thể chuyển tiếp liên thông. Xử lý việc này liên quan cùng lúc đến chương trình trung cấp nghề nghiệp và trung học phổ thông, sự thiết kế liên thông lên đại học nghề nghiệp, đại học nghiên cứu, liên quan đến công việc liên ngành, liên bộ, nên Chính phủ cần phải chủ trì.
Nên cho học sinh tự chọn các môn học
THPT là giai đoạn chuyển tiếp lên đại học. Giai đoạn chuyển tiếp thì không nhất thiết phải kéo dài đồng loạt đến 3 năm và nên cho học sinh tự chọn các môn học. Đầu cấp học cần dành thời lượng đáng kể để học sinh tiếp cận ban đầu với nghề nghiệp tương lai, để có thể hình dung sơ bộ về nghề nghiệp mà mình lựa chọn.
Trên cơ sở đó, học sinh chọn môn học phù hợp. THPT tiến đến học theo tín chỉ, học phần. Học và thi xong số tín chỉ theo quy định sẽ kết thúc phổ thông, học sinh yếu hơn có thể học kéo dài đến 3 năm, học sinh khá có thể kết thúc trong 2 năm. Trước đây, ở Việt Nam đã học hệ 11 năm, gồm vỡ lòng và từ lớp 1 đến lớp 10. Phần lớn các nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam đã học phổ thông theo hệ 11 năm này.
Do phương pháp tiếp cận của chương trình là tiếp cận nội dung cung cấp kiến thức, học thuộc và ghi nhớ nên 12 năm vẫn thấy không đủ, thậm chí 13 - 14 năm cũng không đủ, vẫn nặng nề về dung lượng. Nay đổi mới cách tiếp cận, tác động vào phát triển năng lực, hướng đến tự học, tự cập nhật kiến thức thường xuyên, suốt đời, thì số năm học có thể giảm bớt một, như thực tế trước đây, như một số nước đã và đang thực hiện.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
(Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư)
Theo Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét